Kinh tế

Ôm ngàn tỷ xuất ngoại: Tập đoàn nhà nước lỗ nặng, nguy cơ mất trắng

Trong kết luận thanh tra mới đây, Thanh tra Chính phủ đã điểm mặt nhiều khoản đầu tư ra nước ngoài thua lỗ, có nguy cơ mất trắng của TKV. Thế nhưng, đây không phải là cá biệt. Các tập đoàn kinh tế nhà nước đi tiên phong khi đầu tư ra nước ngoài nhưng nhiều khoản đầu tư lại không hiệu quả.

TKV: Nguy cơ mất trăm tỷ

Kết luận thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên được Thanh tra Chính phủ công bố mới đây cho thấy cả ngàn tỷ đồng được TKV đầu tư trong giai đoạn 2010-2015 không phát huy hiệu quả, có khả năng mất trắng. Trong đó, có nhiều khoản đầu tư ra nước ngoài.

Đơn cử, TKV đầu tư vào Công ty Southern Mining Co., Ltd số tiền khoảng 4,39 triệu USD. Thế nhưng, đến thời điểm thanh tra không có hiệu quả, có khả năng mất toàn bộ vốn đầu tư.

Ôm ngàn tỷ xuất ngoại: Tập đoàn nhà nước lỗ nặng, nguy cơ mất trắng
Nhãn


Cả ngàn tỷ được TKV đầu tư trong giai đoạn 2010-2015 không phát huy hiệu quả
Cụ thể, vào tháng 1/2008, đoàn công tác của TKV đã khảo sát trên diện tích 100 km2 tại Campuchia và xác định có quặng sa khoáng crôm cấp 334b hơn 5.800 tấn Cromspinel, trữ lượng 19,6 triệu tấn quặng crômit gốc. TKV đã chuyển khoảng 2,9 triệu USD vào tài khoản cá nhân ông Our Kosa, quốc tịch Campuchia, để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là, đến năm 2010, TKV thực hiện khảo sát lại trên toàn bộ diện tích nêu trên đã không phát hiện có dấu hiệu quặng như khảo sát ban đầu. Hậu quả là, số vốn 2,9 triệu USD đầu tư của TKV gần như mất trắng.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc thỏa thuận chuyển tiền mua vốn công ty này khi chưa đủ các điều kiện cần thiết, như có kết quả khảo sát, dự án đầu tư được duyệt, xác định hiệu quả đầu tư,... Điều này vi phạm quy chế tài chính của TKV và quy định của Chính phủ.

Một số khoản đầu tư khác của TKV tại nước ngoài cũng được cơ quan thanh tra phát hiện không hiệu quả, có nguy cơ mất toàn bộ vốn đầu tư.

Có thể kể đến khoản góp vốn 111,45 tỷ đồng vào Công ty liên doanh Stung Treng để khai khoáng tại Campuchia; góp 184,784 tỷ đồng vào liên doanh Alumina Campuchia; góp 37,9 tỷ đồng vào Công ty TNHH Vinacomin Lào để khai thác mỏ muối; góp 69 tỷ đồng vào khai thác mỏ sắt Phu Nhuom, Lào.

Như vậy, TKV đã đầu tư khoảng 303 tỷ đồng ra nước ngoài nhưng không phát huy hiệu quả, đối mặt với nguy cơ mất vốn. Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc.

Điểm mặt hàng loạt dự án

Năm 2007, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) xin phép Chính phủ được đàm phán với Công ty dầu khí quốc gia Venezuela về việc thành lập một liên doanh khai thác dầu giữa hai nước. Được chấp thuận, PVN giao cho công ty con là Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) trực tiếp làm việc với phía Venezuela.

Ôm ngàn tỷ xuất ngoại: Tập đoàn nhà nước lỗ nặng, nguy cơ mất trắng - 1
Tập đoàn dầu khí đang trong tâm điểm dư luận.

Tháng 6/2010, tại thủ đô Caracas của Venezuela, “Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2” được chính thức ra mắt. Tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 12,4 tỷ USD, phân kỳ làm hai giai đoạn, ban đầu rót 8,9 tỷ USD, giai đoạn 2 rót 3,5 tỷ USD.

PVN báo cáo Chính phủ rằng mỏ dầu nằm ở khu vực có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, cho phép khai thác công suất 1.400 tỷ thùng. Theo tỷ lệ vốn góp 40%, PVN có thể thu về 4 triệu tấn dầu/năm, dự kiến hoàn vốn sau 7 năm. 

Tuy nhiên, kết quả không được như ý. Dù đã bỏ ra lên đến hơn 500 triệu USD nhưng tháng 4/2013, ban lãnh đạo mới của PVN đã quyết định bỏ dự án này dù chưa thu được giọt dầu nào.

Còn Tổng công ty Sông Đà cũng đang mắc kẹt ở dự án thủy điện Xekaman 3. Theo Bộ Tài chính, Công ty Cổ phần điện Việt Lào có vốn điều lệ của công ty là hơn 3.200 tỷ đồng nhưng các cổ đông mới thực góp hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Sông Đà góp 45%. Tuy Công ty cổ phần điện Việt Lào là công ty liên kết nhưng có số vốn đầu tư của Tổng công ty Sông Đà chiếm 24% tổng vốn đầu tư ra ngoài DN của công ty mẹ.

Theo Bộ Tài chính, với các khó khăn như dư nợ vay lớn, các cổ đông chưa góp đủ vốn điều lệ, dự án thủy điện Xekaman 3 dừng hoạt động để xử lý sự cố cho thấy Công ty CP điện Việt Lào đang gặp nhiều khó khăn về tài chính và sản xuất kinh doanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có nguy cơ mất vốn.

Với Petrolimex, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã nhiều lần điểm mặt dự án thua lỗ của Petrolimex ở Singapore. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Petrolimex Singrapore năm 2015 lỗ trên 38 triệu USD chủ yếu do các hợp đồng Hedging ký từ ngày 10/9/2014 đến 11/12/2014. Năm 2014 lỗ hơn 35 triệu USD chủ yếu do mua hàng nhập kho Vân Phong ở giá cao, bán ra ở giá thấp.

Còn tại Tập đoàn Cao su Việt Nam, năm 2006 tập đoàn cho phép các đơn vị thành viên thành lập công ty đầu tư sang Campuchia. Đến năm 2012, có 16 đơn vị thành viên thực hiện đầu tư 20 dự án trồng cao su tại Campuchia với tổng mức đầu tư rất lớn.

Từ 2006-2010, đơn vị này trồng hơn 5.000 ha cao su nhưng có đến hơn 4.000 ha (chiếm gần 90%) phải thanh lý do cây bị chết hoặc không thể phát triển được dẫn đến số thiệt hại có thể lên tới hàng trăm tỷ.

Trước tình hình nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài kém hiệu quả, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước ban hành năm 2015 đã đưa ra nhiều quy định siết lại. Bởi thực tế, các doanh nghiệp đã sử dụng vốn để đầu tư ra nước ngoài khi chưa có quy định ràng buộc chặt chẽ nội dung này.

Luật mới quy định, khi DN vốn Nhà nước đầu tư ra nước ngoài phải đúng mục tiêu, có hiệu quả; việc sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp tại nước ngoài phù hợp với quy định của nước sở tại. Định kỳ 6 tháng và kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp tiến độ thực hiện đối với dự án đang trong quá trình đầu tư; hiệu quả đầu tư đối với dự án đã đi vào hoạt động.

Theo Lương Bằng (VietNamNet)