Kinh tế

Ngân hàng nào giảm lãi suất mạnh nhất?

Hôm nay (29/5), lãi suất huy động và cho vay đồng loạt giảm tại nhiều ngân hàng. Nhiều dự báo lãi suất có khả năng giảm tiếp trong thời gian tới. Nhóm dự kiến giảm lãi suất tuần tới sẽ tập trung ở các ngân hàng tư nhân.

Ngày 29/5, nhóm Big 4 đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng giảm về mức 6,8%/năm. Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân đồng loạt đưa lãi suất về mức dưới 8%/năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngân hàng có mức lãi suất kỳ hạn này cao nhất thị trường, dao động từ 8,2% đến 8,5%/năm (gồm GPBank, SeABank, ABBank, VietABank và PVCombank...).

Nếu cách đây hai tuần, mức lãi suất xấp xỉ 9% vẫn còn xuất hiện thì hiện nay, lãi suất cao nhất chỉ còn 8,5% một năm.

Ngoài lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng sẽ bắt đầu giảm mạnh từ tuần này, sau khi Ngân hàng nhà nước có cuộc họp với các ngân hàng thương mại hôm 25/5 với chỉ đạo quyết liệt về việc giảm lãi suất. Sau cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay 0,3-0,5% đối với tất cả khách hàng hiện hữu. Nhóm dự kiến giảm lãi suất tuần tới sẽ tập trung ở các ngân hàng tư nhân (từ đầu năm đến nay chưa điều chỉnh lãi suất với những khoản vay cũ).

Ngân hàng nào giảm lãi suất mạnh nhất?
Lãi suất tiết kiệm liên tục giảm trong vòng 1 tháng.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 29/5, lãnh đạo Vietcombank cho biết, các ngân hàng đều có động thái giảm lãi suất cho vay sau cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước vào cuối tuần trước.

Theo vị này, năm nay, việc giảm lãi suất là thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, vị này cho rằng, cái khó khăn là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. "Dù giảm lãi suất nhưng dư nợ tín dụng chưa chắc đã tăng", vị này nói.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết thêm, từ đầu năm, khó khăn về xử lý đất đai ảnh hưởng dự án được cấp mới nên cho vay giảm. Theo tính toán, Vietcombank có dư nợ cho vay các dự án trung dài hạn (thể hiện tăng trưởng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế) giảm từ nay đến cuối năm.

Liên quan đến việc giảm lãi suất cho vay, vị này cho biết, các ngân hàng áp lực muốn giảm lãi suất (cho vay) phải giảm lãi suất huy động, không chỉ phụ thuộc vào ngân hàng tiết kiệm chi phí.

"Vietcombank cùng với 3 ngân hàng còn lại trong nhóm Big 4 thường xuyên họp với nhau thống nhất những vấn đề liên quan đến lãi suất. Vào đầu tháng 6 tới, nhóm Big 4 họp lại và định hướng giảm lãi suất", lãnh đạo Vietcombank nói.

Nhóm phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, tác động tích cực của đợt giảm lãi suất điều hành lần này là do mặt bằng lãi suất huy động với kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng quốc doanh và tư nhân hiện đang cao hơn trần lãi suất, nên lãi suất huy động có thể giảm thêm 0,2 - 0,5%.

Mặt khác, vì động lực tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp, rủi ro nợ xấu đang gia tăng nên cơ chế truyền dẫn chính sách giảm lãi suất điều hành không mạnh và mất thời gian mới có thể nhìn thấy kết quả.

Hiện tại, các lãi suất điều hành cơ bản đã giảm trung bình khoảng 1% so với hồi đầu năm. Xét ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thì dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành hạn hẹp (nếu nhìn trong tương quan lãi suất USD-VND).

Tuy nhiên, đặt trong tương quan chính sách tiền tệ là “cứu cánh” đối với tình hình kinh tế trong nước, VDSC nhận định vẫn còn khả năng thêm một đợt giảm lãi suất 0,5 - 1 điểm % trong quý III, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái.

Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/ngan-hang-nao-giam-lai-suat-manh-nhat-post1538310.tpo