Kinh tế

Rau xanh cháy hàng, bánh kẹo và đồ khô ế ẩm sau Tết

Sau Tết, giá rau tại Hà Nội có xu hướng giảm nhẹ song nhu cầu tăng đột biến. Trong khi đó, các loại thịt và gia vị khô, bánh kẹo lại vắng khách mua.

Sau Tết, giá rau tại Hà Nội có xu hướng giảm nhẹ song nhu cầu tăng đột biến. Trong khi đó, các loại thịt và gia vị khô, bánh kẹo lại vắng khách mua.

Theo khảo sát của PV, giá rau xanh có xu hướng giảm nhẹ so với dịp Tết. Tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), bắp cải giá 20.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng so với trước Tết. Cà chua giảm 2-3 giá, còn 30.000 đồng/kg. Các loại rau phổ biến vào mùa này như cải mơ, cải cúc giá giảm một nửa, về 3.000-5.000 đồng một mớ, xong nhu cầu tăng đột biến.

Tại các chợ Dịch Vọng Hậu, Dịch Vọng, Mễ Trì Hạ... lượng khách mua rau luôn đông đúc.

Nhu cầu rau sau Tết tăng đột biến. Ảnh: Ngọc Lan.

Chị Nguyễn Thu Hoài, bán rau tại chợ Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chỉ trong buổi sáng mùng 10 tháng Giêng, 50 mớ rau các loại đã được bán hết, cà chua, su hào cũng chỉ còn một nửa. Theo người bán này, vào tuần đầu tiên sau Tết, rau xanh luôn có sức hút với khách hàng.

"Song giá rau năm nay đắt hơn nhiều so với các năm trước nhưng nhu cầu vẫn tăng cao. Đặc biệt mấy ngày gần đây trời lạnh, lượng tiêu thụ tăng hơn so với trước Tết", chị Hoài cho hay.

Ngoài rau xanh, cá cũng là thực phẩm được nhiều người lựa chọn, song mức giá tương đối bình ổn. Tại chợ Dịch Vọng, giá cá chép 80.000 đồng/kg, rô phi 45.000 đồng/kg, trắm đen 150.000 đồng/kg,...

Vừa mua một con cá chép 3 kg, anh Văn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết sẽ làm nồi lẩu. Song theo anh, chi phí cho một nồi lẩu dịp này khá lớn, do giá rau còn đắt, chỉ tính cá và rau xanh cũng ngót nửa triệu đồng.

Bánh kẹo và những loại gia vị khô giảm giá sâu song nhu cầu mua sắm ít khiến nhiều nơi ế ẩm. Ảnh: Đ. Bình.

"Mâm cơm ngày Tết lúc nào cũng ngồn ngộn thịt, bánh, rượu bia nên rất xót ruột. Sau Tết, công việc thảnh thơi hơn, trời lại rét trở lại nên mua cá nấu lẩu là hợp lý nhất", anh cho hay.

Trong khi rau, cá đắt hàng thì các loại thịt lợn, gà ế ẩm mặc dù giá giảm sâu. Chị Nguyễn Hà, tiểu thương tại chợ Đống Đa, Hà Nội cho biết, ngồi cả buổi sáng mà sạp thịt vẫn còn 2/3.

"Dù biết nhu cầu ăn thịt sau Tết hạn chế song đến ngày đẹp 'xông chợ' vẫn phải bán. Nhưng bày ra thì không ai mua mà không bán thì không được", chị cho hay.

Tại các cửa hàng tiện lợi, nhiều kệ thiếu hàng sau Tết. Mặt hàng thiếu nhiều là nước đóng chai, bánh kẹo, sữa, gạo, bánh mì, giấy vệ sinh, bỉm... Tình trạng chung này xuất hiện ở các khu vực Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy.

Theo một chủ hàng ở Hà Đông, lý do của tình trạng hụt hàng là thiếu nhân viên trực kho và bốc xếp. Các nhãn hàng đều hẹn đến sau mùng 10 tháng Giêng mới giao hàng. Song cũng theo chị này, nhiều hàng hóa như bánh kẹo, đồ gia vị khô lại rơi vào tình trạng ế ẩm, khách mua rất ít.

"Tâm lý thường thấy sau Tết là người dân có xu hướng ăn rau, đậu phụ, hoa quả... kéo theo các mặt hàng phổ biến dịp Tết như thịt, bia, bánh kẹo sẽ khó bán. Đây cũng là đặc thù thời vụ của thị trường buộc người bán phải cân đối", chị cho hay.

Theo Ngọc Lan - Hạ Minh (Zing.vn)