Kinh tế

'Ông lớn' ngành than và những đứa con thua lỗ trước ngày về 'Siêu ủy ban' quản lý 2,3 triệu tỷ

Trước ngày về siêu uỷ ban quản lý 2,3 triệu tỷ, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) đang ngổn ngang với những sai phạm, những công ty con thua lỗ, những dự án hoạt động cầm chừng và khoản đầu tư ra nước ngoài với nguy cơ mất vốn...

'Ông lớn' ngành than và những đứa con thua lỗ trước ngày về 'Siêu ủy ban' quản lý 2,3 triệu tỷ
Caption


Tiền lương bình quân của người lao động tại TKV là 10,36 triệu đồng/người/tháng (Ảnh minh họa)

70 công ty con, đơn vị trực thuộc theo chân TKV về “Siêu ủy ban”?

Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước về việc "chọn ngày" về Siêu uỷ ban quản lý 2,3 triệu tỷ.

Theo đó, “ông lớn” ngành than TKV khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành chuyển giao theo yêu cầu cấp trên. Tập đoàn này đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Công Thương xem xét quyết định thời điểm bàn giao để TKV thực hiện.

Bên cạnh đó, TKV đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét tạo điều kiện, giải quyết các công việc dở dang mà TKV đã báo cáo Bộ Công Thương trong năm 2018.

Theo TKV, tính đến thời điểm 1.10.2018, TKV có 70 công ty con, đơn vị trực thuộc. Trong đó, có 27 đơn vị trực thuộc Công ty mẹ - Tập đoàn; 43 công ty con, đơn vị hạch toán độc lập.

Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018, TKV cho biết: Doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 92.896 tỷ đồng, đạt 81,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng, đạt 175% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước ước thực hiện 12.717 tỷ đồng.

Tổng số lao động là 99.804 người, tiếp tục giảm 4.700 người so với số lao động đầu năm. Tiền lương bình quân là 10,36 triệu đồng/người/tháng.

Tổng số than tiêu thụ là 31,05 triệu tấn, đạt 86,3% kế hoạch, tăng 6,8 triệu tấn và bằng 128% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, tiêu thụ trong nước 29,54 triệu tấn; xuất khẩu 1,46 triệu tấn.

Tồn kho than sạch là 4,84 triệu tấn, giảm 4,1 triệu tấn so với đầu năm, than nguyên khai 1,93 triệu tấn, giảm 103 nghìn tấn so với đầu năm.

Trước đó năm 2017, doanh thu TKV đạt 109.200 tỷ đồng. Lợi nhuận toàn tập đoàn là 3.051 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu hợp nhất toàn tập đoàn là 2,49 lần; giảm 0,15 lần so với năm 2016. Trong đó hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ là 1,75 lần.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, TKV cho biết các công trình sản xuất năm trước đã và đang phát huy hiệu quả: Nhà máy gang thép Cao Bằng, dự án Bauxit – Nhôm Lâm Đồng năm 2017 đã làm chủ được công nghệ, giảm giá thành, có lãi trước 1 năm so với dự án được duyệt, dự án Nhân Cơ đã vận hành ổn định.

Hơn 20 lần bị Kiểm toán Nhà nước “nhắc tên”

Trước đó, năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2016 của 201 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty và công ty; 5 chuyên đề; 5 dự án đầu tư xây dựng độc lập; kết quả tư vấn định giá của 7 doanh nghiệp cổ phần hóa.

Bị “điểm danh” đến hơn 20 lần trong báo cáo kiểm toán, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam đã có nhiều sai phạm bị phát hiện sau khi Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hoạt động quản lý đầu tư xây dựng và hiệu quả đầu tư dự án của Tập đoàn này.

'Ông lớn' ngành than và những đứa con thua lỗ trước ngày về 'Siêu ủy ban' quản lý 2,3 triệu tỷ - 1
Tổng số than tiêu thụ của TKV sau 9 tháng đầu năm 2018 là 31,05 triệu tấn, đạt 86,3% kế hoạch. (Ảnh minh họa)

Một số doanh nghiệp của TKV có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính như Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin nợ trên vốn chủ sở hữu gấp 9,83 lần. Có công ty phải giám sát tài chính đặc biệt, đó là Công ty CP Vận tải thủy - Vinacomin, Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin.

Hoạt động đầu tư tài chính của một số đơn vị thuộc TKV không hiệu quả, thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, giải thể. Đó là trường hợp Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP 451 tỷ đồng, Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa 137,15 tỷ đồng, Công ty CP Vận tải thủy - Vinacomin 126 tỷ đồng.

Một số dự án có hiệu quả đầu tư thấp do trữ lượng không đạt như khảo sát, giá sản phẩm tiêu thụ lập không sát diễn biến thị trường, một số giá sản phẩm giảm mạnh, dẫn đến một số dự án thua lỗ lớn khi đưa vào khai thác, tiềm ẩn nguy cơ mất toàn bộ vốn đầu tư.

Cụ thể, Dự án nâng công suất khai thác lộ thiên mỏ sắt Nà Lũng hiện đang triển khai dự án một cách cầm chừng, chủ động giãn tiến độ do giá tinh quặng sắt giảm mạnh.

Dự án đầu tư Công trình Khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ tuyển đồng Sin Quyền - Bát Xát - Lào Cai và Dự án đầu tư mở rộng nâng công suất nhà máy luyện đồng Lào Cai giá đồng thế giới năm 2015, 2016 giảm mạnh, thấp hơn so với giá bán trong phương án tính toán hiệu quả đầu tư.

Dự án đầu tư khai thác - Tuyển và luyện quặng vàng gốc, mỏ vàng Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai lỗ lũy kế đến 31.12.2016 là 60 tỷ đồng, còn 97 tỷ đồng chi phí đầu tư chưa phân bổ.

Dự án Khu liên hợp Gang thép Cao Bằng của TKV sản lượng năm 2016 chỉ đạt khoảng 37%, đến 31.12.2016 lỗ lũy kế 248 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Amon nitrat công suất 200.000 tấn/năm và các sản phẩm khác của Tổng Công ty Hóa chất mỏ - Vinacomin lỗ lũy kế năm 2016 là 142 tỷ đồng.

Dự án Khu liên hợp gang thép Lào Cai thuộc Tổng công ty Khoáng sản TKV đã dừng thực hiện nhưng chưa quyết định dừng dự án, chi phí đã đầu tư 118 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng liệt kê hoạt động đầu tư ra nước ngoài của TKV không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao.

Trước tình trạng này, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Công ty mẹ - TKV thực hiện kiểm điểm, chỉ đạo các đơn vị thành viên và người đại diện phần vốn tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến những sai sót, hạn chế.

Kiểm toán đề nghị làm rõ và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc thoái vốn tại Công ty liên doanh Southern Mining chưa thực hiện đầy đủ chủ trương của Bộ Công Thương, gây thiệt hại cho Tập đoàn số tiền số tiền 61,9 tỷ đồng đồng; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc ra quyết định đầu tư các dự án tại Lào và Campuchia không có hiệu quả, dẫn đến việc Tập đoàn có thể thiệt hại số tiền 363 tỷ đồng.

Theo Hoàng Nhật (Dân Việt)