Kinh tế

Nhà đầu tư chê giá cổ phiếu Sabeco quá cao

Với mức giá 320.000 đồng một cổ phiếu, nhà đầu tư lo ngại phiên chào bán khó thành công vì giá quá cao.

Tại buổi giới thiệu chào bán cổ phần ra công chúng của Tổng công ty Bia, Rượu, nước giải khát Sài Gòn (Mã CK: SAB, Sabeco) chiều 29/11, nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây là mức giá quá cao.

Anh Hùng, một nhà đầu tư cho biết, hiện nay với mức giá 320.000 đồng một cổ phiếu, tương đương P/E 50, gấp 3 lần mức trung bình của thị trường, SAB cao hơn nhiều so với các hãng bia nổi tiếng khác. Trong khi đó, thanh khoản của SAB thấp, những phiên giao dịch cuối dường như có dấu hiệu đẩy giá. Do vậy, anh Hùng cho rằng nhà đầu tư riêng lẻ rất ngại mua. Còn nhà đầu tư chiến lược cũng sẽ cân nhắc.

Trước đó, nhiều công ty chứng khoán liên tục đưa ra cảnh báo về mức định giá đã trở nên "phi lý" của doanh nghiệp bia giữ thị phần cao nhất cả nước, song thị giá cổ phiếu của đơn vị này vẫn chưa có chiều hướng hạ nhiệt. 

Nhà đầu tư chê giá cổ phiếu Sabeco quá cao
Nhà đầu tư cho rằng với mức giá quá cao việc chào bán cổ phiếu SAB khó thành công.

Cùng quan điểm với ông Hùng, một nhà đầu tư khác cho hay, với giá trên, nhà đầu tư trong nước rất khó chen chân. Do vậy, nếu nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua trên 38% thì 15% còn lại nếu không có nhà đầu tư mua thì lộ trình thoái vốn tiếp sẽ như thế nào, có tiếp tục nới room cho khối ngoại không? 

Đáp lại câu hỏi của các nhà đầu tư, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Công nghiệp Bộ Công Thương cho rằng, việc bán tối đa 49% cho nhà đầu tư ngoại là tuân thủ theo quy định nên không thể nới room. Do vậy, nếu không bán hết 53,59% cổ phần trong đợt này, Bộ sẽ tùy vào tình hình để trình và xin chính phủ xem xét giá, cổ phần cho đợt bán tiếp theo.

Bên cạnh việc phàn nàn về giá, nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm đến việc xuất hiện thành viên hội đồng quản trị mới khi chào bán thành công. Theo đó, ông Hoài cho rằng, cứ theo luật tổ chức nào nắm giữ trên 10% thì có thể cử một thành viên vào hội đồng quản trị. Bất cứ quyết định nào được đưa ra đều phải thông qua cổ đông. Do vậy, việc tái cơ cấu phụ thuộc vào đại hội đồng cổ đông, lúc đó theo đúng luật doanh nghiệp đưa ra biểu quyết chứ không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào ở Hội đồng quản trị.

Về tình hình sản xuất kinh doanh, ban lãnh đạo Sabeco cho biết, thị phần 2016 SAB chiếm 40,9%, 9 tháng đầu năm vẫn duy trì và hết năm nay sản lượng bia nỗ lực tăng 7-8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 18/12 tới, Bộ Công thương sẽ chào bán 53,59% cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp này, tương đương 343, 66 triệu cổ phần. Giá khởi điểm là 320.000 đồng. Đây là mức giá được xác định trên nguyên tắc lấy giá cao nhất, không được thấp hơn ngày đóng cửa công bố thông tin. 

Theo quy định, lượng cổ phần nhà đầu tư mua tối thiểu là 20.000 cổ phần (tương đương trên 6,4 tỷ đồng) còn số lượng đăng ký tối đa là 53,59. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49%. Hiện tỷ lệ nhà đầu tư sở hữu tại Sabeco là 10,41%. Như vậy, số cổ phần được mua tối đa còn lại là 38,59%. Nhà đầu tư chỉ được đăng ký một mức giá, tiền đặt cọc là 10% giá trị cổ phần mua và thanh toán sau 10 ngày. Với những nhà đầu tư sở hữu trên 25% thì phải thực hiện báo cáo bán tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán 7 ngày về lượng cổ phiếu dự mua.

Hiện tỷ lệ sở hữu của Bộ Công Thương tại Sabeco là 89,59%. Việc bán 53,59% cổ phần này ước tính sẽ giúp thu về khoảng 87.462 tỷ đồng, tương đương 3,85 tỷ USD.

Dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2017 của Sabeco đạt 4.900 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 9,4%, doanh thu thuần của SAB đạt 34.665 tỷ đồng, tăng trưởng 13,4%. Tính đến ngày 29/11 giá trị vốn hóa của SAB lên đến 9 tỷ USD.

Theo Thi Hà (VnExpress.net)