Kinh tế

Ngại mua sắm - 'virus' mới đe dọa kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc là bài học cho các nước về việc Chính phủ muốn mở lại nền kinh tế nhưng người dân thì không chịu "mở hầu bao" vì vẫn tổn thương với Covid-19. 

Chloe Cao là một phiên dịch viên tiếng Pháp. Trước khi có dịch, mỗi tháng cô chi hơn 200 USD để ăn ngoài, 70 USD để đi cà phê và 170 USD cho một tuýp kem thoa mặt nhập khẩu. Do giờ đang thất nghiệp, cô tự nấu ăn, tự pha cà phê và mua kem thoa mặt nội địa giá 28 USD.

"Khả năng chi tiêu của tôi lao dốc thẳng đứng. Khi nào tìm được việc làm, tôi sẽ bắt đầu tiết kiệm và không sống lãng phí như trước nữa", cô Cao nói.

Ngay cả khi các công ty mở cửa trở lại, thách thức với Chính phủ Trung Quốc nằm ở việc thuyết phục người tiêu dùng vốn đã bị ảnh hưởng vì đại dịch như Chloe Cao chịu tiêu tiền trở lại.

Nhưng việc này không dễ. Nhiều người đã bị mất việc hoặc giảm lương. Số liệu thống kê của Trung Quốc cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5,9% trong tháng 3. Nhưng thống kê chính thức này thường không được nhiều chuyên gia tin cậy. Larry Hu, một nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Macquarie Securities (Australia) ước tính tỷ lệ thất nghiệp đô thị của Trung Quốc sẽ tăng gần gấp đôi trong năm nay. Thất nghiệp thực sự có thể lên tới 20%, nếu bao gồm lao động nhập cư từ khu vực nông thôn, theo ước tính từ Zhongtai Securities.

Một số khác bị ảnh hưởng bởi nhiều tuần nhàn rỗi, quanh quẩn trong nhà và trông chờ vào khoản tiền tiết kiệm. Thế hệ thanh niên Trung Quốc nổi tiếng vì những cuộc mua sắm phóng khoáng kiểu Mỹ giờ đây phải quen với việc, tiết kiệm trở thành trào lưu mới.

Ngại mua sắm - 'virus' mới đe dọa kinh tế Trung Quốc
Nhà máy Dongfeng Honda tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Vấn đề niềm tin người tiêu dùng Trung Quốc cung cấp bài học kinh nghiệm cho Mỹ và châu Âu - những nơi mới chỉ bắt đầu lên kế hoạch khôi phục sản xuất.

Bằng một số biện pháp, nền kinh tế Trung Quốc đang trở lại đúng hướng. Đến cuối tháng 2, hầu hết nhà máy và mỏ khai khoáng đã mở cửa trở lại. Sản xuất mọi thứ hồi phục nhanh chóng, từ sắt thép cho đến điện thoại di động trong tháng ba. Sản lượng công nghiệp tăng trở lại mức gần kỷ lục.

Tuy nhiên, nền kinh tế này vẫn còn khập khiễng. Ở phía tiêu thụ, doanh số bán lẻ đã giảm gần một phần sáu trong tháng ba so với một năm trước đó, trong khi vẫn duy trì mạnh mẽ trong các cuộc khủng hoảng trước. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các khu vực công nghiệp Trung Quốc phát ra ánh sáng ít hơn đáng kể vào mùa xuân này so với một năm trước. Điều này có nghĩa ít nhà máy hoạt động suốt ngày đêm.

Ngay cả khi nhà máy hoạt động lại thì vấn đề là khách hàng ở Mỹ và châu Âu cũng không mua hàng do Trung Quốc sản xuất như trước. Các cửa hàng bách hóa ở Mỹ một số đã hủy bỏ và hoãn đơn đặt hàng.

Tổng doanh số của đồ nội thất, quần áo, đồ gia dụng và đồ trang sức giảm một phần tư đến một phần ba vào tháng 3/2020 so với một năm trước đó. Trên đường phố và trong trung tâm thương mại, nhiều cửa hàng có rất đông nhân viên nhưng ít người mua. Vài vị khách chỉ đứng ngắm hàng hóa bên ngoài rồi bỏ đi.

Ngại mua sắm - 'virus' mới đe dọa kinh tế Trung Quốc - 1
Một cửa hàng đầy nhân viên nhưng không có khách ở Trung Quốc. Ảnh: AP

Liang Tonghui, 40 tuổi đến từ Hà Nam, chuyên bán đào và táo ở Bắc Kinh cho biết, hầu như tất cả người nhập cư khác mà ông quen đều đang vật lộn để tìm việc làm. Cuối ngày nào ông cũng phải giảm 40% giá táo vì không thể tìm được người mua giá ban đầu.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc cần khởi động lĩnh vực tiêu dùng, vì những cách thức cũ để thúc đẩy nền kinh tế của họ không hiệu quả như trước. Sau khi chạy nước rút để tìm cách chi trả các khoản nợ khổng lồ của đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc và cơ sở hạ tầng khác sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã cố gắng trông cậy nhiều hơn vào người tiêu dùng. Trong một nền kinh tế đã tăng trưởng liên tục trong gần nửa thế kỷ mà không ghi nhận một cuộc suy thoái nào, những người trẻ đặc biệt trở nên sẵn sàng vay và chi tiêu gần giống như người Mỹ.

