Kinh tế

Nhà máy điện khí LNG 4 tỷ USD ở Bạc Liêu vẫn gặp khó

Ngày 31/3, tại cuộc họp giao ban báo chí quý 1/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Phạm Văn Thiều cho biết Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu hiện đang tồn đọng nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không có chuyện dừng dự án trọng điểm này.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Phạm Văn Thiều cho biết thêm, hiện tỉnh đang quyết tâm cùng với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn. Nội dung nào vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải quyết.

Ông Thiều thông tin, dự án Điện khí LNG Bạc Liêu đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn này liên quan đến những quy định chưa có tiền lệ trong thu hút đầu tư, vồn đầu tư nước ngoài mà Luật Đầu tư cũng như một số Nghị định hướng dẫn chưa theo kịp.

Nhà máy điện khí LNG 4 tỷ USD ở Bạc Liêu vẫn gặp khó
Phác thảo dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng Bạc Liêu. Đồ họa: LNG Limited

Trong đó, các khó khăn cụ thể như sau:

Về đàm phán giá điện, giá điện và kế hoạch mua điện theo Luật Điện lực hiện nay chưa thống nhất. Nhà đầu tư bán tất cả 3.200MW thì Điện lực có mua hết hay không? Điều này vẫn còn đàm phán tiếp.

Thứ hai, nhà đầu tư chủ yếu lấy USD về để đầu tư, mua máy móc thiết bị, nhưng khi phía Việt Nam trả bằng tiền đồng thì có đổi ra USD để chuyển ra nước ngoài được hay không? Điều này cũng vẫn còn đàm phán tiếp.

Về đường tải điện phục vụ cho dự án này và các dự án điện gió khác, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Chính phủ đã thống nhất xây dựng đường dây 500KV từ điểm đấu nối vào Trà Nóc (Thành phố Cần Thơ) đi qua nhiều địa phương để có cam kết truyền tải điện.

Được biết, ngay sau 6 tháng triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW đã phát sinh nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Cụ thể, dự án phải qua nhiều thủ tục chưa có tiền lệ để đưa vào quy hoạch Điện VII. Thời đểm đó, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường tiềm ẩn nhiều rủi ro có khả năng ảnh hưởng đến dự án.

Đường dây 500KV phục vụ đấu nối giải tỏa công suất dự án đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL nên cần phải có sự thỏa thuận.

Ngoài ra, dự án gặp một số vấn đề kỹ thuật như hạ tầng cấp nước ngọt chưa đảm bảo; nguồn nguyên liệu san lấp mặt bằng và nguyên vật liệu chính phục vụ thi công xây dựng nhà máy… 

Nhà máy điện khí LNG 4 tỷ USD ở Bạc Liêu vẫn gặp khó - 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đi kiểm tra dự án. Ảnh: VGP/Phan Trang

Báo Đầu tư đã từng đưa tin, Dự án LNG Bạc Liêu được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2020 và tới nay, EVN cùng chủ đầu tư vẫn đang tiến hành đàm phán các điều khoản liên quan tới PPA và chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Các vấn đề mà nhà đầu tư đưa ra như cam kết bao tiêu theo tháng, cơ chế bảo đảm ngoại tệ, thanh toán chi phí công suất ngầm định, bồi thường do thay đổi luật, quyền bên cho vay, cơ chế chấm dứt và thanh toán, cơ chế đảm bảo thu xếp tài chính, áp dụng luật của Anh và giải quyết tranh chấp tại nước thứ ba cũng khác xa so với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

"Một số nhà đầu tư đã tự đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng về các mốc thời gian hoàn thành các giai đoạn triển khai dự án, bất chấp tính phức tạp của dự án nhiệt điện khí LNG nói chung. Sự thật, đây là những dự án gồm nhiều giai đoạn, với nhiều cấu phần luôn biến động và nhiều rủi ro trong quá trình thi công", Báo cáo của IEEFA nhận xét.

Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu có tổng công suất 3.200MW, vốn đầu tư 93.600 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD), Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) là chủ đầu tư dự án và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC.

Nhà máy điện khí LNG 4 tỷ USD ở Bạc Liêu vẫn gặp khó - 2
Các tua bin điện gió của Nhà máy điện gió Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN

Dự án được tỉnh Bạc Liêu trao chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2020. Theo kế hoạch, nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư (đến hết năm 2020) để hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư và có 36 tháng để triển khai xây lắp, lắp đặt đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy turbin khí giai đoạn 1 (công suất 750MW) vào cuối 2023. Sau đó, tiếp tục xây lắp và vận hành các tổ máy còn lại để đạt công suất 3.200MW cuối năm 2027 như Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).

Với việc cắt giảm nhiều nhà máy điện than thì dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu được xem là giải pháp tối ưu bổ sung nguồn năng lượng sạch cho khu vực ĐBSCL và cả nước.

Cuối năm 2020, theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành ký kết hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) để chính thức khởi công xây dựng vào đầu năm 2021, đưa tổ máy số 1 vào hoạt động vào đầu năm 2024.

Tuy nhiên, việc thực hiện dự án bị chậm tiến độ và hiện vẫn chưa thể triển khai đúng như dự kiến.

Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,trong 9 tháng đầu năm 2020, chỉ với duy nhất 1 dự án cấp mới là dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng, Bạc Liêu dẫn đầu cả nước về FDI vượt xa cả TP.HCM.

Theo Hải Yến (Doanh nghiệp & Tiếp thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/nha-may-dien-khi-lng-4-ty-usd-o-bac-lieu-van-gap-kho-161210104142022373.htm