Kinh tế

Phó thủ tướng: Kiểm toán Nhà nước có thể vào cuộc vụ giá điện

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đang giao Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu đưa vào kế hoạch kiểm toán 2019 nội dung về giá điện.

Chiều 30/5, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã dành khoảng 10 phút giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Ông nói về nguyên nhân và thời điểm tăng giá điện, biểu giá điện và việc kiểm soát chi phí của Tập đoàn Điện lực EVN.

Theo ông Huệ, tổng chi phí đầu vào của ngành điện năm 2019 tăng thêm khoảng 20.032 tỷ đồng. Trong đó điều chỉnh giá than 2 đợt với khoản tiền 5.412 tỷ đồng; điều chỉnh giá than trộn vào than nhập khẩu là 1.920 tỷ; tăng giá khí trong bao tiêu 5.852 tỷ đồng; điều chỉnh giá khí trên bao tiêu 600 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá 5.042 tỷ đồng.

“Để đảm bảo bù đắp chi phí tăng thêm và lợi nhuận tối thiểu cho EVN là 3%, doanh nghiệp này và Bộ Công Thương đã đề xuất 3 phương án tăng giá là 7,31%; 8,36% và 9,26%. Thường trực Chính phủ đã xem xét rất kỹ và chọn phương án 8,36%”, ông nói.

Phó thủ tướng: Kiểm toán Nhà nước có thể vào cuộc vụ giá điện
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Minh Quân.

Nói về thời điểm điều chỉnh giá điện ngày 20/3, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng thường quy luật CPI sẽ tăng mạnh trong tháng 1 và 2, sau đó giảm trong tháng 3. Thực tế trong 10 lần điều chỉnh tăng giá điện thì đã có 4 lần trong tháng 3.

“Nếu không tăng giá điện vào tháng 3 mà lùi lại thời điểm khác như tháng 7 thì tỷ lệ phải cao hơn để bù đắp được khoản 20.000 tỷ đồng”, ông nói.

Phó thủ tướng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ ngành phối hợp cùng EVN liên quan tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng, minh bạch chi phí đầu vào. Theo tính toán, hao hụt điện năng năm 2018 đạt 6,83%, giảm được 0,37% so với mục tiêu 2020 của Chính phủ. Chính phủ cũng yêu cầu EVN giảm 7% chi phí thường xuyên hàng năm.

Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cũng nhấn mạnh Chính phủ đang yêu cầu tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp lý, mở rộng phạm vi thị trường bán buôn điện, rà soát nghiên cứu xây dựng mô hình bán lẻ điện cạnh tranh phù hợp với điều kiện Việt Nam. Việc này sẽ thí điểm vào năm 2021.

Về biểu giá điện, trên cơ sở ý kiến đề xuất của chuyên gia, người dân, doanh nghiệp, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN sớm trình Chính phủ sửa biểu giá hợp lý hơn. Việc sửa vừa bảo vệ người thu nhập thấp, vừa phù hợp với nhu cầu dùng điện ngày càng tăng cao, đặc biệt tính đến số người dân dùng trên 200 kWh/tháng đang tăng lên.

Về việc thanh tra việc tăng giá điện, Phó thủ tướng cho biết Thanh tra Chính phủ sẽ sớm công kết quả thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm của EVN nếu có.

Một thông tin được Phó thủ tướng nêu ra là Chính phủ đang chỉ đạo Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2019 nội dung chuyên đề về giá điện của EVN.

Trước đó, tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 22/5, Phó thủ tướng  Vương Đình Huệ cũng đã dành gần một giờ để phát biểu nhiều vấn đề mà đại biểu quan tâm. Khi đó, ông cũng đã dành để giải trình cặn kẽ về vấn đề tăng giá điện 8,36% từ 20/3.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)