Kinh tế

Ngành dệt may kiến nghị sớm được thành lập khu công nghiệp quy mô lớn

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng ngành dệt may đạt 26,55 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Ngành dệt may kiến nghị sớm được phê duyệt chiến lược phát triển ngành và được thành lập khu công nghiệp quy mô lớn.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã báo cáo một số điểm chính về tình hình sản xuất, kinh doanh, nhận diện khó khăn, thách thức của ngành cũng như đề xuất một số kiến nghị.

Ngành dệt may kiến nghị sớm được thành lập khu công nghiệp quy mô lớn
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may. Ảnh: Báo Chính Phủ.

Theo ông Cẩm, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh 7 tháng vừa qua của ngành dệt may khá thuận lợi, đơn hàng dồi dào, lực lượng lao động đã dần ổn định. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đạt 26,55 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 15,48 tỷ, tăng 27,9%; kim ngạch xuất khẩu đạt 11,07 tỷ USD, tăng 31%. Toàn ngành giải quyết gần 2 triệu lao động với thu nhập bình quân 8-8,5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Cẩm, doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ nay đến cuối năm.

Đặc thù ngành dệt may, hoạt động xuất khẩu là chủ yếu nên những biến động của địa chính trị thế giới sẽ ảnh hưởng nhiều đến ngành. Đơn cử như dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn áp dụng chính sách "zero COVID" gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu, cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, lạm phát của Mỹ và châu Âu cũng ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, khiến đơn hàng của doanh nghiệp dệt may có xu hướng giảm đi. Xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển đã tăng khoảng 3 lần so với 5 năm trở lại đây. Theo đó, thị trường EU và một số thị trường lớn khác đang có xu hướng đưa ra chiến lược dệt may mới, trong đó có việc sẽ tính tỷ lệ tái chế và carbon.

Thêm nữa, ngành dệt may có đặc thù sử dụng lao động rất lớn nhưng đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lao động đã rời thành phố về quê nhưng không quay trở lại hoặc người lao động chuyển đổi công việc.

Trước một số khó khăn vừa nêu cũng như thực tế hoạt động của ngành, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Dệt May kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may cũng như thành lập khu công nghiệp dệt may lớn để giải quyết vấn đề về vải, nhuộm, hoá chất… vốn được ví như nút thắt cổ chai lâu nay của ngành.

Theo Ngọc Hà (Người Đồng Hành)




https://ndh.vn/thoi-su/nganh-det-may-kien-nghi-som-duoc-thanh-lap-khu-cong-nghiep-quy-mo-lon-1321736.html