Kinh tế

Sáp nhập Uber - Grab: Chuyện đã rồi bất chấp nghi vấn độc quyền?

Philippines yêu cầu dừng vô thời hạn, Singapore lùi thời hạn để điều tra chuyện độc quyền, vi phạm luật cạnh tranh, thì tại Việt Nam, việc sáp nhập Uber - Grab là chuyện đã rồi.

Theo đúng như lịch đã công bố, 8/4 ngày cuối cùng của Uber tại Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác. Uber ra đi với 27,5% cổ phần tại Grab nhưng để lại rất nhiều những tranh luận chưa ngã ngũ.

Tại Việt Nam, đó là nợ thuế và việc bị cơ quan chức năng điều tra về tính độc quyền.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Uber còn nợ thuế vẫn êm đẹp rút khỏi Việt Nam. Khoản nợ thuế 53,3 tỷ đồng rồi sẽ mất trắng khi mà Grab tuyên bố không có trách nhiệm?

Ngoài ra, cơ quan chức năng vẫn đang điều tra chuyện Grab sáp nhập với Uber có vi phạm Luật Cạnh tranh trong việc tập trung kinh tế hay không. Tại Philippines, việc sáp nhập được yêu cầu lùi vô thời hạn. Tại Singapore, Chính phủ yêu cầu lùi thời gian để hoàn tất điều tra. Còn tại Việt Nam, Uber đã chính thức nói lời tạm biệt khi chấm dứt hoạt động tại Việt Nam đêm qua, 8/4, theo đúng kế hoạch. 

Liệu có phải sang Hà Lan đòi nợ thuế?

Sau khi Uber tuyên bố rút khỏi Việt Nam, số nợ thuế của doanh nghiệp này một lần nữa lại gây xôn xao dư luận. Uber đã đồng ý trả thuế và nộp 13,3 tỷ đồng cho Cục Thuế TP.HCM vào tháng 12/2017. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần rất nhỏ so với khoản nợ 67,7 tỷ đồng mà Uber chây ì.

Sáp nhập Uber - Grab: Chuyện đã rồi bất chấp nghi vấn độc quyền?
Ngày 8/4 là ngày cuối cùng của Uber tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.

Rất có thể vào đầu năm 2017, thương vụ Uber sáp nhập Grab bí mật được đàm phán khiến cho việc nộp khoản nợ 53,4 tỷ đồng cũng được gác lại. Uber hiểu rằng cơ quan chức năng của Việt Nam đang “đuối” khi bắt Uber nộp thuế cho dù đã nhiều lần nhắc nhở, thậm chí là có “biện pháp mạnh” qua ngân hàng.

Khi Uber công khai bán mình cho Grab, cơ quan chức năng của Việt Nam nói rất nhiều đến chuyện doanh nghiệp mới phải kế thừa nghĩa vụ của doanh nghiệp cũ. Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Nam Bình cho biết cơ quan này mới chỉ gửi văn bản yêu càu Grab báo cáo và vẫn phải chờ đợi câu trả lời.

Không biết Grab đã trả lời Cục Thuế TP.HCM hay chưa, nhưng Grab đã nói với truyền thông rằng họ không có nghĩa vụ phải trả nợ cho Uber. Họ chỉ mua lại mảng kinh doanh tại Đông Nam Á của Uber, chứ không mua lại pháp nhân.

Trong khi đó, Uber vẫn im ắng về khoản thuế như cách họ vẫn làm nhiều tháng qua.

Sáp nhập Uber - Grab: Chuyện đã rồi bất chấp nghi vấn độc quyền? - 1
Những tranh cãi về khoản nợ thuế của Uber vẫn chưa ngã ngũ. 

Trao đổi với Zing.vn, một luật sư đề nghị giấu tên cho rằng rất có thể Uber sẽ “xù” được khoản nợ thuế lên tới 53,4 tỷ đồng một cách dễ dàng. Vị này nhấn mạnh về bản chất, Uber BV Hà Lan đang nợ thuế bởi Uber chưa thành lập pháp nhân kinh doanh tại Việt Nam. Uber BV Hà Lan bán lại mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab, nhưng người nợ thuế vẫn nằm tại Hà Lan.

Vị này ví von rất có thể phải sang tận Hà Lan để đòi nợ thuế thay vì đòi Grab hoặc khi Việt Nam và Hà Lan có hiệp định về thuế xuyên biên giới mới có thể giải quyết được vấn đề này.

Tranh luận chưa ngã ngũ về thị phần của Grab

Ở một câu chuyện khác liên quan đến thị phần của Grab sau khi sáp nhập Uber, những người trong cuộc vẫn chưa đưa được căn cứ rõ ràng khi sát nhập 2 hãng mà chỉ thấp hơn 30%.

Nhận được câu trả lời của Grab nói tổng thị phần kết hợp với Uber vẫn thấp hơn 30%, Bộ Công Thương đã phải họp với doanh nghiệp này và yêu cầu đưa ra căn cứ cụ thể.

Theo ông Trần Bằng Việt, chuyên gia chiến lược doanh nghiệp, CEO Dong A Solutions, nguyên Tổng giám đốc Mai Linh Taxi, việc xác định thị phần của Uber và Grab là việc rất khó khăn.

