Kinh tế >> Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Mỹ tăng nhập hàng hóa Việt Nam khi đối đầu với Trung Quốc

Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 7 vào Mỹ trong năm 2019 nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng 40,2% như quý I.

Bloomberg dẫn số liệu Cục Thống kê Mỹ vừa công bố cho thấy, ba tháng đầu năm 2019, tốc độ xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đến Mỹ tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong nhóm 12 nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ năm 2018. Đứng sau Việt Nam là Hàn Quốc với tốc độ tăng 18,4%. Ở chiều ngược lại, hàng hóa Trung Quốc đến Mỹ giảm 13,9% trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước ngày càng gia tăng.

Mỹ tăng nhập hàng hóa Việt Nam khi đối đầu với Trung Quốc
12 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào Mỹ năm 2018. Đơn vị: Triệu USD. Nguồn: US Census Bureau

Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng trong quý I cho phần còn lại của năm 2019, Việt Nam có thể vượt các ông lớn như Pháp, Anh, Italy và Ấn Độ để trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 7 cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, với giá trị dự kiến lên đến gần 69 tỷ USD. Năm ngoái, Việt Nam đứng vị trí thứ 12 với giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ hơn 49,2 tỷ USD.

Bloomberg bình luận, Việt Nam đã trở nên nổi bật trong khu vực khi "các bộ máy xuất khẩu chủ lực" bị tổn thương vì cuộc chiến thương mại và chu kỳ tăng trưởng đang vào giai đoạn chậm lại. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan đều chứng kiến sự sụt giảm xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trong tháng 4, trong khi Việt Nam tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.

"Việt Nam đang hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp thay đổi chuỗi cung ứng để tránh đòn thuế của Mỹ với hàng hóa từ Trung Quốc. Quốc gia này cung cấp nguồn lao động với chi phí thấp, cũng như có môi trường kinh doanh đang được cải thiện. Đồng thời, đây cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới", tờ báo Mỹ nhận định.

Cục Thống kê Mỹ dự báo, dù xuất khẩu giảm trong quý I, Trung Quốc và Canada vẫn giữ vị trí nhà xuất khẩu lớn nhất và thứ ba vào Mỹ hết năm nay với giá trị hàng hóa lần lượt đạt 464 tỷ và 307 tỷ USD. Đứng vị trí thứ 2 là Mexico với tốc độ tăng 5,4% trong quý I và dự kiến đạt tổng giá trị 365 tỷ USD cả năm 2019.

Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng nhắc đến việc các nhà sản xuất có thể chọn Việt Nam là điểm đến sau khi rời Trung Quốc. Trước ông Trump, từ cách đây một năm, nhiều đơn vị phân tích đã nhắc đến viễn cảnh này khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xung đột về thương mại. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá, có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể hưởng lợi dưới tác động của cuộc căng thẳng thương mại từ việc dòng thương mại chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD.

Đầu tháng 5, sau một thời gian hai bên "đình chiến" và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Căng thẳng hiện tiếp tục lên cao khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "đen", cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ.

Theo Tú Anh (VnExpress.net)