Kinh tế

Nhà giàu đổ cả đống tiền mua biệt thự kèm osin về báo hiếu mùa Vu Lan

Lễ Vu Lan đang đến rất gần. Ai cũng muốn bày tỏ tấm lòng hiếu đễ với đấng sinh thành, ai cũng mong muốn các vong hồn lang thang sớm được siêu thoát, song cùng với đó, tục đốt vàng mã cũng biến tiền tỷ thành tro và nhiều câu chuyện cười ra nước mắt.

Lễ Vu Lan đang đến rất gần. Ai cũng muốn bày tỏ tấm lòng hiếu đễ với đấng sinh thành, ai cũng mong muốn các vong hồn lang thang sớm được siêu thoát, song cùng với đó, tục đốt vàng mã cũng biến tiền tỷ thành tro và nhiều câu chuyện cười ra nước mắt.

Ngoài ngày lễ Vu Lan cúng tổ tiên, ông bà và người đã khuất, đây cũng trùng với ngày lễ “xá tội vong nhân” theo quan niệm dân gian.

Vào những ngày này trước kia, với quan niệm “trần sao, âm vậy”, người dân thường cúng người dưới âm mũ, quần áo, vàng bạc, châu báu, ngựa bằng giấy phẩm màu… Xã hội phát triển, đồ cúng tế cũng được các xưởng hàng mã chế thành nhiều kiểu, nhiều “mốt” mới sao cho đáp ứng nhu cầu của "thượng đế".

Chính vì vậy, ngoài các phương tiện hiện đại như xe đạp, xe máy, ô tô con, người ta còn cúng cho người âm những đồ thời thượng, đắt tiền như siêu xe, nhà lầu, kim cương thậm chí cả đồ công nghệ Iphone, Ipad có kèm bộ kết nối mạng không dây… vốn chỉ có ở hiện tại.

 Nhiều nhà không ngại ngần chi tiền triệu sắm đồ cúng mùa Vu Lan

Nhiều nhà không ngại ngần chi tiền triệu sắm đồ cúng mùa Vu Lan

Một tổng giám đốc “thửa” cho cậu con trai đã mất một chiếc máy bay trực thăng giấy to như căn nhà cấp 4. Một bà mẹ đặt cho đứa con “yểu mệnh” căn biệt thự bằng nửa căn nhà thật, cùng đó là osin bằng giấy với giá hàng chục triệu đồng.

Những “bà thầy” mua voi ngựa, thuyền rồng như thật phải chở đến 2 ô tô tải cỡ đại mới hết… Đó không còn là những hình ảnh xa lạ mỗi khi mùa Vu Lan đến gần.

Thậm chí, khi cuộc sống khấm khá hơn, nhiều người con còn nghĩ đến những nhu cầu sâu xa hơn cho các đấng sinh thành ở bên kia thế giới.

Một chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, cửa hàng này có thể cung cấp đến hơn 50% các loại ô tô hiện có, kể cả siêu xe Ferrari, Lamborghini, Audi... kèm theo biển số “độc”. Tuy nhiên, khách hàng muốn có được hàng độc phải đặt yêu cầu trước ít nhất 10 ngày.

Dạo quanh những khu chợ bình dân bán đồ mã, giá thông thường của một bộ lễ truyền thống lại có vẻ giữ nguyên giá từ 50.000 - 60.000 đồng.

Tại khu vực chợ Đồng Xuân, giá một bộ quần áo truyền thống loại “xịn” dao động từ 80 - 100.000 đồng, một bộ trang sức gồm đồng hồ, nhẫn, dây chuyền, thắt lưng, điện thoại Nokia… có giá 60 - 80.000 đồng.

Còn các mặt hàng “thời trang” như váy, quần bò hàng hiệu, giày, dép cao gót thì có giá đắt hơn, chẳng hạn một bộ váy thời trang có giá từ 170 - 250.000 đồng.

"Năm nay, vợ chồng tôi mua được xe hơi nên muốn sắm cho các cụ cái lễ tươm tất một chút. Năm ngoái mua nhà lầu, SH rồi thì năm nay đổi biệt thự, xe hơi cho các cụ mừng. Sắm đủ bộ bao gồm biệt thự, xe hơi, máy giặt, điều hòa, quần áo, tiền vàng cùng với một cô osin mất khoảng 15 triệu đồng", một người mua hàng mã chia sẻ.

Kể về những đại gia, người giàu có đi sắm đồ mã, chị Loan, một chủ cửa hàng ở phố Hàng Mã, cho hay: “Nhiều khách khi đi sắm đồ còn dẫn theo thầy cúng để phán mua cái nọ cái kia chất lên hàng núi. Chúng tôi tuy là người bán hàng nhưng cũng thấy thương cho khổ chủ!”.

Theo Lily (Giadinh.net.vn)