Kinh tế

Nguồn cơn 'sóng gió' giữa tài xế, Grab và cơ quan thuế

Nghị định 126 có hiệu lực, khách hàng đã chịu giá cước tăng, thu nhập tài xế cũng giảm nhưng cả bên thuế lẫn Grab vẫn nói "không phải do mình".

Nghệ thuật 'Giữ nguyên tỷ lệ ăn chia nhưng hưởng nhiều hơn'

Ngày 5/12, khi Nghị định 126 có hiệu lực, Grab tăng 5-6% giá dịch vụ và tăng mức khấu trừ với tài xế GrabBike lên 27,27%. Mức này được Grab giải thích là vẫn đảm bảo mức ăn chia 80:20 (tài xế 80% và Grab 20%) như trước, còn phần chênh là thu hộ thuế VAT.

Nhưng lập luận này không nhận được ủng hộ của tài xế vì thực tế, thu nhập thực lãnh sau mỗi cuốc xe với chặng đường tương đương của họ đã giảm so với trước ngày 5/12. Các tài xế được cử đứng ra đại diện cho rằng, tỷ lệ tăng giá mới đã không đủ để chi trả phần thuế VAT tăng thêm sau Nghị định 126.

Phản ánh của tài xế tương tự tính toán trước đó của VnExpress, cho thấy thu nhập thực lãnh của tài xế trên mỗi cuốc xe theo tỷ lệ mới giảm 1,5 – 4,5%. Điều này là do, trước ngày 5/12, tổng thu một cuốc xe được chia 20% cho Grab và 80% cho tài xế rồi mới tính VAT, lần lượt là 10% cho phần Grab và 3% cho phần tài xế (nếu doanh thu một năm họ trên 100 triệu đồng).

Nhưng sau 5/12, tổng thu cuốc xe tăng lên nhưng phải đóng 10% VAT tổng thu rồi mới ăn chia 20% cho Grab và 80% cho tài xế. Điều này có nghĩa, Grab giữ nguyên tỷ lệ ăn chia nhưng đã hưởng trọn vẹn phần 20%.

Có thể thấy cụ thể qua ví dụ sau:

Trước 5/12, với cuốc xe GrabBike có giá 50.000 đồng, sau khi trừ phí sử dụng ứng dụng (20%) và thuế VAT (3% trên 80% doanh thu chia sẻ), tài xế thực nhận 38.800 đồng và Grab nhận 9.000 đồng.

Từ 5/12, với giá cước điều chỉnh trung bình khoảng 6%, giá cước mới là 53.000đ. Sau khi trừ 10% VAT nộp về ngân sách thì mới chia 20% chiết khấu cho Grab, nên tài xế thực nhận 38.545 đồng (giảm 225 đồng), Grab nhận 9.540 đồng (tăng 540 đồng).

Nguồn cơn 'sóng gió' giữa tài xế, Grab và cơ quan thuế
Tài xế Huỳnh Đức Hải trong buổi đối thoại chiều 10/12 tại TP HCM. Ảnh: Dỹ Tùng.

"Khi cước lại tăng với tỷ lệ không đủ để trừ trọn vẹn 10% VAT nộp về ngân sách, phần chênh lệch đó có phải đối tác chịu hay không? Tại sao đối tác phải chịu khấu trừ thêm 7,27%", tài xế Huỳnh Đức Hải chất vấn tại buổi đối thoại chiều ngày 10/12.

Để tài xế không bị giảm thực nhận - nguồn cơn của cuộc đình công tuần này -hoặc Grab có thể tăng giá cước cao hơn nữa (khách hàng tiếp tục chịu thiệt) hoặc Grab giảm tỷ lệ chiết khấu của mình xuống. Tuy nhiên, đến nay, dù tài xế cho rằng bị thiệt thòi, công ty vẫn khẳng định mức tính mới đã "hợp lý để cân bằng quyền lợi ba bên là công ty, tài xế, hành khách".

Tại buổi trao đổi chiều 10/12, bà Hoàng Thị Bích Hà, người được Ban giám đốc Grab trao quyền điều phối nói "nếu điều chỉnh giá rập khuôn, khách hàng sẽ bỏ Grab, nên việc điều chỉnh giá đã được cân nhắc rất kỹ".

Chưa kể, theo bà Hà, Grab không thể giảm tỷ lệ chiết khấu vì "2020 là năm rất khó khăn do Covid-19". Trong thời gian dài, khách hàng đặt xe giảm, hãng phải mở thêm dịch vụ khác để đáp ứng các nhu cầu ngoài di chuyển, đảm bảo có cuốc xe cho đối tác.

