Kinh tế

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Cải cách tiền lương không phải chỉ là nâng lương tối thiểu”

“Cải cách tiền lương không phải chỉ là nâng lương tối thiểu mà còn nhiều vấn đề, phải gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách, tính tới liên quan về xác định vị trí việc làm... Tập trung vào chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Phải chủ động làm càng sớm càng tốt!”.

“Cải cách tiền lương không phải chỉ là nâng lương tối thiểu mà còn nhiều vấn đề, phải gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách, tính tới liên quan về xác định vị trí việc làm... Tập trung vào chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Phải chủ động làm càng sớm càng tốt!”.

Nêu quan điểm đồng thuận với tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tại cuộc họp, ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng: Cần phải thay đổi tư duy và nhận thức về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công.

“Trong điều kiện hiện nay, vừa cải cách hành chính, đổi mới rất nhiều cơ chế chính sách thì việc thay đổi cách nhìn và tư duy cải cách là việc rất cần thiết. Cải cách tiền lương không chỉ đơn thuần là nâng lương tối thiểu mà phải đảm bảo nguyên tắc phân phối, nguyên tắc trả lương trong cơ chế thị trường và điều kiện tự chủ trong doanh nghiệp…” - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết.

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, chiều 7/9.
Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, chiều 7/9.
 
Nói về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho hay: Tiền lương này cơ bản được tiếp cận theo nguyên tắc thị trường. Mức tăng trung bình 7,3% của lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp vào năm 2017 đã được sự đồng thuận của các bên cao nhất từ trước tới nay. Lãnh đạo các bộ cũng đồng tình với đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng trên áp dụng từ năm 2017.

“Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện chính sách thu Bảo hiểm xã hội (BHXH) theo Luật BHXH sửa đổi nên nhiều doanh nghiệp lo lắng tăng chi phí chi trả. Hiện nay, tỷ lệ đóng BHXH hiện nay là 32,5%, trong đó chủ sử dụng lao động phải chi trả 22%. Nhiều chủ sử dụng lao động đề nghị giảm từ 22% xuống 18%. Hội đồng tiền lương quốc gia đã tính toán xin giảm tỷ lệ đóng góp một số chi phí BHXH cho doanh nghiệp” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm.

Sau báo cáo của các Bộ ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý chú trọng đặc biệt đến 3 đề án, gồm: Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; Cải cách chính sách về bảo hiểm xã hội và Cải cách chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, Phó Thủ tướng cơ bản thống nhất với đề nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, đồng thời giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) khẩn trương hoàn tất các thủ tục thẩm định và lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong tháng 9/2016, với mức tăng bình quân từ 7,1-7,3%.

Phó Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu tiếp tục đánh giá tác động của tiền lương tối thiểu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người lao động để xác định lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động theo Nghị quyết 35 của Chính phủ.

Để đảm bảo phù hợp với thực tế, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành nghiên cứu các căn cứ xác định tiền lương tối thiểu vùng trong Bộ Luật Lao động sửa đổi. Tăng cường các giải pháp hỗ trợ thương lượng tiền lương, cung cấp thông tin thị trường lao động, đảm bảo sự đồng thuận của xã hội. Đánh giá tỷ lệ đóng, hưởng của quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và đề xuất việc điều chỉnh mức đóng, mức hưởng cho phù hợp.


Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)