Kinh tế

Ôm chứng khoán bán ngay đi, nghìn tỷ tiền tươi tìm nơi găm giữ

“Ai nắm chứng khoán ngân hàng thì sau Tết nên bán ngay, ông Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienViet PostBank, dự báo.

Chia sẻ tại tọa đàm Toàn cảnh thị trường bất động sản 2021, ông Nguyễn Đức Hưởng đặt nhiều niềm tin, cho rằng bất động sản sẽ thắng thế trong cuộc đua sinh lời với chứng khoán, đồng thời chỉ đích danh những phân khúc hấp dẫn.

Theo ông Hưởng, bất động sản vùng ven Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh ngoại thành sẽ lên ngôi bởi ngủ rất lâu rồi nên bật dậy rất nhanh. Đất Long Thành, Đồng Nai, Quận 9, Thủ Đức và những nơi được định danh là "đặc khu" sẽ là "vua" 5 năm tới. “Giai đoạn này, ai vay được ngân hàng thì nên vay luôn đi, vay mua nhà, mua đất, bởi không bao giờ lãi suất cho vay thấp hơn nữa", ông nói.

Đánh giá của các chuyên gia tại tòa đàm cho thấy, bất động sản đang là một kênh thu hút nhà đầu tư, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, nhận định, dòng tiền lớn đang chờ đổ vào bất động sản. Giá BĐS là cuộc "kết hôn" giữa cung và cầu. Trong khi nguồn cung rất khan hiếm, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào thị trường bằng những thương vụ trị giá lên đến hàng tỷ đô tại Hà Nội và TP.HCM. Cùng với đó về cầu, nhà đầu tư F0 đổ vào thị trường còn vượt con số 30% như các nghiên cứu được công bố.

Đặc biệt, những "tay to" đầu tư trên thị trường chủ yếu đến từ Hà Nội và TP.HCM đang ở trạng thái bảo toàn vốn. Họ đã lãi lớn và rút khỏi thị trường Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc từ trước khi thị trường lao dốc. Nguồn vốn của họ hiện rất nhiều và chờ chực đầu tư tiếp.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, dự báo, giá nhà đất năm 2021 dự báo tăng 10% năm 2020. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ mức 2020 sẽ dẫn đến kích thích đầu tư mạnh hơn.

Ôm chứng khoán bán ngay đi, nghìn tỷ tiền tươi tìm nơi găm giữ
Năm đòn bẩy cho thị trường địa ốc 2021 

Bám sát chính sách

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, lưu ý, một điều rủi ro cần cân nhắc là về tài chính. Năm 2020, chứng khoán và bất động sản có vẻ khởi sắc, nhưng cũng là lúc người ta nói đến "bom nợ", sự khéo léo của nghệ thuật điều hành chính sách tiền tệ và ổn định nền kinh tế.

Các nhà đầu tư nên bám sát các chính sách vĩ mô của nhà nước, theo sát các chính sách hỗ trợ. 2021 là năm tạo sự chuyển biến và mang sự ý nghĩa tích cực với nhân sự mới, cải cách quyết liệt. Việt Nam sẽ phải thể hiện xuất sắc trên trường quốc tế với các đối tác quan trọng, trong đó có Mỹ, khi một tổng thống mới đắc cử.

GS.TS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cũng cho rằng, năm 2021 câu chuyện sửa Luật để lấp đầy khoảng trống và tan biến các quy định chồng chéo là câu chuyện quan trọng nhất cần làm. Cơ hội rất nhiều nhưng rủi ro pháp lý vẫn luôn hiện diện. Rủi ro từ yếu tố khách quan khó chế ngự, nhưng rủi ro ở yếu tố chủ quan có thể điều chỉnh song vẫn bị vướng víu mãi.

Lạc quan về thị trường nhưng ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), lưu ý rằng: “Cơ hội cho thị trường BĐS 2021 là rất lớn, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội. Nhưng chúng ta cũng nên lưu ý phòng tránh rủi ro về pháp lý, kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tín dụng doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro quy mô doanh nghiệp”.

Theo Duy Anh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/sau-chung-khoan-dong-tien-do-vao-dat-703310.html