Kinh tế

Năm 2019 và áp lực ‘bứt phá’ của Chính phủ

2019 được Chính phủ xem là năm "bứt phá" để tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, muốn bứt phá được, chuyên gia cho rằng Chính phủ cần xác định bằng cách nào và đối mặt những thách thức gì.

Một buổi chiều đầu tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu dài 27 phút trước Quốc hội trước khi chính ông trả lời chất vấn. Đó là lần đầu tiên, một người đứng đầu Chính phủ đề cập rõ ràng các mục tiêu trong dài hạn đến thế trước Quốc hội.

Theo Thủ tướng, với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045, mốc lịch sử 100 năm nước nhà độc lập, quy mô GDP Việt Nam ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD.

Ông khẳng định chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn.

Nói về dài hạn nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh phải nỗ lực ở những bước đi ngắn hạn. Để đạt được mục tiêu 2045 đòi hỏi Chính phủ phải có khát vọng và chủ động ngay từ ngày hôm nay.

“Ngày hôm nay” cũng chính là mục tiêu chủ đạo mà Chính phủ đề ra cho năm tới 2019 với hai từ “bứt phá”. 2019 là năm quan trọng để bứt phá cho cả giai đoạn 2016-2020, cũng là năm quan trọng để bứt phá cho mục tiêu dài hạn hơn 2030, 2045…

Năm 2019 và áp lực ‘bứt phá’ của Chính phủ

“Có ý kiến viết thư cho tôi nói là bây giờ không đặt tăng trưởng cao mà đi vào chất lượng tăng trưởng, nền tảng tăng trưởng”, đó là lời bộc bạch của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi bắt đầu cuộc họp với Tổ tư vấn Kinh tế, lấy ý kiến về việc xây dựng 2 Nghị quyết đầu năm 2019 của Chính phủ.

Nói về ý kiến trong lá thư, Thủ tướng cho rằng đất nước có tăng trưởng cao nhưng quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân còn thấp. Nếu không vượt lên, kiên trì mục tiêu tăng trưởng, đi liền với chất lượng tăng trưởng và ổn định vĩ mô, Việt Nam khó có thể thành công.

Năm 2019 và áp lực ‘bứt phá’ của Chính phủ - 1

“Còn làm gì đó để có tăng trưởng là câu hỏi đặt ra. Làm sao năm 2019 tăng trưởng đạt khoảng 7%, đồng thời giữ được mục tiêu ổn định vĩ mô. Những ưu tiên gì cho năm 2019, cho 5 năm, 10 năm tới?”, ông đặt câu hỏi cho các thành viên tổ tư vấn kinh tế.

Có thể thấy được sự sốt ruột của người đứng đầu Chính phủ và lý do để năm 2019 “bứt phá”, qua đó giúp nhanh chóng đạt được các mục tiêu phát triển trong ngắn và dài hạn. Muốn phát triển trong dài hạn thì những bước đi trong ngắn hạn đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Đó cũng là những nội dung mà dự thảo Nghị quyết do Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) xây dựng để trình Chính phủ. Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ sẽ kế thừa phương châm hành động của năm 2018 đối với các nội dung "kỷ cương, liêm chính, hành động", coi đó là phương châm xuyên suốt cả nhiệm kỳ của Chính phủ.

Năm 2019 Chính phủ sẽ coi là năm "bứt phá" để tăng tốc phát triển, chuẩn bị "về đích". Về đích ở đây nghĩa là cho cả giai đoạn 2016-2020. Xa hơn nữa, năm 2019 là năm bứt phá, tạo tiền đề cho cả một giai đoạn dài hơn là 2020-2030, 2030-2040.

Năm 2019 và áp lực ‘bứt phá’ của Chính phủ - 2

Không chỉ “bứt phá” mang tính chất tốc độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn đặt ra các kỳ vọng cụ thể mang tính chất theo kiểu “bứt phá có chất lượng”. Theo đó, ông nhấn mạnh việc xây dựng mối quan hệ giữa 3 trụ cột: Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội dân chủ.

Chính phủ cũng mong muốn “khoan thư sức dân”, tranh thủ cơ hội từ cách mạng 4.0 đang lan tỏa khắp nền kinh tế. Ngoài ra, đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP, Chính phủ cũng mong muốn làm sao để tăng hiệu quả hội nhập, tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết.

