Kinh tế

Ông Quách Mạnh Hào: Không có phương án vừa lòng tất cả nhà đầu tư

Theo TS Quách Mạnh Hào, cần sớm chọn phương án ít bất lợi nhất vì thay đổi chỉ là tạm thời "nhưng phải làm nhanh" để giải quyết việc nghẽn lệnh.

Ông Quách Mạnh Hào từng giữ chức Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán MB 8 năm và chứng kiến nhiều giai đoạn thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng. Hiện ông là giảng viên ngành tài chính – ngân hàng tại Đại học Lincoln, Anh.

- Theo ông sẽ có những hệ lụy gì từ tình trạng nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch của sàn chứng khoán TP HCM (HoSE)?

- Chứng khoán là ngành kinh doanh thông tin nên bất cứ sự cố gì liên quan tới hệ thống giao dịch đều ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư. Việc nghẽn lệnh hiện tại do số lệnh mỗi ngày quá nhiều, sát hoặc vượt công suất tối đa 900.000 lệnh dẫn đến thông tin về giá khớp, dư mua, dư bán hiển thị không đúng. Nhà đầu tư không biết hiện trạng thông tin tại thời điểm họ phải ra quyết định nên lo ngại. Và sau cùng, họ có thể chọn giải pháp rời đi.

Nhà đầu tư trong và ngoài nước đều gặp rủi ro như nhau. Nhưng hiện tượng này có thể tác động tiêu cực hơn đến khối ngoại vì họ nhìn chứng khoán Việt Nam như một thị trường sơ khai và đầy rủi ro. Chiến lược phân bổ tài sản toàn cầu của họ có thể giảm tỷ trọng tại Việt Nam, ít nhất đến khi sự cố được khắc phục.

Ông Quách Mạnh Hào: Không có phương án vừa lòng tất cả nhà đầu tư
Nhà đầu tư theo dõi bảng giá tại sàn chứng khoán VNDirect. Ảnh: Quỳnh Trần.

- Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã đồng ý cơ chế chuyển một số cổ phiếu ra Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và lãnh đạo HoSE có ý tưởng nâng lô giao dịch từ 100 lên 1.000. Theo ông, ưu và nhược điểm của từng phương án là gì?

- Việc chuyển một số cổ phiếu sang giao dịch tại HNX là ý tưởng tốt bởi phương án này dễ làm về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản vì đòi hỏi thời gian bởi doanh nghiệp rất khó tự nguyện chuyển sàn khi còn phụ thuộc vào luật, ý kiến cổ đông...

Giả sử nhiều doanh nghiệp đồng thuận và thực hiện, yếu tố thứ hai phải cân nhắc là sự ảnh hưởng tới chỉ số VN-Index. Dù sao đây cũng là chỉ số mà các quỹ đầu tư dựa vào khi xây dựng chiến lược đầu tư. Sự chuyển đổi này kéo họ cũng phải thay đổi theo. Tiếp đó, yếu tố biên độ giao dịch khác nhau giữa hai sàn cũng là vấn đề cần lưu tâm.

Phương án nâng lô từ 100 lên 1.000 vừa dễ về kỹ thuật, vừa không khó khăn nhiều về pháp lý vì HoSE từng điều chỉnh từ 10 lên 100. Vấn đề gặp phải ở đây là phản ứng từ các nhà đầu tư cá nhân vì họ cảm thấy không được tôn trọng trong việc tự do ra quyết định đầu tư bao gồm loại cổ phiếu, giá cổ phiếu và giá trị mua. Điều đó đồng nghĩa họ không được tiếp cận thị trường đầy đủ như những nhà đầu tư lớn.

Phương án này sẽ hạn chế sự tham gia thị trường của những nhóm người mới, không có nhiều tiền và ảnh hưởng tới mục tiêu tăng từ 3% lên 5% dân số có tài khoản chứng khoán. Họ sẽ cảm thấy tổn thương bởi bất cứ khi nào gặp vấn đề thì mình không phải đối tượng được lắng nghe.

- Ông nhìn nhận sao về những phản ứng của cơ quan quản lý thị trường, cụ thể là Uỷ ban Chứng khoán nhà nước và HoSE trong việc tìm giải pháp xử lý?

- Tôi nghĩ họ đang làm hết sức rồi. Vì cùng lúc họ phải thử nghiệm hệ thống giao dịch mới của Hàn Quốc, đàm phán với Thái Lan để nâng cấp hệ thống hiện tại, thay đổi và chuyển sàn giao dịch. Xử lý sự cố với một hệ thống cũ trong điều kiện không có dự phòng phải cần thời gian.

- Ông có đề xuất phương án nào để giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh?

- Một cách thật lòng thì tôi nghĩ rằng bối cảnh hiện tại là quá khó để đáp ứng cùng lúc yêu cầu của tất cả các bên liên quan. Chúng ta cần phải lựa chọn cái nào ít bất lợi nhất vì sự thay đổi này chỉ là tạm thời. Đã là tạm thời thì cần làm nhanh.

Tôi cho rằng việc nên làm là đưa một số cổ phiếu trên HoSE sang giao dịch tại HNX, nhưng không phải đưa họ ra khỏi HoSE. Nghĩa là cổ phiếu niêm yết trên HoSE được chia tạm thành hai sàn giao dịch, trong đó một cái nhờ của Hà Nội. Cách này sẽ không có gì thay đổi liên quan tới những vấn đề như xin ý kiến cổ đông, quy chế niêm yết, bộ chỉ số và cũng không nâng lô có thể dẫn tới cảm giác phân biệt nhà đầu tư.

Điều duy nhất cần thay đổi là hai bên thống nhất một biên độ giao dịch vì hiện tại HoSE là 7% và HNX là 10%. Sự thay đổi này nằm trong tay của Ủy ban chứng khoán bởi họ đã đề xuất sáp nhập hai sàn từ trước.

Còn nếu phải lựa chọn giữa các giải pháp hiện tại mà Ủy ban chứng khoán và HoSE đề xuất, tôi nghĩ việc nâng lô tạm thời có thể sẽ nhanh hơn và ít tồi hơn. Tôi nhấn mạnh, tôi ưu tiên làm nhanh thay vì phải qua các rào chắn thủ tục và pháp lý.

Giải pháp lâu dài là triển khai càng sớm càng tốt một hệ thống giao dịch mới. Công nghệ nên dẫn dắt thay vì chạy theo. Bởi thế tôi cho rằng sau khi những sự cố như thế này được giải quyết, cơ quan điều hành cần phải tư duy làm sao hướng tới giảm lô giao dịch trở về 10, thậm chí là 1. Một thị trường chứng khoán hiệu quả là thị trường mà ai cũng có thể tiếp cận được nếu họ muốn.

Theo Phương Đông (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/ong-quach-manh-hao-khong-co-phuong-an-vua-long-tat-ca-nha-dau-tu-4243705.html