Kinh tế

Red Bull - từ niềm tự hào thành biểu tượng bất bình đẳng tại Thái

Scandal của quý tử thừa kế khiến Red Bull tại Thái Lan bị tẩy chay khi dư luận cho rằng hệ thống tư pháp thiên vị giới siêu giàu.

Hồi tháng 7, dư luận Thái Lan đồng loạt kêu gọi tẩy chay Red Bull và các sản phẩm liên quan vì con trai chủ sở hữu thương hiệu này không bị trừng trị sau khi gây tai nạn chết người. Nhiều người dân cho biết mất niềm tin vào hệ thống tư pháp quốc gia này. Hashtag "#BoycottRedBull" bắt đầu lan rộng trên mạng xã hội sau khi có thông tin các cáo buộc với Vorayuth Yoovidhya, biệt danh "Boss", bị bãi bỏ.

Đây chính là cháu trai của tỷ phú Chaleo Yoovidhya - người đồng sáng lập thương hiệu nước tăng lực Red Bull nổi tiếng. Sinh năm 1923 trong một gia đình gốc Hoa ở miền Bắc Thái Lan, ông Chaleo khởi nghiệp bằng việc bán dược phẩm. Đến năm 1956, ông thành lập TC Pharmaceutical – doanh nghiệp sản xuất các loại thuốc trị đau đầu và sốt. Tuy nhiên, ông vẫn làm việc điều phối cho các hãng xe chở hàng.

Nhờ đó, Chaleo sớm nhận ra một thị trường màu mỡ hơn dành cho nước uống tăng lực khi các tài xế đường dài thường xuyên phải dùng chúng. Ông đã tạo ra Krating Daeng – đồ uống với vị ngọt, chứa caffeine lần đầu trở nên phổ biến với người lao động và giới lái xe ở Thái Lan.

Red Bull - từ niềm tự hào thành biểu tượng bất bình đẳng tại Thái
Một người đàn ông Thái Lan uống Krating Daeng - phiên bản gốc của Red Bull tại một cửa hàng tiện lợi ở Bangkok năm 2001. Ảnh Reuters.

Năm 1984, nhân chuyến công tác Thái Lan, doanh nhân người Áo Dietrich Mateschitz đã biết đến Krating Daeng. Sau đó, Mateschitz đã gặp và đề nghị Chaleo hợp tác. Hai người đàn ông cùng bắt tay nhau lập doanh nghiệp đồ uống và cho ra mắt Red Bull – một phiên bản toàn cầu của Krating Daeng sau khi đã được giảm độ ngọt.

Red Bull lập tức trở thành đồ uống tăng lực phổ biến giới vận động viên, sinh viên, những người thích tiệc tùng và hay làm việc đêm trên toàn cầu nhờ chiến lược tiếp thị sản phẩm thông minh. Nhờ loại nước tăng lực này, cả hai đã trở thành tỷ phú. Dù vậy, cha đẻ Red Bull vẫn giữ lối sống giản dị, khiêm tốn, ít xuất hiện trước truyền thông. Chaleo Yoovidhya qua đời năm 2012 khi đã ngoài 80 tuổi.

Sau đó, con trai ông - Chalerm Yoovidhya tiếp quản TCP Group, công ty mẹ của thương hiệu Red Bull tại Thái Lan. Theo Forbes, đây là gia tộc giàu thứ nhì Thái Lan. Ngoài sở hữu một nửa hoạt động kinh doanh trên toàn cầu của Red Bull, họ còn nắm giữ nhiều bất động sản, nhà hàng, nhà máy rượu và là hãng nhập khẩu chính thức duy nhất ở Thái Lan của Ferrari.

Từng là niềm tự hào của người Thái, gia tộc Yoovidhya cũng nhanh chóng trở thành biểu tượng cho sự bất bình đẳng tại đất nước này.

Tháng 9/2012 - khoảng nửa năm sau khi ông nội mất, Vorayuth bị cáo buộc liên quan đến vụ tại nạn gây chết người. Đây là vụ án được nhiều người coi là ví dụ cho sự đối xử đặc biệt dành với giới siêu giàu ở xứ sở chùa Vàng.