Một số nhà kinh tế kêu gọi Trung Quốc giúp đỡ người tiêu dùng nhiều hơn. Trong khi Mỹ và các quốc gia khác đã tung ra các chương trình chi tiêu lớn, bao gồm phát tiền trực tiếp cho các hộ gia đình, thì Trung Quốc phần lớn vẫn kiềm chế hướng tiếp cận này, một phần vì lo ngại về nợ nần.

Không có người mua sắm đồng nghĩa ngành bán lẻ - một trong những ngành tuyển dụng lớn nhất ở Trung Quốc sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Peng Fei mất việc làm bán thời gian tại một cửa hàng quần áo ở miền trung nam Trung Quốc trong đại dịch. Vì thế, anh dừng gia hạn thẻ thành viên phòng gym và cắt giảm đi ăn uống cùng bạn bè. Anh cũng hủy kế hoạch ra ở riêng và tiếp tục sống với bố mẹ. Cú sốc Covid-19 và việc đình trệ hoạt động một thời gian ở Trung Quốc khiến nhiều người suy nghĩ lại về các ưu tiên trong chi tiêu.         

Harry Guo, một nhân viên pha chế ở Thượng Hải, 22 tuổi, nói rằng anh thường tiêu bất kỳ khoản nào có thêm cho các chuyến đi chơi đến các thành phố khác ở Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đại dịch diễn ra, anh cảm thấy choáng lúc chứng kiến nhiều người chật vật tiền bạc để đi chợ mua đồ ăn. Giờ đây, anh không còn quá để tâm đến việc trau chuốt vẻ ngoài khi ra đường và mua giày thể thao mới hay chi tiêu cho các đam mê khác.

"Ngay khi tiền còn trong ví thì bạn sẽ có một cảm giác an toàn rất lớn. Chỉ cần tiền nằm đó, bạn không cần phải chi tiêu nhưng sẽ thấy thoải mái khi mở ví và nhìn thấy nó", Guo nói.

Để đủ điều kiện vay thêm từ ngân hàng hoặc miễn trừ tiền thuê mặt bằng, các doanh nghiệp thường được yêu cầu tránh sa thải. Vì vậy, nhiều công ty chọn cách giảm giờ làm và lương của lao động.

Chen Ke làm việc cho một nhà hoạch định sự kiện thể thao Thượng Hải. Lương của anh bị giảm bốn phần năm vào tháng trước, khi các sự kiện bị hủy bỏ. Anh kiếm thêm bằng cách làm tài xế giao thức ăn và từ bỏ các buổi ăn ngoài, thay bằng mỳ ăn liền và mỳ ống tại nhà. Anh cũng tự pha cà phê hòa tan để uống thay vì ghé cửa hàng tiện lợi để mua như trước.

"Lương từng chạy vào tài khoản ngân hàng của tôi mỗi ngày. Tôi xem nó đơn giản chỉ là những con số", Chen kể lại. Nhưng khi giao đồ ăn, mỗi chuyến anh kiếm được ít hơn một USD. "Tôi giờ thật sự hiểu được kiếm tiền khó cỡ nào", anh nói.

Ngại mua sắm - 'virus' mới đe dọa kinh tế Trung Quốc - 2
Một trung tâm thương mại nổi tiếng ở Bắc Kinh chỉ có khách đi dạo bên ngoài cửa hàng vào giữa tháng 4/2020. Ảnh: AP

Rủi ro đối với Trung Quốc là người tiêu dùng đang quá thận trọng trong chi tiêu. Đất nước này đã dành nhiều năm để mở rộng mạng lưới an sinh xã hội và các dịch vụ khác nhằm khuyến khích người dân tiêu tiền thay vì tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp.

Chloe Cao năm nay 29 tuổi. Cô từng không bao giờ lo lắng về việc thu nhập của mình. Do vậy, cô đã tích lũy một tủ đầy túi xách đắt tiền. Giữa dịch bệnh, một ngày nọ, cô lấy ra tất cả túi xách, trải chúng trên giường và cảm thấy không hài lòng. "Tôi đã chi rất nhiều tiền để mua túi xách. Giờ chúng giúp thế nào cho tôi bây giờ?", cô tự hỏi.

Hiện vẫn chưa rõ liệu sự tiết kiệm của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ kéo dài lâu hay sớm thay đổi về cuộc sống bình thường như trước. Nhưng bây giờ, nhiều người đang nói rằng thái độ của họ đã thay đổi tốt.

"Chuyện gì nếu tôi bệnh nặng hay mất việc lần nữa trong tương lai? Tôi nghĩ mình phải có một số tiền nhất định trong ngân hàng để an tâm", cô Cao nói.

Theo Phiên An (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/ngai-mua-sam-virus-moi-de-doa-kinh-te-trung-quoc-4091693.html