Kinh tế

Năm 2022: Đổ tiền vào đâu để 'tiền đẻ ra tiền'?

Chứng khoán, bất động sản vừa trải qua một năm tăng chóng mặt, vậy sang năm 2022, nhà đầu tư nên “chọn mặt gửi vàng” vào kênh đầu tư nào?

Ở thời điểm hiện tại, có rất nhiều hình thức đầu tư được dân tình chọn lựa. Sự đa dạng này không phải lúc nào cũng tốt, nhất là khi có một số dân tình chỉ mới "chân ướt, chân ráo" bước vào đầu tư với hy vọng sẽ khiến "tiền đẻ ra tiền" mà không có quá nhiều kinh nghiệm chọn lựa hướng đi đúng đắn cho mình.

Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn đang có 4 kênh đầu tư phổ biến: Gửi tiết kiệm ngân hàng, vàng, chứng khoán, bất động sản. Cùng tìm hiểu xem xu hướng đầu tư nào trong năm 2022 sẽ được dân tình ưu ái lựa chọn:

1. Gửi tiết kiệm

Đã nói đến các hình thức đầu tư, không thể nào bỏ qua tiết kiệm ngân hàng - kênh đầu tư lâu đời và được nhiều người tin tưởng bậc nhất. Thực chất, kênh này từ trước đến nay là kênh đầu tư an toàn nhất nhưng lãi suất tiết kiệm hiện nay đang ở mức rất thấp, không đủ hấp dẫn với người gửi tiền.

Năm 2022: Đổ tiền vào đâu để 'tiền đẻ ra tiền'?

Theo khảo sát biểu lãi suất tại quầy, kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ tại nhiều ngân hàng cho thấy, lãi suất tiết kiệm cao nhất được niêm yết chỉ còn 6,99%/năm. Đây cũng là lý do, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng trong 9 tháng đầu năm chững lại và chỉ bằng hơn một nửa của cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, có thể đâu đó lãi suất tiết kiệm có áp lực tăng trở lại trong năm 2022 khi nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch nhưng sẽ không đáng kể. Vì vậy, gửi tiền lãi suất tiết kiệm cao nhất cũng chỉ lên tới 7 - 8%/năm tới.

Với những người trẻ năng động ngày nay, họ có thể chấp nhận rủi ro để rót tiền cho những kênh đầu tư khác. Song những người thuộc team "ăn chắc mặc bền" lại nghĩ không gì tốt bằng một khoản tiền để phòng bị cho bất cứ tình huống nào. Thế nên dù đầu tư có muôn hình vạn trạng, gửi tiết kiệm vẫn không bao giờ "thất thế".

2. Vàng

Thị trường vàng đã trải qua một năm khá trầm lắng khi năm qua gần như không có biến động lớn. Dù trải qua 2 đợt sóng về giá vào đầu tháng 6 và giữ tháng 11, nhưng mức biến động không nhiều, vì vậy lợi nhuận kỳ vọng của các nhà đầu tư năm 2021 không được như mong muốn.

Đáng chú ý, giá vàng trong nước chịu tác động mạnh của thị trường thế giới. Trong khi đó, giá thế giới lại được dự báo sẽ giảm mạnh trong năm tới.

Năm 2022: Đổ tiền vào đâu để 'tiền đẻ ra tiền'? - 1

Trong dự báo về giá vàng thế giới năm 2022, Georgette Boele, chiến lược gia cao cấp về ngoại tệ và kim loại quý của Ngân hàng Hà Lan ABN Amro, dự báo, giá vàng sẽ giảm xuống 1.500 USD/ounce vào cuối năm 2022 và giảm tiếp xuống 1.300 USD/ouncevào cuối năm 2023.

Năm tới, các chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ là nhân tố chính dẫn đến sự sụt giảm của giá vàng. Ngoài Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã công bố 3 lần tăng lãi suất năm 2022, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 vừa qua thì một số ngân hàng Trung ương cũng đang trên đà thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2022.

Trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng, vàng khó có thể chống lại sức mạnh của USD cũng như các đồng tiền mạnh khác trên thị trường.

Chính vì vậy, vàng cũng sẽ trở thành kênh đầu tư kém hấp dẫn trong năm 2022.

3. Chứng khoán

2021 thật sự là năm của chứng khoán. Nhà nhà chơi chứng khoán, người người chơi chứng khoán - từ quán cà phê vỉa hè đến MXH, nơi đâu cũng có thể bắt gặp những câu chuyện về các mã cổ phiếu, về khớp lệnh, lời lỗ. Hàng loạt những người trẻ giàu lên nhanh chóng sau khi "nhập sàn", song cũng có nhiều người "trắng tay" vì hình thức đầu tư này.

Với hàng trăm mã chứng khoán đang được niêm yết trên sàn, với số vốn chỉ từ vài trăm nghìn, ai cũng có thể tham gia vào sân chơi nóng này. Thực tế cho thấy, trong năm qua không ít nhà đầu tư "x5, x7" tài khoản khi đầu tư đúng mã, đúng thời điểm.

Năm 2022: Đổ tiền vào đâu để 'tiền đẻ ra tiền'? - 2

Ở chiều ngược lại, tình trạng "mua đỉnh bán đáy" cũng xảy đến với không ít tay chơi khi nền tảng kiến thức hạn chế và bị ảnh hưởng bởi tâm lý FOMO.

Muốn đầu tư chứng khoán an toàn, nhà đầu tư bắt buộc phải có kiến thức cơ bản để có thể tự mình mua và bán, ra quyết định trong trường hợp cần thiết để tránh thua lỗ nặng nề. Chưa kể, để đầu tư hiệu quả ngoài kiến thức cơ bản thì cũng phải bỏ công tìm hiểu sát sao về tình hình kinh tế, hiểu rõ về cổ phiếu mình mua để đảm bảo chiến lược đề ra ban đầu được thực hiện mà không bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông khi thị trường biến động.

Dự báo, với xu thế hiện nay, sang năm 2022 chứng khoán sẽ vẫn tiếp tục là kênh đầu tư được ưa chuộng.

4. Bất động sản

2021 được coi là năm đáng nhớ đối với nhà đầu tư bất động sản khi mức giá tăng ở tất cả các phân khúc. Đặc biệt là phân khúc đất nền. Tại nhiều địa phương giá đất nền đã tăng 30 - 50%. Điều đó cũng đồng nghĩa, nhiều nhà đầu tư đã lãi đậm khi đầu tư đúng thời điểm.

Trong năm 2022, bất động sản có thể tiếp tục trở thành kênh đầu tư được nhiều người quan tâm. Và trong các phân khúc, đất nền vẫn là “miếng bánh” được các chuyên gia đánh giá sẽ đem lại lợi nhuận tốt nhất cho nhà đầu tư.

Năm 2022: Đổ tiền vào đâu để 'tiền đẻ ra tiền'? - 3

Hiện riêng tại Hà Nội giá đất nền hiện tại khá cao, trong vành đai 4 giá khoảng 60 - 80 triệu đồng/m2; từ vành đai 4 về vành đai 3 khoảng 100 - 200 triệu đồng/m2; trong vành đai 2 từ 200 - 500 triệu đồng/m2. Dự đoán trong năm tới, thị trường này còn sôi động và nhiều tiềm năng hơn nữa.

Ngoài ra, thị trường bất động sản sẽ tăng giá trong năm 2022 bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý I/2021 như lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng.

Theo chuyên gia, đất nền các tỉnh giáp ranh Hà Nội, TP.HCM vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Phân khúc căn hộ, đặc biệt căn hộ tầm trung sẽ luôn được những người có kế hoạch mua nhà tìm kiếm và lựa chọn, tuy nhiên, nguồn cung mới có thể tiếp tục hạn chế.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/nam-2022-do-tien-vao-dau-de-tien-de-ra-tien-tintuc803968