Vorayuth được cho là lái một chiếc Ferrari đâm vào một cảnh sát đi xe máy. Viên cảnh sát Wichean Klunprasert bị chiếc siêu xe kéo lê vài mét và tử vong do bị thương nặng. Sau vụ tai nạn, nồng độ cồn và cocaine được phát hiện trong máu quý tử nhà Yoovidhya.

Cơ quan điều tra cho biết, chiếc Ferrrari đang chạy với tốc độ 170km/h khi xảy ra va chạm. Vorayuth đã bắt một người giúp việc nhận tội thay nhưng sự việc sớm bại lộ. Ngay sau vụ tai nạn, gia đình Vorayuth đã đền bù cho gia đình cảnh sát Wichean khoảng 100.000 USD.

Vorayuth bị giam nhưng sau khi nộp tiền bảo lãnh, anh từ chối tham dự các phiên tòa. Cháu trai Chaleo Yoovidhya trốn khỏi Thái Lan bằng một chuyên cơ.

Sau đó, Vorayuth tiếp tục hưởng thụ cuộc sống xa xỉ tại Anh. Mỗi lần thông tin về Vorayuth ở nước xuất hiện trên các kênh tin tức, người dân Thái Lan lại phẫn nộ. Cùng với đó, việc anh thường xuyên có mặt tại các sự kiện của Formula One để cổ vũ đội đua Red Bull càng đổ thêm dầu vào lửa.

Red Bull - từ niềm tự hào thành biểu tượng bất bình đẳng tại Thái - 1
Vorayuth ra khỏi một căn nhà ở London năm 2017. Ảnh: AP

Vụ án đang bị đình trệ thì đột nhiên được khơi lại khi xuất hiện một nhân chứng mới hồi năm 2016. Người này cho biết chiếc Ferrari chạy khoảng 70km/h và xe máy của cảnh sát đột ngột chuyển hướng dẫn tới tai nạn.

Hôm 24/7, công tố viên thông báo các cáo buộc với Vorayuth sẽ được bãi bỏ. Lúc này, sự tức giận của dư luận lại bùng nổ. Theo khảo sát của hãng nghiên cứu Super Poll, 91% người được hỏi cho biết họ không tin vào hệ thống tư pháp của Thái Lan, 82% cho biết sự việc là một nỗi xấu hổ mang tầm quốc tế.

Sự thất vọng càng gia tăng khi thông tin T.C. Pharmaceutical Industries – công ty sở hữu Red Bull tại Thái Lan đã ủng hộ rất nhiều tiền cho chính phủ nước này. Trong một thông báo cuối tháng 7, T.C. Pharma cho hay Vorayuth không tham gia vào hoạt động điều hành công ty.

Trong một diễn biến khác, cảnh sát cho biết nhân chứng mới hồi năm 2016 đã chết trong một vụ tai nạn xe máy. Trong một bài phát biểu hồi tháng 8, Thủ tướng Thái Lan cho biết ông không muốn công chúng mất niềm tin vào hệ thống tư pháp hay quốc gia. Ông đã huỷ kết luận đóng vụ án và hứa sẽ có một cuộc điều tra trong sạch. Đến cuối tháng 8, lệnh bắt giữ mới với người thừa kế công ty sở hữu thương hiệu Red Bull tại Thái Lan đã được thông qua.

Trong một tuyên bố hiếm hoi được đưa ra hồi tháng 7, gia đình Vorayuth đã xin lỗi vì "tin tức về thành viên gia đình chúng tôi đã gây ra sự tức giận, thù hận và bất mãn đang ngày càng tăng trong xã hội".

"Chúng tôi phải đưa ra thông báo này để bày tỏ sự hối tiếc về sự cố và xác nhận sự tôn trọng của chúng tôi đối với hệ thống pháp lý mang đến công bằng cho tất cả mọi người mà không có sự phân biệt đối xử", gia tộc Vorayuth viết trong thông báo.

Theo Tú Anh (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/red-bull-tu-niem-tu-hao-thanh-bieu-tuong-bat-binh-dang-tai-thai-4158905.html