Người đứng đầu Chính phủ cũng kỳ vọng làm tốt công tác cải cách doanh nghiệp Nhà nước, phát triển toàn diện con người, thúc đẩy các đô thị động lực phát triển.

“Làm sao thúc đẩy, hỗ trợ các đô thị động lực khi mà “nơi nào nhiều ánh sáng nhất thì nơi đó giàu có nhất”, nhưng cũng phải bảo đảm các địa phương vùng núi, vùng xa phát triển”, Thủ tướng nói.

Là chủ cơ sở nhỏ sản xuất một số loại nấm ở ngoại thành Hà Nội, khi được hỏi liệu năm tới việc kinh doanh có “bứt phá” được không, chị Đỗ Thị Hồng (42 tuổi, huyện Thường Tín) chỉ cười. Chị cho rằng còn phải tùy thị trường, tùy nhu cầu.

Tuy nhiên, khi được hỏi chị gặp khó khăn gì trong sản xuất, chị Hồng tỏ ra bức xúc hơn khi “than” nhiều vấn đề. Đó vẫn là những câu chuyện mà ngành nông nghiệp vẫn thường nói như khó tiếp cận vay vốn, khó mở rộng sản xuất, khó xin cấp đất, khó xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm để sản phẩm được vào siêu thị…

Chị Hồng bộc bạch, nếu những khó khăn đó biến thành điều đơn giản hơn, cơ sở sản xuất của chị hoàn toàn có thể “bứt phá”, thuê nhiều lao động hơn, mỗi năm có thể sản xuất nhiều hàng hóa hơn.

Khoan thư sức dân, tận dụng khối tư nhân cũng chính là một trong những động lực chính mà Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chỉ ra để “bứt phá” trong năm 2019 và xa hơn nữa.

Theo Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, tiềm năng của nền kinh tế còn rất lớn. Nếu có giải pháp thực thi tốt, tận dụng được cơ hội mới, khai thác tốt hơn tiềm năng của nền kinh tế, trong hai năm tới vẫn có thể tiếp tục đà tăng trưởng.

Năm 2019 và áp lực ‘bứt phá’ của Chính phủ - 3
Phát huy sự lan tỏa của các dự án giao thông lớn là một trong những nội dung quan trọng để bứt phá trong kiến nghị của Tổ tư vấn kinh tế. Ảnh: Hoàng Hà.

Tổ tư vấn cho rằng năm 2019 có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,9-7% và lạm phát dưới 4%. Để đạt được mục tiêu này, Tổ tư vấn kiến nghị ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ 4 nút thắt căn bản (vướng mắc triển khai dự án lớn; trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân; khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; nút thắt trong khai thông nguồn lực xã hội), coi đây là những trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo điều hành.

Theo tính toán của Tổ tư vấn, vốn đầu tư tư nhân giai đoạn 2019-2020 phải đạt khoảng 15% GDP thì mới đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Đồng tình với điều này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần sự đóng góp nhiều hơn nữa của các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt là khu vực tư nhân.

Năm 2019 và áp lực ‘bứt phá’ của Chính phủ - 4

Vị này cũng nhấn mạnh cần giảm thiểu vai trò của Nhà nước. Hiện tại Nhà nước còn can thiệp rất sâu vào nền kinh tế, qua các công ty có vốn Nhà nước, các điều kiện kinh doanh… Cái gì để tư nhân làm được thì cho làm, Nhà nước không nên giữ.

Trao đổi với Zing.vn, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính tiền tệ Quốc gia, chỉ ra 3 điểm có thể giúp đất nước bứt phá trong năm tới.

Thứ nhất, ông chỉ ra là cơ chế chính sách và thể chế. Theo đó, chính sách tốt sẽ giúp tháo gỡ nhiều điểm nghẽn tốt, giải phóng nhiều sức lao động, không lãng phí thời gian của cải.

Thứ hai, cần tập trung nguồn lực cho khối tạo ra nhiều động lực tăng trưởng, đặc biệt là kinh tế tư nhân còn nhiều tiềm năng phát triển. Ông cũng cho rằng có thể tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ, du lịch.. Cũng cần tận dụng cơ hội tốt trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để tăng xuất khẩu, tăng đầu tư.

Thứ ba, Chính phủ cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó sẽ tạo ra nhiều không gian cho cả khối doanh nghiệp trong nước và FDI tư nhân.

