Kinh tế

Những doanh nghiệp lớn của Đức đang đầu tư "tỷ USD" vào Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Đức như Siemens, Mercedes, Deutsche Bank,… đang hoạt động kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư tính đến nay lên đến 1,8 tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Đức như Siemens, Mercedes, Deutsche Bank,… đang hoạt động kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư tính đến nay lên đến 1,8 tỷ USD.

Những doanh nghiệp lớn của Đức đang đầu tư 'tỷ USD' vào Việt Nam

Mối “giao hảo” giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức chính thức được thiết lập từ năm 1975. Đến năm 2011, Đức trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, thúc đẩy mối quan hệ Đức – Việt càng thêm sâu rộng và hiệu quả hơn.

Mới đây, sáng ngày 6/7/2017 (theo giờ địa phương tại Đức), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam đã có buổi gặp mặt và làm việc với nhiều doanh nghiệp lớn của Đức tại thủ đô Berlin.

Theo đó, Thủ tướng khẳng định: “Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức có tiềm năng rất lớn, bổ sung cho nhau trong các lĩnh vực như năng lượng, du lịch, đặc biệt là công nghệ thông tin”.

Trong quan hệ với EU, Đức là đối tác hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại năm 2016 đạt 9 tỷ USD, chiếm 20% trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU.

Đặc biệt nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Đức như Siemens, Mercedes, Deutsche Bank… đang hoạt động kinh doanh hiệu quả với tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam đến nay lên đến 1,8 tỷ USD.

Tập đoàn Siemens gần 40 năm “làm ăn” trên đất Việt

Siemens Việt Nam đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1979 với việc cung cấp và lắp đặt hai tua-bin hơi công nghiệp cho Nhà máy Giấy Bãi Bằng. 

Siemens AG, thành lập từ năm 1847, là hãng điện khí lớn nhất của CHLB Đức và Châu Âu, có trụ sở quốc tế đặt tại Berlin và Munchen. Công ty này hoạt động trên 6 lĩnh vực kinh doanh chính: tự động hóa và điều khiển, điện lực, vận tải, y tế, thông tin và liên lạc. Siemens có các công ty con hoạt động trải khắp thế giới, sử dụng khoảng 480.000 công nhân tại hơn 90 quốc gia.

Siemens Việt Nam đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1979 với việc cung cấp và lắp đặt hai tua-bin hơi công nghiệp cho Nhà máy Giấy Bãi Bằng. Đến năm 1993, công ty này mới chính thức thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hiện Siemens có ba văn phòng chính đặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh và một nhà máy ở Bình Dương với số lượng nhân viên khoảng 300 người.

Trong nhiều thập kỷ qua, Siemens đã “hiện diện” trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như Điện khí, Quản lý điện năng, Cơ khí, Y tế, Hệ thống vận chuyển, Công nghệ tòa nhà,… Siemens cũng chính là đơn vị chiến lược thiết kế quy hoạch đầu tiên cho các tuyến Metro tại TP Hồ Chí Minh.

Về lĩnh vực thông tin điện tử, bộ phận truyền thông của Siemens là đối tác chiến lược của VNPT trong việc xây dựng và triển khai các dịch vụ NGN ở Việt Nam. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, Ban truyền thông của Siemens cũng cung cấp công nghệ Internet tiên tiến cho Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực Việt Nam – EVN Telecom (trực thuộc tổng Công ty Điện lực Việt Nam).

Về lĩnh vực năng lượng, tính đến năm 2014, Siemens đã đóng góp khoảng 14% tổng sản lượng điện hàng năm của cả nước, đồng thời cung cấp nhiều tua-bin khí lớn cho các nhà máy điện khí. Các nhà máy điện chu trình kết hợp như Phú Mỹ 3 (740 MW), Cà Mau 1 và 2 (1.500 MW) và Nhơn Trạch 2 (750 MW) nằm trong các dự án điện thân thiện môi trường và hiệu suất cao nhất Việt Nam.

Gần đây nhất, Siemens bày tỏ quan tâm và mong muốn được tham gia vào các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội. Phía Siemens khằng định đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bao gồm cả công nghệ về quản lý, điều hành những tuyến tàu cao tốc. “Chúng tôi tự tin tạo nên sự khác biệt và giúp người dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn”, lãnh đạo Siemens cho biết.

Mercedes-Benz – hãng xe thống trị thị phần xe sang tại Việt Nam

Mercedes Việt Nam được thành lập từ năm 1995, trong 22 năm qua, hãng xe này liên tục dẫn đầu thị trường xe sang ở Việt Nam với thị phần hơn 50%.

Thương hiệu xe Mercedes – Benz được thành lập nhờ sự kết hợp ý tưởng giữa Gottlieb Daimler và Karrl Benz vào năm 1926 với biểu tượng ngôi sao 3 cánh “trứ danh”. Hiện Mercedes đang là thương hiệu ô-tô cao cấp hàng đầu trên toàn cầu với lợi nhuận khủng cùng tổng giá trị thương hiệu lên đến 25 tỷ USD.