Vị này cho rằng có xác định thị phần vào nhiều yếu tố. Thứ nhất có thể căn cứ vào số lượng xe, nhưng không có cơ sở bởi theo tính toán xe chạy 120 km/ngày hiệu quả sẽ thấp hơn, doanh thu thấp hơn xe chạy 300 km/ngày. Việc chạy xe bao nhiêu km/ngày/xe là việc rất khó xác định.

Sáp nhập Uber - Grab: Chuyện đã rồi bất chấp nghi vấn độc quyền? - 2
Vẫn rất khó để đánh giá thị phần của Uber và Grab tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang.

Nếu tính theo thuế mà doanh nghiệp nộp (dựa vào doanh thu) cũng khó chính xác việc đóng thuế của các doanh nghiệp vận tải loại hình này vẫn còn chưa ngã ngũ, rất có thể việc hạch toán thuế cũng chưa chính xác.

Ngoài ra còn phải xác định thị phần Uber - Grab so sánh với ai, taxi truyền thống hay chỉ những hãng xe ứng dụng hợp đồng điện tử. Cũng cần tính thị phần được xác định trên phạm vi nào, bởi mỗi địa phương là khác nhau.

Ông Việt nói để tính chính xác nhất được thị phần là tính được số km mà Uber và Grab phục vụ khách hàng mỗi ngày. Tuy nhiên tính toán được điều này là rất khó khăn, rải rác, khó đánh giá, cũng không thể xâm nhập vào hệ thống của Uber và Grab để xác định.

Khi mà tiêu chí xác định thị phần của Uber và Grab còn chưa rõ ràng và còn gây tranh cãi, ông Việt cũng nhấn mạnh bản thân thị phần của Grab và Uber khi kết hợp với nhau cũng không thể ra con số như làm một phép tính cộng cơ học. Theo đó sẽ có lượng hao hụt đi do có người chuyển việc khác, chạy liền 2 ứng dụng…. Ông ước tính thị phần kết hợp chỉ bẳng khoảng 80-85% tổng thị phần 2 hãng khi cộng vào.

Sáp nhập Uber - Grab tại Việt Nam: Chuyện đã rồi?

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, lại cho rằng cơ quan chức năng có thể dễ dàng xác định được số lượng xe của Uber và Grab và không nên “cò cưa” mãi chuyện Grab phải chứng minh như thế nào.

“Bộ Công Thương cần kết hợp với Bộ Giao thông Vận tải để xác định xem khi Uber và Grab kết hợp với nhau được bao nhiêu xe. Tôi nghĩ cái này không khó xác định. Tiêu chí thì nên dựa vào số lượng xe tham gia thí điểm hợp đồng điện tử. Hiện chỉ có Uber và Grab là chính, còn một số ít xe của các hãng taxi truyền thống”, ông Thanh nói.

Ủng hộ quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc hợp tác xã vận tải Toàn Cầu, cho rằng con số thị phần thấp hơn 30% mà Uber và Grab đưa ra là thiếu cơ sở. Ông ủng hộ việc áp tiêu chí số lượng xe tham gia thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử là ra ngay thị phần.

Sáp nhập Uber - Grab: Chuyện đã rồi bất chấp nghi vấn độc quyền? - 3

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, kết thúc 2 năm thí điểm xe hợp đồng điện tử (tháng 12/2017), tổng lượng xe tham gia là 36.809 chiếc của 10 hãng cung cấp phần mềm. Trong số này Uber và Grab chiếm tới 35.590 xe. Trong đó, số lượng xe Uber là 6.006, còn Grab có 29.584 xe.

Như vậy, nếu tính toán theo con số kết thúc 2 năm thí điểm xe ứng dụng hợp đồng điện tử, thị phần của Uber và Grab khi thực hiện phép cộng cơ học là 96,7%.

Tuy nhiên, cho dù là 96,7% hay là con số khác thì việc điều tra thị phần của Grab khi sáp nhập Uber vẫn cần một khoảng thời gian dài nữa.

Trong lúc đó, Uber vẫn sẽ rút lui và Grab vẫn tiếp nhận lại. Nhiều người đánh giá cơ quan chức năng đang gặp khó khi Grab và Uber “bất chấp”.

Sáp nhập Uber - Grab: Chuyện đã rồi bất chấp nghi vấn độc quyền? - 4

Ông Trần Bằng Việt nói rằng Việt Nam khó có có cơ sở và quyền chặn việc sáp nhập. Uber có thể phản biện rằng mình rút lui tránh lỗ, thị trường kinh doanh không như kỳ vọng nên rút khỏi Việt Nam.

“Việc lỗ và rút khỏi Việt Nam là quyền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tranh thủ tìm kiếm một số lợi ích khi rút lui như chia sẻ cơ sở dữ liệu công nghệ, khách hàng, tài xế với Grab… chứ không nhất thiết khách hàng của Uber phải là khách hàng của Grab. Do đó, đây không hẳn là một vụ sáp nhập”, ông Việt nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh thì lo ngại khi có kết quả điều tra về thị phần, lúc đó việc chuyển giao sáp nhập Uber và Grab đã êm xuôi. Khi đó rất khó để cơ quan chức năng xử lý và can thiệp vào vụ việc.

Sáp nhập Uber - Grab: Chuyện đã rồi bất chấp nghi vấn độc quyền? - 5

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)