Kinh tế

SCIC chưa chốt thời điểm thoái vốn tại Vinamilk, FPT

Tổng giám đốc SCIC Lại Văn Đạo cho hay việc thoái vốn phải chọn thời điểm thuận lợi nhất, đảm bảo trọn vẹn lợi ích Nhà nước.

Tổng giám đốc SCIC Lại Văn Đạo cho hay việc thoái vốn phải chọn thời điểm thuận lợi nhất, đảm bảo trọn vẹn lợi ích Nhà nước.

Tổng giám đốc SCIC - Lại Văn Đạo.


Phát biểu trên VTV về lộ trình thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp, ông Lại Văn Đạo - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho hay hiện đơn vị này chưa quyết định thời điểm cụ thể để rút vốn khỏi các doanh nghiệp. "Việc quyết định xem lúc nào lập phương án cụ thể trình Thủ tướng để bán vốn của các doanh nghiệp A, doanh nghiệp B, đến giờ phút này, chúng tôi chưa khẳng định", ông nói.

Nguyên nhân được vị này đưa ra thị trường chứng khoán cuối năm thường biến động lớn và cũng phải tính đến tác động từ việc nới tỷ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, nhất là danh mục 10 doanh nghiệp này đa phần sẽ được nới room.

"Chúng tôi sẽ phải rà soát lại toàn bộ. Ví dụ như các doanh nghiệp Vinamilk, FPT..., cần rà soát xem khi nào thấy cần thiết và có lợi nhất? Từ đó, đảm bảo việc thoái vốn một cách trọn vẹn, đạt được mức giá cao nhất, đem lại lợi ích cho Nhà nước", ông Đạo khẳng định.

Về phương thức thoái, lãnh đạo SCIC cho biết với doanh nghiệp niêm yết, tổng công ty sẽ tiến hành bán khớp lệnh trên thị trường hoặc giao dịch ngoài sàn. Tuy nhiên, vị này cho rằng bán ngoài sàn thường đạt được mức giá tốt hơn bởi nhà đầu tư lớn tham gia nhiều, tạo sự cạnh tranh. Đối với 2 doanh nghiệp chưa niêm yết là Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom), SCIC sẽ áp dụng cơ chế bán đấu giá một phần hoặc toàn bộ.

Trước đó, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản yếu cầu SCIC thoái toàn bộ vốn tại 10 doanh nghiệp, bao gồm những đơn vị niêm yết lớn trên sàn chứng khoán như Vinamilk, FPT, Bảo hiểm Bảo Minh... Tính theo thị giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán, vốn hóa thị trường của 10 doanh nghiệp này khoảng 7 tỷ USD, riêng phần SCIC đang sở hữu có giá trị khoảng gần 3 tỷ USD.

Văn bản này cũng xác định lộ trình và phương thức thoái vốn sẽ do SCIC lựa chọn để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định nhằm đạt lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Theo kế hoạch, nguồn tiền thu được từ bán vốn sẽ được dùng cho chi đầu tư phát triển trong bối cảnh nguồn thu năm 2015 - 2016 gặp khó khăn.
 
>>Bán vốn nhà nước tại Vinamilk để xây bệnh viện
 
Theo H.Thư (VnExpress.net)