Kinh tế

Nhà đầu tư ngoại được tham gia lập sàn giao dịch hàng hóa

Nghị định mới bổ sung quy định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, hoặc tham gia thành lập Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.

Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý trong Nghị định 51/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2006 về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa (SGDHH), vừa được Thủ tướng ký ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-6-2018.

Nông dân có công cụ bảo hiểm giá

Bà Nguyễn Phương Dung (Trưởng phòng Quản lý hoạt động của SGDHH, Vụ Thị trường trong nước, thuộc Bộ Công Thương) cho biết nghị định mới ra đời đã khắc phục những hạn chế của Nghị định 158, cắt giảm bớt các điều kiện kinh doanh, đơn giản các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực mua bán hàng hóa qua SGDHH.

Cụ thể, nghị định đã giảm bớt thành phần hồ sơ phải nộp, từ đó giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, nghị định cũng bổ sung quy định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH hoặc tham gia thành lập SGDHH tại Việt Nam, cho phép SGDHH liên thông với SGDHH tại nước ngoài.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn thành lập SGDHH, mua cổ phần... với tỉ lệ không quá 49% vốn điều lệ.

Đặc biệt, nghị định mới tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH tại Việt Nam phát triển, thu hút được nhiều đối tượng tham gia giao dịch, giúp cho người nông dân cũng như giúp các doanh nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu có được công cụ bảo hiểm giá để chủ động sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu.

Nhà đầu tư ngoại được tham gia lập sàn giao dịch hàng hóa
Sàn giao dịch cà phê tại Đắk Lắk ra đời hứa hẹn sẽ tạo cơ hội phát triển hàng nông sản, nhưng rồi sàn giao dịch này lại bị "mất hút". Ảnh: TT

Theo bà Dung, việc kết nối và liên thông sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, các doanh nghiệp, người sản xuất thông qua việc mua bán hàng hóa qua SGDHH sẽ thực hiện tốt việc sản xuất kinh doanh, giúp hàng hóa Việt Nam có thương hiệu trong nước và trên thị trường thế giới, tạo động lực đẩy mạnh, sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như bình ổn thị trường.

Không hạn chế hàng hóa giao dịch

Bên cạnh đó, nghị định cũng mở rộng danh mục hàng hóa được phép giao dịch qua SGDHH. Đối với những mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, SGDHH chỉ cần gửi một bộ hồ sơ thông báo với Bộ Công Thương trước khi chính thức niêm yết giao dịch trên SGDHH 30 ngày.

Bà Dung chia sẻ: Để có thể thu hút được nhiều đối tượng tham gia giao dịch, SGDHH là một hình thức “chợ” để người mua và người bán có thể tập trung giao dịch tất cả sản phẩm mà mình có nhu cầu. Tại Việt Nam có rất nhiều loại hàng hóa xuất khẩu có kim ngạch khá lớn trên thị trường thế giới như cà phê, cao su, thép, hồ tiêu, bông sợi, đường, gạo... Hiện nay, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản là một trong những chính sách trọng tâm để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, trước đây quy định cũ chỉ quy định danh mục hàng hóa cụ thể được phép giao dịch qua SGDHH do bộ trưởng Công Thương công bố trong từng thời kỳ. Quy định này dẫn đến việc SGDHH không được quyền tự do lựa chọn mặt hàng để giao dịch qua SGDHH mà phải căn cứ vào sự phê duyệt của Bộ Công Thương. Do đó gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền mỗi lần cấp phép bổ sung mặt hàng được phép giao dịch.

Theo Trà Phương (Pháp Luật TPHCM)