Mặc dù vậy, cả Grab và tài xế đều đã không đề cập tới hai lợi ích cộng thêm khác.

Một là, Grab nói rằng đợt 5/12 là lần đầu hãng tăng giá cước trong ba năm qua, bất chấp vật giá leo thang. Nhưng công ty lại không nhắc việc hãng cũng hưởng lợi thế nào từ nhân giá vào các khung giờ cao điểm.

Hai là, tài xế phàn nàn vì thu nhập thực lãnh giảm nhưng lại không đề cập đến các quyền lợi khác như chính họ cũng hưởng giá tăng giờ cao điểm, các chương trình trả thưởng và phúc lợi khác mà phía Grab nói rằng đang tìm cách gia tăng để bù đắp thiệt thòi cho đối tác.

Bất cập về thuế với mô hình kinh tế chia sẻ

Nghị định 126 đã được thực thi nhưng quan điểm về đối tượng thu thuế vẫn khác nhau giữa cơ quan thuế và Grab. Cơ quan thuế xem Grab là công ty vận tải nên áp dụng mức thuế VAT trên tổng thu từ hành khách như các công ty vận tải khác còn Grab luôn khẳng định mình là công ty công nghệ và thấy bức xúc vì cách tính hiện tại.

Nguồn cơn 'sóng gió' giữa tài xế, Grab và cơ quan thuế - 1
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Tổng giám đốc Grab Việt Nam trao đổi chiều 10/12. Ảnh: Dỹ Tùng.

Giá cước xe công nghệ đã tăng từ 5/12 nhưng đến nay, cả cơ quan thuế lẫn Grab đều đẩy "quả bóng" trách nhiệm về nguyên nhân tăng giá cho nhau.

Theo cơ quan thuế, trước đây hành lang pháp lý và hướng dẫn của họ còn thiếu sót, việc kê khai VAT của Grab chưa đúng và chưa đủ chứ không phải Nghị định 126 có hiệu lực làm tăng thuế suất VAT. Có nghĩa là, nếu Grab vẫn muốn giữ nguyên thu nhập, bên thuế cho rằng đương nhiên giá phải tăng.

Còn theo Grab, việc áp 10% VAT của mô hình kinh doanh vận tải truyền thống lên mô hình hợp tác kinh doanh, chia sẻ doanh thu là không phù hợp, dẫn đến việc tăng giá, ảnh hưởng thu nhập tài xế và thị phần doanh nghiệp.

Tại buổi đối thoại với tài xế, bà Nguyễn Thái Hải Vân giải thích, mô hình truyền thống đi theo trình tự là thu phí, trừ VAT rồi chia sẻ doanh thu. Còn Grab, mô hình của họ là hợp tác chia doanh thu từ đầu rồi mới tính VAT.

"Từ tháng 5/2020, trong công văn góp ý Nghị định này, chúng tôi đã khẩn thiết đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là giữ nguyên cách tính thuế hiện hành, vì hoàn toàn công bằng, hợp lý, phù hợp với hoạt động thực tiễn. Hoặc phương án 2 là áp dụng VAT đầu ra 10%, đồng thời áp dụng khấu trừ VAT đầu vào 7%", bà Vân nói.

Grab cho biết phương án áp 10% VAT đầu ra mà Nghị định 126 đang triển khai lại không đi cùng việc tài xế cần được khấu trừ VAT đầu vào từ việc mua xe, xăng, bảo dưỡng, khấu hao... cũng như giảm trừ gia cảnh khi tính thuế. Bà Vân khẳng định vẫn đang theo đuổi câu hỏi này vì chưa nhận được hướng dẫn của cơ quan thuế.

Thực tế, việc khấu trừ VAT đầu vào với một công ty vận tải truyền thống tương đối dễ dàng vì họ chính là người chi tiêu để mua sắm đội xe, bảo trì cũng như trả lương tài xế. Trường hợp của Grab sẽ khó khấu trừ VAT đầu vào và bảo đảm quyền lợi như các công ty vận tải truyền thống. Bởi lẽ, Grab không phải là bên đầu tư đội xe hay chi trả các chi phí lương tài xế, vận hành xe mà mọi việc đều do tài xế tự chịu.

Theo Viễn Thông (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/nguon-con-song-gio-giua-tai-xe-grab-va-co-quan-thue-4204624.html