Kinh tế

Năm 2017, mỗi cửa hàng thời trang, phụ kiện thu bình quân 1,8 tỷ đồng

Số liệu khảo sát kết quả kinh doanh tại 1.000 cửa hàng cho thấy thời trang, phụ kiện đang dẫn đầu về hiệu quả, bình quân mỗi cửa hàng mang lại 1,8 tỷ đồng năm qua.

Các cửa hàng do Sapo.vn - đơn vị chuyên về phát triển phần mềm quản lý bán hàng - khảo sát chủ yếu là các điểm bán có quy mô 1-3 chi nhánh và trung bình có 7 nhân viên mỗi chi nhánh, nhằm tìm hiểu kết quả kinh doanh năm 2017 của hoạt động bán lẻ.

Kết quả cho thấy, gần 80% cửa hàng chia sẻ năm 2017 doanh thu của họ có tăng trưởng so với năm 2016, trong đó 44% số cửa hàng được khảo sát có tăng trưởng trên 10%.

Trong số cửa hàng được khảo sát, có tới 90% kết hợp cả bán hàng online, trong đó 55% cửa hàng có doanh thu online chiếm dưới 1 nửa tổng doanh thu và 35% cửa hàng có doanh thu online chiếm trên 1 nửa tổng doanh thu.

Năm 2017, mỗi cửa hàng thời trang, phụ kiện thu bình quân 1,8 tỷ đồng
Bình quân mỗi cửa hàng thời trang, phụ kiên năm qua thu về 1,8 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Lê Hiếu.

Lĩnh vực thời trang, phụ kiện và đồ tiêu dùng cho trẻ nhỏ là hai nhóm ngành có tỷ lệ các cửa hàng tăng tưởng doanh thu cao nhất, lần lượt 83% và 92%. Trong khi đó, 60 % cửa hàng dược phẩm, nhà thuốc lại cho biết doanh thu năm qua không tăng trưởng so với năm 2016, thậm chí còn có dấu hiệu đi xuống.

Doanh thu trung bình của các cửa hàng bán lẻ trong năm 2017 tại Việt Nam vào khoảng 1,3 tỷ đồng. Trong đó, các cửa hàng có doanh thu dưới 500 triệu đồng chiếm khoảng 30%, trên 32% cửa hàng có mức doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, trên 38% cửa hàng có doanh thu trên 1 tỷ đồng. Có khoảng 10% cửa hàng bán lẻ năm qua có mức doanh thu trên 3 tỷ đồng.

Kết quả cũng cho thấy hàng thời trang, phụ kiện là lĩnh vực đắt khách nhất, mức doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng lên tới 1,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên cũng ở lĩnh vực này, có hơn 20% cửa hàng cho biết doanh thu của họ không tăng trưởng hoặc đi xuống. Nhóm không tăng trưởng chủ yếu tập trung ở những cửa hàng có quy mô nhỏ, doanh thu dưới 500 triệu đồng mỗi năm.

Riêng với lĩnh vực mỹ phẩm, nước hoa, trang sức là nhóm có doanh thu online trung bình cao nhất, chiếm 48% tổng doanh thu. Nhà thuốc là nhóm ngành có tỷ lệ các cửa hàng không bán online nhiều nhất, với 40%. Cũng vì vậy mà doanh thu online trung bình của nhà thuốc thấp nhất, chỉ chiếm 12% tổng doanh thu.

Năm 2017, mỗi cửa hàng thời trang, phụ kiện thu bình quân 1,8 tỷ đồng - 1

Khảo sát này còn cho thấy mối liên hệ giữa doanh thu mỗi cửa hàng so với ngân sách họ chi ra để làm tiếp thị.

Theo đó, 33% cửa hàng không tăng trưởng doanh thu hoặc bị giảm doanh thu cho biết họ không dành ngân sách cho tiếp thị, và 65% tiếp thị với ngân sách dưới 20 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, với các shop chi tiếp thị trên 20 triệu đồng/tháng thì tới 62% shop có tăng trưởng  mức trên 30% so với năm 2016.

Trung bình trong năm 2017, mỗi shop đã chi ngân sách cho tiếp thị khoảng 9 triệu đồng/tháng. Trong các nhóm ngành, thời trang, phụ kiện là nhóm chiếm tỷ lệ chi nhiều tiền cho tiếp thị, quảng cáo nhất. Có tới 43% trong số các cửa hàng khảo sát chi 20-50 triệu/tháng và 33% chi 50 triệu đồng/tháng để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)