Kinh tế

Người nghèo đô thị ngày càng khó mua nhà, vì sao?

Việc giá bất động sản không ngừng tăng cao thời gian qua cùng với nguồn cung về nhà ở sụt giảm nhất là nhà giá rẻ, nhà diện tích nhỏ khiến giấc mơ an cư của người nghèo đô thị càng xa tầm với.

Người nghèo đô thị ngày càng khó mua nhà, vì sao?
Với số lượng dự án nhà ở có giá bán hợp túi tiền ngày càng khan hiếm.

Giấc mơ nhà ở xa vời

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), 9 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục xu thế sụt giảm khi chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%. Không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng. Đồng thời chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, việc thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại bình dân có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, dẫn đến giá nhà đất tăng, khiến số đông người tiêu dùng khó có nhà ở hơn.

Từ miền Trung vào TP.HCM lập nghiệp hơn 10 năm nhưng gia đình anh Thành Vinh vẫn phải đi ở nhà thuê tại Q. Bình Thạnh. Nhắc tới chuyện mua nhà, anh Thành Vinh cười chua chát: “Vào đây ai cũng ước muốn có một căn nhà để an cư lạc nghiệp nhưng với giá nhà đất tăng như hiện nay thì gia đình tôi làm cả đời cũng không mua nổi”. Với thu nhập hiện tại của hai vợ chồng khoảng 20 triệu đồng/tháng, trong khi đó tiền học hành của 2 đứa con đã mất hơn 5 triệu đồng, chưa kể tiền thuê nhà mỗi tháng 3 triệu đồng (chưa tính điện, nước) và tiền chi tiêu trong gia đình khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Như vậy mỗi tháng vợ chồng anh tích góp được khoảng 3-4 triệu đồng.

“Nếu thành phố xây những căn nhà có giá khoảng 700-800 triệu đồng thì họa may gia đình tôi mới có cơ hội mua nhà chứ giá nhà đất tăng liên tục và hiện không có căn hộ nào giá dưới 1 tỷ đồng thì biết bao giờ những người có thu nhập thấp như gia đình tôi mới có nhà để ở” - anh Vinh chia sẻ.

TS. Huỳnh Thế Du thuộc chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, người dân chỉ có thể tích lũy ở mức 30-40% tổng thu nhập của mình để dành cho việc mua nhà. Tuy nhiên, hiện nay đang xảy ra nghịch lý giữa giá nhà và thu nhập của người dân khiến cơ hội có nhà ở của người dân rất thấp. Theo ông Du, người có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng chỉ mua được nhà với diện tích rất nhỏ, từ 39-55m2. Muốn có một căn nhà rộng tương đối thì những người này phải có mức thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này thì phần lớn người dân hiện nay chưa thể đáp ứng.

Với số lượng dự án nhà ở có giá bán hợp túi tiền ngày càng khan hiếm, cùng với các động thái siết van tín dụng cho vay bất động sản của ngân hàng đang khiến giấc mơ mua được nhà của người thu nhập thấp đô thị ngày càng xa vời.

Người nghèo đô thị ngày càng khó mua nhà, vì sao? - 1
Việc giá bất động sản tăng cao thời gian qua đang đẩy giấc mơ an cư của người nghèo đô thị thêm xa vời.

Vì sao?

Không chỉ thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ, nhà ở diện tích nhỏ mà việc giá bất động sản tăng cao thời gian qua đang đẩy giấc mơ an cư của người nghèo đô thị thêm xa vời.

Theo HoREA, trước đây tại TP.HCM đã từng có các sản phẩm nhà ở tư nhân đầu tư có giá chỉ 7,9-14 triệu đồng/m2, nhà cho thuê 49 năm nhưng các chủ đầu tư này không được hỗ trợ phát triển và các sản phẩm này hiện có rất ít. Trong khi đó, việc xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư không còn nguồn tín dụng hỗ trợ dẫn đến phải xin trả dự án. Mặt khác, vai trò của ngân hàng chính sách xã hội trong việc tạo dòng tín dụng này cũng chưa hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành cho rằng, những người lao động nghèo khó có thể mua nhà bởi quỹ nhà ở xã hội phần lớn dành cho công chức viên chức, trước đây gói 30.000 tỷ đồng cũng dành cho người thu nhập trung bình. Người nghèo đang bị bỏ rơi. Tôi đã từng đấu tranh đề nghị làm nhà diện tích nhỏ, nhà cho thuê giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận nhà ở.

Cũng theo ông Đực, các dự án trùm mền tại TP.HCM đang không chỉ để lại khối nợ lớn từ ngân hàng, Nhà nước, nợ đối tác và khách hàng... mà còn đang gây lãng phí quỹ đất trong khi người nghèo không có nhà ở. Hiện ở TP.HCM có khoảng 500 dự án “trùm mền” gây lãng phí hàng trăm ngàn ha đất.

Các chuyên gia nhận định, hiện tại Nhà nước chưa có chính sách tín dụng phù hợp hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, cũng như cơ chế chính sách hữu hiệu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở cho thuê để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư. Vì vậy, thị trường bất động sản nhà ở, nhất là phân khúc bình dân, nhà thu nhập thấp trong thời gian tới sẽ còn gặp khó khăn so với giai đoạn vài ba năm trước.

Theo Tấn Lợi (Nguoitieudung.com.vn)




http://www.nguoitieudung.com.vn/nguoi-ngheo-do-thi-ngay-cang-kho-mua-nha-vi-sao-d79360.html