Trong dự thảo Nghị quyết 01/2019, Bộ KH&ĐT đã đề cập một cách rõ ràng nội hàm “bứt phá” cái gì. Theo đó, năm 2019 Chính phủ sẽ bứt phá về thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Bứt phá để làm sao tăng trưởng mạnh mẽ hơn, làm sao đưa cách mạng 4.0 vào cuộc sống. Đó cũng là sự bứt phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong hành động - một khâu quan trọng cần sự bứt phá mạnh mẽ.

Năm 2019 và áp lực ‘bứt phá’ của Chính phủ - 5

“Trên nóng, dưới nóng, nhưng giữa lạnh” là cụm từ mà Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhiều lần nhắc đến trong năm 2018. Nếu như hồi 2016-2017, ông hay nói đến “trên nóng, dưới lạnh”, thì hiện nay hiện tượng đó đã thay đổi.

Theo ông Lộc, quyết tâm của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ là rất mạnh mẽ. Quyết tâm của những người thực hiện bên dưới cũng đã bắt đầu “nóng”. Tuy nhiên, vẫn còn điểm nghẽn ở một bộ phận công chức, người thừa hành nên ông dùng từ “giữa lạnh”.

Phân tích như vậy, Chủ tịch VCCI cho rằng bộ máy quản lý Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng nhất, để các thành phần kinh tế có thể thỏa sức tận dụng, phát huy thế mạnh của mình. Do đó, ngoài thể chế, việc cải thiện hiệu quả của bộ máy Nhà nước phải được đặc biệt quan tâm, đó cũng là một thách thức nếu Chính phủ muốn “bứt phá”.

Đồng tình với điều này, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng cần tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Tổ này kiến nghị thay đổi một cách căn bản trong nguyên tắc xây dựng tổ chức bộ máy và phân giao nhiệm vụ cho Chính phủ, bộ ngành và địa phương.

Năm 2019 và áp lực ‘bứt phá’ của Chính phủ - 6

Sự thay đổi theo hướng một việc chỉ giao cho một cơ quan, trong cơ quan chỉ giao một đơn vị, trong đơn vị chỉ giao một cá nhân. Đơn vị và các nhân được giao có quyền giải quyết theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân, việc tham khảo ý kiến do đơn vị, cá nhân có thẩm quyền tự quyết định; xóa bỏ cơ chế "công vụ lồng ghép".

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, còn chỉ ra thách thức từ bên ngoài với nhiệm vụ “bứt phá”. Ông cho rằng bối cảnh năm 2019 kinh tế thế giới được dự báo chậm lại, có nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, thách thức với Chính phủ vừa phải có phát triển, vừa phải gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Việc tận dụng các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đặt ra các yêu cầu cao hơn, đòi hỏi chúng ta thực hiện đầy đủ hơn các cam kết quốc tế đã ký.

Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận cần phải nói rõ tình hình để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng hội nhập. Ông nhấn mạnh: “nếu các địa phương, doanh nghiệp, người dân không sẵn sàng thì sẽ thất bại, sẽ biến các lợi thế từ các FTA thành bất lợi”.

“Phải làm sao ai lợi dụng cơ chế chính sách, lợi dụng kẽ hở, không có đất sống. Tôi không ủng hộ việc hỗ trợ cụ thể ông A ông B nào cả. Cần phải tạo một môi trường tốt thì cái cây tốt sẽ phát triển, nhưng không thể để cỏ dại nó lan rộng, đó mới là vấn đề”, ông nói

Thách thức về đổi mới trước thềm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng được TS Trần Du Lịch nhắc đến. Ông cho rằng muốn doanh nghiệp Việt đổi mới công nghệ, bắt kịp thế giới không có cách nào khác phải tạo ra chính sách để doanh nghiệp bức xúc với đổi mới, thì họ mới đổi mới công nghệ, không thể kêu gọi đơn thuần.

“Chúng ta phải tạo ra một hệ sinh thái, không đổi mới thì không cạnh tranh được”, ông chia sẻ.

TS Trần Du Lịch lưu ý chính sách sẽ tác động thị trường, thị trường tác động vào từng doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh: “Nhà nước không nên nghĩ mình làm chuyện A, chuyện B. Nhà nước chỉ cần làm chính sách, dân chúng sẽ biết làm cái gì tốt nhất thì họ làm”. 

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)