Kinh tế

Mọi sự gian dối đều phải trả giá đắt

Thời gian gần đây, hành vi gian lận xuất xứ, làm giả nhãn mác của một số doanh nghiệp (DN) liên tiếp bị bóc trần. Thực trạng này đang khiến niềm tin của người tiêu dùng bị suy giảm, bản thân các DN làm ăn chân chính cũng bị những tác động tiêu cực. Câu hỏi đặt ra là vai trò của nhà quản lý ở đâu?

Thời trang “chợ” đến thời trang nổi tiếng đều giả xuất xứ

4 tấn quần áo bị bóc mác - đó là con số về số lượng quần áo thời trang mà lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội vừa thu giữ khi kiểm tra tại những điểm kinh doanh các sản phẩm thời trang. Phần lớn các sản phẩm đã bị cắt bỏ nhãn mác gốc, và nhiều sản phẩm trong số đó đã được dán nhãn “Made in Vietnam” lên trên. Ước tính tổng giá trị số hàng hóa nói trên lên tới 2 tỷ đồng. Còn tại TPHCM, lực lượng chức năng cũng đã kiểm soát và bắt giữ khoảng 2.000 sản phẩm đồng hồ, túi xách, ví, thắt lưng da là hàng nhập lậu. Những con số nói trên có thể đã phần nào chỉ rõ nguyên nhân tại sao gần đây những vụ việc liên quan đến làm việc giả nhãn mác, gian lận xuất xứ ngày càng bị vạch trần.

Dạo một vòng quanh chợ Ninh Hiệp (Hà Nội), dễ dàng bắt gặp hàng loạt các sản phẩm thời trang gắn các nhãn mác của các hãng thời trang nổi tiếng như Chanel, Adidas, Gucci… Theo chia sẻ của chủ một ki-ốt tại chợ này, các sản phẩm thời trang được nhập về đều không có nhãn mác, chủ cửa hàng sẽ đặt riêng các nhãn mác của các thương hiệu thời trang nổi tiếng rồi gắn vào sản phẩm. “Vì hàng “made in Vietnam” đang được ưa chuộng nhất nên chúng tôi gắn nhiều sản phẩm là hàng “made in Vietnam” – bà chủ ki- ốt không ngần ngại cho biết.

Sự thản nhiên của người bán hàng khiến chúng tôi không khỏi giật mình và đặt câu hỏi: Liệu có bao nhiêu cửa hàng tương tự đã và đang bán những sản phẩm nhập nhèm nguồn gốc, giả mạo xuất xứ để bán đến tay người tiêu dùng?

Mọi sự gian dối đều phải trả giá đắt
Hàng “made in Vietnam” bị làm giả tràn lan. Ảnh có tính minh họa.

Song điều quan trọng hơn là không chỉ hàng hóa ở các chợ, shop thời trang bình dân làm giả nhãn mác, mà ngay cả những DN đã gây dựng được thương hiệu, đã nổi tiếng trên thương trường cũng thực hiện hành vi gian lận này. Dư luận còn chưa quên sự vụ của Khaisilk, thì gần đầy hãng thời trang Seven.AM tiếp tục dội một gáo nước lạnh vào niềm tin của số đông người tiêu dùng Việt. Bằng cách nhập hàng Trung Quốc về, cắt bỏ nhãn mác đi nhằm trà trộn với các sản phẩm “made in Vietnam” hòng lừa gạt người tiêu dùng, Seven.AM đã chính thức “tuyên án” cho bản thân mình với bản án bị người tiêu dùng quay lưng. Nói một cách khác đi, Khaisilk cũng như Seven.AM đang bào mòn dần lòng tin mà người tiêu dùng trong nước dành cho các sản phẩm “made in Vietnam” chính hãng.

Trao đổi về vấn đề này, chị Trần Thanh Thúy (ở phố Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Chị quá mất niềm tin vào các nhãn hàng thời trang trong nước khi mà liên tiếp bị “dính” hàng giả mạo xuất xứ. Thời điểm khăn lụa Khaisilk còn đang nổi danh, chị là một trong những khách hàng “VIP” của hãng này. Sở dĩ nói như vậy là bởi một thời chị quá tin tưởng vào thương hiệu của nhãn hàng lụa này. “Bạn bè và tôi có sinh nhật, hay có dịp đi ra nước ngoài đều mua khăn lụa của Khaisilk làm quà. Vậy mà đùng một cái hay tin là hàng Trung Quốc, thật sự vô cùng bức bối và thấy xấu hổ với bạn bè - những người đã từng được nhận quà của tôi” – chị Thúy kể lại. Còn chưa hết bức xúc vì quá tin tưởng vào nhãn hiệu khăn lụa một thời lừng danh, ngay tại thời điểm này, chị Thúy tiếp tục sốc vì cũng là một trong những tín đồ của hãng thời trang Seven.AM. “Thật sự tôi choáng váng khi nghe tin này, hãng đó lại cũng giở bài cũ tương tự Khaisilk. Đúng là niềm tin sụp đổ hoàn toàn – chị Thúy bức bối: - Không lẽ DN họ nghĩ người tiêu dùng chúng tôi dễ bị “xỏ mũi” đến thế?”.

