Kinh tế

SEVEN.AM bị 'tố' bán hàng Trung Quốc 'cắt mác', ông Nguyễn Vũ Hải Anh rút khỏi công ty?

Ông Nguyễn Vũ Hải Anh cho biết rút khỏi công ty sở hữu thương hiệu thời trang Seven.AM từ lâu, tuy nhiên, ông này vẫn nắm 60% cổ phần tại đây.

Trước những nghi vấn về việc Seven.AM nhập hàng Trung Quốc rồi cắt mác, bán ra thị trường, trả lời báo VTC, ông Nguyễn Vũ Hải Anh cho biết: "Tôi rút khỏi Công ty Cổ phần MHA (đơn vị sở hữu thương hiệu thời trang Seven.AM) từ lâu, nhưng mọi người không biết. Chính vì vậy tôi không thể phát ngôn thay cho phía công ty được".

Ông Hải Anh cũng thông tin thêm, phía đại diện Seven.AM sẽ sớm có thông cáo báo chi chính thức đến các cơ quan báo chí về vấn đề này.

SEVEN.AM bị 'tố' bán hàng Trung Quốc 'cắt mác', ông Nguyễn Vũ Hải Anh rút khỏi công ty?
Cửa hàng Seven.AM trên phố Thái Hà

Mới đây, báo Tuổi trẻ thủ đô phản ánh, những kiện hàng như túi, khăn, quần áo… được đưa về kho của Công ty cổ phần MHA (nhãn hiệu thời trang SEVEN.am), trước khi xuất đi hàng chục showroom, các công nhân sẽ kiểm tra từng sản phẩm, nếu thấy bất kỳ chữ Trung Quốc nào là phải loại bỏ ngay và thay vào đó bằng nhãn hiệu SEVEN.am.

Ngày 10/11 tại cửa hàng Seven.AM trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội), toàn bộ mặt hàng được trưng bày tại tầng một của cửa hàng đều là quần áo có tem mác Made in Việt Nam, khi PV ngỏ ý muốn được lên tầng 2 nơi trưng bày các sản phẩm túi xách, phụ kiện khác thì nhân viên tại đây từ chối với lý do đang trong thời gian sửa chữa, nhiều khách hàng khác cũng bị từ chối lên khu vực tầng 2. Khi được hỏi về nguồn gốc sản phẩm, nhân viên này cho biết tất cả sản phẩm đều được thiết kế tại Việt Nam.

Hiện vụ việc đang được Cục Quản lý thị trường Hà Nội vào cuộc, điều tra, xác minh.

Việc cắt mác Trung Quốc trong ngành thời trang ở Việt Nam là hiện tượng xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành may mặc và thương hiệu Việt.

Trước đó, năm 2017 thương hiệu lụa tiếng tăm của Việt Nam là Khaisilk bị khách hàng tố cắt mác sản phẩm lụa Trung Quốc, dán đè mác sản phẩm “Made in Vietnam”, công ty này sau đó phải đóng cửa, ngừng hoạt động, thương hiệu lụa Khaisilk sau đó mất dần trong lòng công chúng.

Gần đây, vụ việc Công ty Asanzo Việt Nam bị báo chí phanh phui là nhập nhiều mặt hàng như lò vi sóng, nồi cơm điện nguyên chiếc và xé nhãn mác Trung Quốc để thành hàng Việt Nam chất lượng cao. Lực lượng thuế, hải quan kết luận sơ bộ công ty này có nhiều hành vi gian dối, trốn thuế, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam.

Hiền Lê (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/sevenam-bi-to-ban-hang-trung-quoc-cat-mac-ong-nguyen-vu-hai-anh-rut-khoi-cong-ty-d64144.html?demo