Kinh tế

Ngân hàng chịu tác động gì khi hàng loạt chính sách của NHNN được ban hành?

Chỉ trong thời gian ngắn, các ngân hàng tại Việt Nam liên tiếp nhận các chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Các chính sách này ít nhiều sẽ tác động lên hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Đầu tiên phải nói tới Thông tư 22/2019/TT-NHNN thay thế Thông tư 36/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ 1/1/2020.

Thông tư này có 3 điểm cần quan tâm: "siết" tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nâng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay mua nhà có giá trị lớn và điều chỉnh tỷ lệ LDR.

Một quy định đáng chú ý là từ ngày 1/1/2020, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) tối đa ở mức 85% cho tất cả ngân hàng theo thông tư 22/2019/NHNN.

Được biết, theo thông tư 36/2014, tỷ lệ LDR tối đa áp dụng với nhóm Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) là 90%, còn ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 80%.

Như vậy, quy định mới có xu hướng siết tỷ lệ LDR đối với các ngân hàng quốc doanh và nới lỏng cho các ngân hàng tư nhân,…

Cụ thể, trần LDR tăng lên giúp các ngân hàng tư nhân có thêm dư địa để giảm tỷ trọng chi phí vốn trong tổng doanh thu tín dụng thông qua việc giảm đà tăng tổng tiền gửi.

Ngược lại, dư địa giảm tỷ trọng chi phí vốn của các NHTMNN bị siết lại, thậm chí có thể làm tăng tỷ trọng chi phí vốn trong tổng doanh thu tín dụng.

Nhóm phân tích của chứng khoán KBSV cũng cho biết, nếu tính riêng cho từng nhóm NH trong hệ thống, nhóm NHTMNN, đặc biệt là 2 ngân hàng chưa đạt chuẩn Basel 2 là BIDV và VietinBank sẽ chịu tác động từ thông tư trên. Tính toán tỷ lệ LDR theo thông tư 36 cho thấy LDR của 2 ngân hàng này đang ở mức 84% và 85,5%, trong nửa đầu năm 2019 và tỷ lệ này là 83,4% và 84,9% vào năm 2018.

Ngoài ra, khi 2 nhà băng này chưa đạt chuẩn Basel 2 sẽ khiến cho dư địa mở rộng tín dụng trong 2020 sẽ không còn nhiều.

Ngân hàng chịu tác động gì khi hàng loạt chính sách của NHNN được ban hành?
Ngân hàng đón nhận chính sách mới với nhiều thay đổi căn bản.

NHNN cũng ban hành quyết định giảm trần lãi suất cả chiều huy động lẫn cho vay trên thị trường 1 (thị trường tổ chức kinh tế, dân cư nhưng không bao gồm tổ chức tín dụng).

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Đồng thời, NHNN cũng hạ lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Có thể thấy, việc giảm lãi suất thời điểm này sẽ ảnh hưởng phân hóa đối với nhóm ngân hàng. Các ngân hàng lớn đang có mức lãi suất huy động khá thấp, áp lực từ việc áp mức trần mới không nhiều. Một số ngân hàng nhỏ sẽ chịu áp lực cao hơn do dùng tiền huy động với lãi suất huy động cao trước đây cho vay với lãi suất thấp hơn làm biên lợi nhuận sụt giảm.

Do đó, việc giảm trần lãi suất sẽ tạo áp lực huy động vốn lên hầu hết các ngân hàng, những ngân hàng quy mô càng nhỏ càng chịu áp lực lớn. Tuy vậy, trong số các ngân hàng quy mô nhỏ hơn lại có một số ngân hàng phải chịu áp lực lớn hơn do không còn nhiều dư địa LDR.

Hơn nữa, việc giảm lãi suất cho vay sẽ khiến doanh thu của các ngân hàng giảm. Thế nhưng, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn được duy trì nếu chi phí vốn của ngân hàng cũng giảm tương đương.

Chẳng hạn trường hợp của Vietcombank, công bố quyết định giảm đồng loạt 0.5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VNĐ của doanh nghiệp.

Việc giảm lãi suất của Vietcombank tác động trực tiếp hơn 320 nghìn tỷ đồng dư nợ và lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm 260 - 300 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm. Tuy nhiên, trước đó, lãi suất huy động của VCB cũng đã được điều chỉnh giảm 0.2% theo xu hướng của thị trường.

Việc lãi suất huy động điều chỉnh giảm cũng sẽ tác động giúp lợi nhuận của Vietcombank tăng khoảng 160 tỷ đồng. Vì vậy, tác động của việc giảm lãi suất cho vay đến lợi nhuận của VCB trong quý 4/2019 được đánh giá là không đáng kể.

Theo Hà Phương (Kinhdoanhnet.vn)




http://www.kinhdoanhnet.vn/ngan-hang/ngan-hang-chiu-tac-dong-gi-khi-hang-loat-chinh-sach-cua-nhnn-duoc-ban-hanh_t114c9n43403