Chị Thúy chỉ là một trong số hàng vạn người tiêu dùng đã trót trao sự tin tưởng vào những nhãn hàng vốn đã gây dựng được thương hiệu sau bao nhiêu năm bôn ba thương trường. Song, chỉ vì một chút lợi nhuận trước mắt, họ đã sẵn sàng đánh đổi, sẵn sàng hủy hoại chữ tín.

Không trung thực, đừng kinh doanh

Nói về câu chuyện này, giới chuyên gia nhận định: Nhập hàng từ nước ngoài, cắt mác, gắn tem thưng hiệu trong nước… là thủ đoạn không mới nhưng rất khó kiểm soát. Điều đáng buồn là nhiều thương hiệu nổi tiếng đã xây dựng được chữ tín trong lòng người tiêu dùng nhưng lại không biết bảo vệ, gìn giữ, ngược lại sẵn sàng hủy bỏ chỉ vì lòng tham, vì cái lợi trước mắt.

Đề cập đến yếu tố trung thực của DN, PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng Ban cố vấn, Viện Quản lý Thương hiệu và Cạnh tranh - cho rằng: Nếu DN không có sự trung thực, chắc chắn DN đó sẽ không thể tồn tại lâu dài trên thương trường. “Nếu đặt câu hỏi trong kinh doanh, đâu là yếu tố quan trọng nhất, tôi có thể khẳng định luôn quan điểm của tôi: Trung thực chính là yếu tố quan trọng nhất trong kinh doanh - ông Thịnh nói và nhấn mạnh: Về nguyên tắc, tất cả các DN phải đưa ra cam kết và thực hiện đầy đủ các cam kết đó. Tuy nhiên, DN luôn luôn phải nói thật. Nói dối tức là DN tìm đến cái chết. Sai lầm lớn nhất của các DN đó là thực hiện các hành vi gian lận thương mại nhằm che mắt người tiêu dùng. Nhưng tôi khẳng định, không có một sự gian dối nào có thể tồn tại được, sớm muộn cũng sẽ bị lật tẩy và khi đó, kết cục là gì, chúng ta đã biết rất rõ. Khaisilk đã không còn hiện diện trong tư duy của người tiêu dùng. Và số phận Seven.AM cũng đang mong manh”.

Khi được hỏi về vai trò của nhà quản lý trong câu chuyện này, ông Thịnh cho biết: “Thứ nhất, chúng ta nói rất nhiều đến vai trò của các nhà quản lý nhưng cần phải khẳng định luôn rằng, với lực lượng chức năng quản lý thị trường hiện nay, việc quản lý được tất cả các điểm kinh doanh buôn bán của hàng vạn DN là không xuể. Lực lượng quản lý thị trường khó có thể bao quát được, họ không có đủ sức lực và thời gian để bao quát tất cả các hệ thống. Vai trò ở đây đừng đặt nặng lên nhà quản lý mà chúng ta hãy kêu gọi người tiêu dùng đặt nặng vai trò lên chính họ, cùng đồng lòng, đoàn kết nhau lại để bảo vệ quyền lợi của mình. Đó mới là cái quan trọng. Thứ hai, hiện nay, các hành vi xâm phạm về thương hiệu, vi phạm về sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại hầu như chỉ bị xử lý hành chính. Đây là “kẽ hở” khiến cho thời gian qua các sự vụ vi phạm về gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ gia tăng. Trong khi đó ở nước ngoài họ sử dụng chủ yếu các biện pháp tư pháp rất mạnh. Ở Việt Nam hiện nay 97,3% các vi phạm chỉ xử lý hành chính, chỉ có 2,7% dùng biện pháp tư pháp trong khi ở các nước trên thế giới thì ngược lại, 80% xử lý bằng biện pháp tư pháp, chỉ 20% xử lý hành chính. Đó là một trong những điều mà tôi nghĩ nhà quản lý cần phải sớm thay đổi mới để có thể hạn chế thấp nhất các hành vi gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ đã và đang gây tổn hại đến nền kinh tế, bào mòn niềm tin người tiêu dùng”.

Theo An Bình (Đại Đoàn Kết)




http://daidoanket.vn/kinh-te/moi-su-gian-doi-deu-phai-tra-gia-dat-tintuc452581