Kinh tế

Rau xanh tăng giá chóng mặt, vì sao?

Nhiều loại rau xanh tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang tăng giá rất mạnh, có loại rau như bắp cải, cà chua... tăng gấp 2-3 lần.

Trên Tiền Phong tại một số chợ dân sinh như Triều Khúc (Hà Đông), Mễ Trì (Nam Từ Liêm)… ngày 9/2, nhiều tiểu thương đã bán hàng trở lại. Các chợ bắt đầu có người mua khá đông. Đáng chú ý, các mặt hàng rau xanh sau Tết đang tăng giá khá mạnh, thậm chí có loại tăng gấp 3 so với ngày thường.

Cụ thể, bắp cải hôm nay được bán với giá 15.000 đồng/kg, tăng giá gấp đôi, rau cần tăng từ 3.000-5.000 đồng lên 15.000 đồng/bó; rau muống tăng 2.000 đồng, từ 10.000 lên 12.000 đồng/bó; cải cúc, cải xanh, mùng tơi đồng giá tăng 3.000 đồng, từ 5.000 đồng lên 8.000 đồng/bó; bắp cải từ 10.000 đồng tăng lên 12.000 đồng/kg; súp lơ xanh tăng 3.000 đồng, từ 15.000 lên 18.000 đồng/cái.

Rau xanh tăng giá chóng mặt, vì sao?
Giá các loại rau xanh tại chợ Triều Khúc (Hà Đông) đang tăng khá mạnh

Trước đó, theo ghi nhận của PV Báo Giao Thông tại một số chợ truyền thống, dân sinh tại Hà Nội vào ngày mồng 6 Tết, các mặt hàng rau xanh đắt khách, giá rau xanh bán lẻ tăng gấp đôi, thậm chí có loại tăng gấp ba so với ngày thường.

Cụ thể, bắp cải tăng giá gấp đôi, lên 15-10 nghìn đồng/kg; cải cúc, cải xanh, rau muống... từ 10-12 nghìn đồng/mớ, tăng từ 5-7 nghìn đồng/mớ); mỗi kg cà chua tăng lên 30.000 đồng, tăng gấp đôi ngày thường; rau cần tăng mạnh nhất từ 7 nghìn đồng lên 20 nghìn đồng/mớ…

Lý giải nguyên nhân, trên Thanh Niên, chị Lê Thị Ngọc, tiểu thương bán rau xanh chợ Vĩnh Tuy, cho hay: “Do ảnh hưởng thời tiết mưa rét kéo dài từ 30 tết, các loại rau ăn lá bị úng nước, dập nát nhiều. Bên cạnh đó, lượng rau về chợ đầu mối còn ít nên giá rau xanh tăng giá”.

Theo các tiểu thương, mặc dù thực phẩm phong phú, nhưng do trời mưa rét, lượng khách mua không nhiều. Chị Nguyễn Thị Mai, bán rau tại chợ Khương Thượng (Q.Đống Đa), cho hay: “Tôi mở hàng từ ngày mùng 3 tết, năm nay giá cả sau tết có tăng nhẹ nhưng vẫn rẻ hơn nhiều so với mọi năm. Dù vậy, lượng khách mua vẫn vắng, chắc các nhà vẫn còn thực phẩm dự trữ. Kinh nghiệm từ các năm trước, cứ phải sau ngày đi làm, thị trường mới trở lại bình thường”.

Tương tự, tại các siêu thị, khung giờ mở cửa đã quay trở lại phục vụ như thường lệ. Các mặt hàng rau, thịt, cá đều đầy ắp trên kệ nhưng lượng khách mua sắm không nhiều. Giá cả bình ổn so với trước tết. Một số loại rau củ thậm chí còn rẻ hơn so với chợ dân sinh.

Đơn cử, tại siêu thị Winmart Timescity (Q.Hai Bà Trưng), cải thảo giá 17.900 đồng/kg, rẻ hơn chợ dân sinh 2.100 đồng; bắp cải 13.900 đồng/kg, rẻ hơn 1.100 đồng. Một số loại rau củ đang có chương trình trợ giá giảm 40% như củ cải trắng từ 25.900 đồng giảm còn 15.400 đồng/kg; bí xanh từ 31.500 đồng giảm còn 21.900 đồng…ghi nhận trên Thanh Niên.

Rau xanh tăng giá chóng mặt, vì sao? - 1
Rau xanh là mặt hàng tăng giá nhiều nhất sau tết do ảnh hưởng của thời tiết.

Trên Tiền Phong, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, hầu hết các địa phương đều có kế hoạch dự trữ hàng hóa chuẩn cho trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây tại các địa phương thời điểm trước Tết cơ bản ổn định, thậm chí giảm nhẹ so với thời điểm trước do cung khá dồi dào và ổn định.

Riêng tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc, từ mùng 4 Tết, giá rau xanh biến động tăng do nhu cầu người dân tăng, cũng như thời tiết chuyển lạnh sâu tại miền Bắc, ảnh hưởng đến nguồn cung. “Đây chỉ là biến động cục bộ và giá rau tươi sẽ sớm trở lại giá ngày thường trong các ngày tới khi cung cầu ổn định”, Cục Quản lý giá nhận định.

Để bình ổn giá cả thị trường, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá sau Tết. Trong đó, giao nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường công tác theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có các biện pháp quản lý, điều hành phù hợp, đi đôi với đó là đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/rau-xanh-tang-gia-chong-mat-vi-sao-tintuc809016