Mercedes Việt Nam được thành lập từ năm 1995, trong 22 năm qua, hãng xe này liên tục dẫn đầu thị trường xe sang ở Việt Nam với thị phần hơn 50%, giúp hoàn thiện giấc mơ sở hữu một chiếc xe sang trọng của hơn 25.000 khách hàng Việt Nam. Đồng thời, Mercedes cũng trở thành một nhân tối chủ chốt của ngành ô-tô Việt Nam.

Mercedes luôn là lựa chọn hàng đầu cho các đối tác 5 sao tại Việt Nam. Trong năm 2016, có 35 khách sạn 4 sao và 5 sao trở thành khách hàng của thương hiệu Mercedes – Benz khi sử dụng những chiếc xe này làm phương tiện chuyên chở khách VIP. Hơn nữa, bên cạnh các mẫu xe sedan, các đối tác 5 sao cũng đa dạng hóa giải pháp chuyên chở với mẫu xe SUV, GLC, GLS và V-Class. Tính đến hết năm 2016, Mercedes đã có gần 100 đối tác 5 sao tại Việt Nam.

Ngoài ra, năm vừa qua, Mercedes cũng đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất mới nhất cho mẫu xe GLS và E-Class (W213) có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Việc mở rộng quy mô sản xuất này giúp Mercedes nâng tổng số lao động lên hơn 1.000 nhân viên (chưa bao gồm hệ thống đại lý ủy quyền).

Thành công mới nhất của hãng xe Đức này tại Việt Nam là thành quả tăng trưởng doanh thu và thị phần kỷ lục trong quý 1/2017. Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA), tổng lượng xe mang logo "ngôi sao 3 cánh" trong quý 1 đầu năm đạt 1.358 chiếc, tăng trưởng gần 80% so với cùng khi năm ngoái. Con số này đồng thời cũng ghi nhận mức kỷ lục về doanh số bán hàng của Mercedes trong 22 năm “tồn tại” ở Việt Nam. Với sản lượng tiêu thụ này, Mercedes – Benz cũng nâng tỷ lệ thị phần ô-tô hạng sang tại thị trường Việt từ 50% lên 70%.

Deutsche Bank – đối tác toàn cầu của Vietjet Air

Năm 2016, Ngân hàng Đức vừa kỷ niệm trò 25 năm hoạt động tại Việt Nam, từ năm 1992.

Deutsche Bank hay Deutsche Bank AG (Công ty cổ phần Ngân hàng Đức) là tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức có trụ sở chính đặt tại Frankfurt am Main, được thành lập từ năm 1870. Hiện Deustche Bank đang là một trong những ngân hàng có quy mô lớn nhất trên thế giới, với tổng tài sản ước tính hơn 1.500 tỷ Euro với 77.050 nhân viên và có mặt trên 72 quốc gia.

Deustche Bank là ngân hàng thương mại và đầu tư, bán lẻ, giao dịch, quản lý tài sản và dịch vụ cho các cá nhân, công ty, tổ chức Chính phủ hay các tổ chức đầu tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Năm 2016, Ngân hàng Đức vừa kỷ niệm trò 25 năm hoạt động tại Việt Nam, từ năm 1992. Đặc biệt, 2016 cũng là năm Ngân hàng Đức chính thức trở thành đối tác toàn cầu của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet. Qua đó, ngân hàng mang đến cho Vietjet những cơ hội tiếp cận các tổ chức đầu tư cổ phần và huy động nguồn vốn cho sự tăng trưởng. Đây đồng thời cũng là đợt chào bán IPO theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam và là đợt IPO tại thị trường Việt Nam đầu tiên của Ngân hàng Đức. Hợp tác này mở ra một cánh cổng mới cho sự phát triển trên nhiều phương diện của cả hai bên.

Năm 2014 và 2015, Ngân hàng Đức được vinh danh là Ngân hàng quốc tế quản lý tiền tệ tốt nhất Việt Nam và có dịch vụ quản lý tiền mặt trong nước tốt nhất do tạp chí Asiamoney đề cử. Ngoài ra, ngân hàng này cũng được trao tặng danh hiệu Ngân hàng mua bán và sáp nhập tốt nhất do tạp chí tài chính The Asset đề cử năm 2016 nhờ thương vụ sáp nhập nhà bán lẻ Big C Việt Nam của Tập đoàn Central Group và đầu tư vào Masan Consumer của Singha Asia.

Mới đây, cuối tháng 10/2016, Ngân hàng thương mại lớn thứ 2 của Đức là Commerzbank AG cũng tuyên bố mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đây là một trong những nhà băng hàng đầu Châu Âu với tổng giá trị vốn hóa lên tới 18,7 tỷ Euro.

Theo Trang Lê (VietnamFinance.vn)