Kinh tế

Ngân sách khó khăn, chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở năm 2021

Đồng ý chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở năm 2021, cảnh báo về áp lực trả nợ công... là những vấn đề được Ủy ban Tài chính ngân sách đề cập trong báo cáo mới nhất.

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội vừa có báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia  2016-2020 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021-2025.

Trả nợ công, dấu hiệu cảnh báo

Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2020, Ủy ban này cho rằng: Bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao. Vì vậy, mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều khả năng bội chi ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi NSNN vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỷ đồng), bằng 5,59%GDP.

Ngân sách khó khăn, chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở năm 2021
Sức ép trả nợ công đang ngày càng lớn.

Ủy ban Tài chính ngân sách cũng lưu ý vấn đề các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục tăng, dự ước đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ “đặc biệt lưu ý” về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách nhà nước, là “dấu hiệu nguy hiểm”, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia.

Liên quan đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021, Chính phủ dự kiến bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 khoảng 4% GDP điều chỉnh. Đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, đề xuất bội chi khoảng 4%GDP là chấp nhận được. Có ý kiến đề nghị Chính phủ giữ mức bội chi ngân sách nhà nước dưới 4%GDP điều chỉnh (khoảng 3,9%) để kiểm soát chặt chẽ bội chi ngay từ năm đầu tiên của Kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025.

Về nợ công, Ủy ban Tài chính ngân sách lưu ý: Tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây, song nợ Chính phủ lại xu hướng tăng lên, sắp chạm mức trần cho phép. Đặc biệt, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chạm trần 25% tổng thu ngân sách nhà nước của năm 2020 và dự ước sẽ đạt cao hơn 25% tổng thu ngân sách nhà nước của năm 2021.

Điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro năm sau cao hơn năm trước, gây mất an ninh, an toàn tài chính quốc gia, Ủy ban Tài chính ngân sách cảnh báo.

Chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở năm 2021

Cho ý kiến đối với một số kiến nghị của Chính phủ trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Ủy ban Tài chính ngân sách nêu ra một số bất cập của việc thực hiện cơ chế tài chính đặc thù đối với một số cơ quan, đơn vị.

Ủy ban thấy rằng, nhiều cơ quan, đơn vị được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù có mức thu nhập tăng thêm từ 1,8-3 lần so với mặt bằng chung, tạo ra “sự bất hợp lý” và “không công bằng” trong phân phối thu nhập; một số cơ quan có nguồn kinh phí còn dư khá cao, có dư địa bố trí bổ sung dự toán chi năm 2021.

Ngân sách khó khăn, chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở năm 2021 - 1
Chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở năm 2021, dành nguồn lực phòng chống Covid-19.

Do đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu tiết kiệm giảm tối thiểu 20-25% so với dự toán chi năm 2020; đồng thời, có cơ chế kiểm soát thu nhập tăng thêm không quá 50% mức tiền lương ngạch, bậc theo quy định hiện hành để bảo đảm công bằng hợp lý giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Về đề nghị chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở và điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản đồng ý với đề nghị của Chính phủ. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi đã cao, đời sống khó khăn.

Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, bên cạnh mặt tích cực như tăng chi cho đầu tư; bội chi, nợ công so với GDP thấp hơn so với mục tiêu đề ra, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng nhận thấy nhiều hạn chế.

Mặc dù quy mô thu ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn vượt chỉ tiêu Nghị quyết 25/2016/QH14, nhưng nếu xét theo số tuyệt đối thì tổng thu ngân sách nhà nước trong cả giai đoạn đã hụt khoảng 150 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng thu nội địa bình quân trong tổng thu ngân sách nhà nước tăng khá thấp. Cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước còn khó khăn.

“Còn tồn tại tình trạng chi tiêu lãng phí, vượt tiêu chuẩn, vượt định mức, không đúng mục đích vẫn xảy ra,... Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn chậm, phát sinh tiêu cực, lãng phí, tham nhũng và nhiều hạn chế khác trong công tác quản lý, điều hành ngân sách đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kế hoạch tài chính quốc gia”, Ủy ban đánh giá.

Dự kiến mức bội chi ngân sách nhà nước bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 3,7% GDP điều chỉnh là khá cao so với tỷ lệ bội chi của giai đoạn 2016-2020, đề nghị đến năm 2025 Chính phủ cần giảm xuống mức thấp hơn 3,5%GDP điều chỉnh.

Về nợ công, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đến năm 2025 có thể đạt trên 25% tổng thu NSNN, sẽ vượt mức trần an toàn và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ xây dựng các chỉ tiêu an toàn nợ công, đảm bảo không phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô dựa trên cơ sở báo cáo đầy đủ, chính xác về kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025 theo đúng quy định của Luật Quản lý nợ công.

(Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội)

Theo Lương Bằng (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/chua-dieu-chinh-tien-luong-co-so-nam-2021-682529.html