Kinh tế

Rủi ro khi chứng khoán lên đỉnh

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hệ thống giao dịch vẫn còn quá tải, việc nhà đầu tư sốt ruột, liên tục sử dụng lệnh thị trường (lệnh MP) để mua thì càng dễ thua thiệt

Thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày đầu tháng 6-2021 liên tục lập những kỷ lục mới về chỉ số. VN-Index đã tăng 5 phiên liên tiếp, với tổng mức tăng 53,59 điểm, tương ứng tăng 4,1% so với cuối tuần trước và kết thúc tuần tại mức 1.374,05 điểm.

Bất chấp khối ngoại vẫn ồ ạt xả bán bluechip và bán ròng hàng ngàn tỉ đồng, dòng tiền trong nước cuồn cuộn cũng xô đổ những kỷ lục đã lập trước đó. Cụ thể, ngày 3-6, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 36.854 tỉ đồng - cao nhất kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập. Chỉ một ngày sau, giá trị tiếp tục vọt lên 38.500 tỉ đồng - con số mà ai cũng phải ngỡ ngàng, trong đó riêng sàn HoSE đã chiếm 31.300 tỉ đồng.

Đáng chú ý, những gì diễn ra trên thị trường tuần qua đã phá vỡ mọi dự báo của các công ty chứng khoán và giới phân tích đưa ra hồi đầu năm. Khi đó, hầu hết đều cho rằng VN-Index 2021 có thể chỉ loanh quanh trên dưới 1.200 điểm. Những người lạc quan nhất cũng chỉ dám nghĩ VN-Index đạt khoảng 1.300 điểm vào cuối năm nhưng thực tế, chỉ số này hiện đã tiến gần 1.400 điểm. Thậm chí, VN30-Index còn đi xa hơn, tăng trên 40% so với đầu năm khi vượt mốc 1.500 điểm - mức cao nhất trong lịch sử.

Rủi ro khi chứng khoán lên đỉnh
Chứng khoán liên tục lập đỉnh khiến giới đầu tư hết sức phấn khởi mà quên đi những rủi ro đang rình rập.Ảnh: Hoàng Triều

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, một "lão làng" trong giới chứng khoán Việt Nam - cho rằng những kỷ lục này đến từ việc "rất nhiều người chọn đầu tư chứng khoán thay vì gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Cơ hội có một không hai để nước ta phát triển thị trường vốn".

Theo ông Hưng, chưa bao giờ nhà đầu tư cá nhân lại quan tâm đến thị trường chứng khoán nhiều như hiện tại. Đối tượng nhà đầu tư này mới quan trọng và thúc đẩy sự phát triển cho thị trường chứng khoán rất tốt. Điều đó thể hiện qua số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản liên tục tăng những tháng gần đây. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán - vượt 20% so với cả năm 2020 (393.659 tài khoản).

Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE, lý giải dòng tiền theo một hướng khác, rằng chính việc các công ty chứng khoán đồng loạt khuyến cáo nhà đầu tư sửa/hủy lệnh đã giúp hệ thống giao dịch của sàn HoSE đỡ áp lực và có thêm 200.000 lệnh mới được khớp. Nhờ vậy, thanh khoản của HoSE đạt được đỉnh cao mới.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho rằng việc thị trường chứng khoán liên tục tăng trưởng cao hơn cả thế giới và khu vực thời gian qua đang tạo áp lực lớn cho cơ quan quản lý, chưa kể rủi ro khi mặt bằng giá đã lên mức cao, khiến thị trường khó duy trì được sự phát triển ổn định và bền vững.

Theo ông Sơn, việc tăng mạnh của thị trường khiến cho vay ký quỹ (margin) ở các công ty chứng khoán gần chạm trần nhưng tạm thời vẫn trong mức kiểm soát.

Nhận định chung về tuần tới, một số công ty chứng khoán cho rằng việc thị trường tăng nhanh và mạnh trong thời gian ngắn có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh ngắn hạn, dù nhìn trên tổng quan vẫn tích cực và VN-Index hoàn toàn có thể lập đỉnh 1.400 điểm trong tháng 6.

Tuy vậy, một rủi ro lớn là việc hệ thống giao dịch của sàn HoSE vẫn còn quá tải khiến tốc độ phản hồi dữ liệu rất chậm. Các bảng điện không hiện đúng giá đang giao dịch, lệnh vào bị treo, chậm và nhà đầu tư cũng khó hủy, sửa lệnh... Việc không đặt được lệnh mua bán đúng giá dự kiến sẽ làm gia tăng các quyết định sai lầm khi nhà đầu tư sốt ruột.

Theo Sơn Nhung (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/kinh-te/rui-ro-khi-chung-khoan-len-dinh-20210606203222468.htm