Kinh tế

Masan phát hành thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu lãi suất cao để đảo nợ

Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sẽ phát hành 2 lô trái phiếu doanh nghiệp trị giá 4.000 tỷ đồng để thanh toán gốc lô trái phiếu phát hành năm 2020 và đáo hạn vào cuối tháng 3/2023.

HĐQT Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hôm 25/10 công bố nghị quyết phê duyệt phương án phát hành ra công chúng 2 lô trái phiếu doanh nghiệp tổng trị giá 4.000 tỷ đồng cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Cụ thể, Masan sẽ chào bán ra công chúng trái phiếu bằng đồng Việt Nam, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm với tổng mệnh giá tối đa 4.000 tỷ đồng và được chào bán trong 2 đợt chào bán ra công chúng.

Theo phương án, Masan sẽ huy động 2.000 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu BondMSN022023 (mã MSN12001) với tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng đã được phát hành ngày 30/3/2020 và đáo hạn 30/3/2023.

Masan cũng sẽ huy động 2.000 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu BondMSN032023 (mã MSN12003) với tổng mệnh giá 3.000 tỷ đồng đã được phát hành ngày 12/5/2020 và đáo hạn 12/5/2023.

Kỳ hạn của 2 lô trái phiếu dự kiến phát hành tối đa 60 tháng (5 năm).

Dự kiến 2 lô trái phiếu này sẽ được phát hành tương ứng trong quý I/2023 và quý II/2023.

Masan phát hành thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu lãi suất cao để đảo nợ
Ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Masan. (Ảnh: MSN)

Lãi suất của trái phiếu thả nổi, bằng tổng của 4,1%/năm cộng với lãi suất tham chiếu (là lãi suất trung bình cộng của lãi suất tiền gửi tiết kiệm áp dụng cho khách hàng cá nhân kỳ hạn 12 tháng bằng đồng Việt Nam của 4 ngân hàng: BIDV, Vietcombank, Vietinbank và MBBank).

Gần đây, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng tăng mạnh, nhiều nơi lên 8-9%/năm cho kỳ hạn 12-36 tháng. Nhóm ngân hàng thương mại nguồn gốc quốc doanh chưa tăng mạnh lãi suất huy động, vẫn ở mức thấp 6,4%/năm. 

Lãi suất các ngân hàng cho vay được cho là có thể sẽ nhanh chóng tăng theo lãi suất huy động, có thể lên tới 10-14%/năm theo như thông thường cao hơn lãi suất huy động khoảng 4%.

Như vậy, lô trái phiếu trị giá 4.000 tỷ đồng của Masan có thể có lãi suất ở mức khoảng 14%/năm.

Mức lãi suất này cao hơn nhiều so với mức lãi suất của nhiều lô trái phiếu do Masan phát hành trước đó, trong đó có lô mã MSN12007 có lãi suất 9,325%/năm, sẽ được thanh toán lãi suất vào ngày 4/11/2022 tới.

Masan phát hành thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu lãi suất cao để đảo nợ - 1
Masan sẽ phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp không bảo lãnh để tái cơ cấu nợ. (Nguồn: MSN)

Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ trái phiếu của Công ty mẹ Masan Group là 19.500 tỷ đồng, lãi trái phiếu đã thanh toán đến 30/6/2022 là hơn 3.200 tỷ đồng.

Trong 3 năm trước đợt phát hành này: 2019, 2020 và 2021, Masan thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu đã phát hành và đến hạn.

Hồi cuối tháng 9/2022, Masan cũng đã huy động thành công 2 lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm với tổng trị giá 1.500 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, thanh toán khoản gốc đáo hạn của trái phiếu MSNPO2022_01 (MSN11906), kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 26/9/2022. Lãi suất 2 kỳ đầu cố định 9,5%/năm, còn lại thả nổi bằng tổng của 3,975%/năm và lãi suất tham chiếu (là trung bình cộng của lãi suất tiền gửi áp dụng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm các nhân bằng VND kỳ hạn 12 tháng do Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV).

Trái phiếu doanh nghiệp là thị trường tiềm năng

Gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành nỗi lo của nhiều người. Tuy nhiên, những quyết định can thiệp kịp thời gần đây sẽ giúp ngăn bong bóng ngừng lớn lên và xì dần, qua đó mang đến sự ổn định cho hệ thống tài chính.

Theo Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, với nền kinh tế vĩ mô phát triển, thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp trong nước là một thị trường đầy tiềm năng. Việc một số doanh nghiệp vi phạm và bị xử lý là để lành mạnh hoá thị trường, song việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc. Bộ Tài chính sẽ tích cực giám sát để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.

Masan phát hành thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu lãi suất cao để đảo nợ - 2
Lãi suất của trái phiếu thả nổi, bằng tổng của 4,1%/năm cộng với lãi suất tham chiếu.

Tiềm năng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được Chính phủ xác định rõ trong đề án phát triển với tầm nhìn đến năm 2030 đạt quy mô 20% GDP.

Hồi giữa tháng 9, Bộ Tài chính công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật. Nhiều quy định chặt chẽ hơn đã được đưa ra.

Đây là những quyết định hết sức quyết liệt.

Ngay trước khi Nghị định 65 được ban hành và có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đã nhanh tay mua trái phiếu doanh nghiệp trước hạn, như trường hợp: Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn (mua lại cả nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu); Chứng khoán VIX; Hoàng Anh Gia Lai; Cơ điện lạnh REE; TCBS…

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 3 quý đầu năm 2022 tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lên hơn 142.200 tỷ đồng, tăng tới 67% so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những điểm đáng chú ý là, Nghị định 65 vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ, nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó (dựa trên khoản 2 Điều 5).

Có thể thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nửa thập kỷ qua phát triển mạnh mẽ và bùng nổ trong thời gian gần đây khi nền lãi suất huy động ở mức thấp sau đại dịch Covid. Dòng tiền chi phí thấp đã khiến không ít doanh nghiệp vào cuộc huy động vốn cho các dự án.

Tuy nhiên, nhiều bất cập đã xảy ra đối với một thị trường trái phiếu non trẻ. Đó là sự thiếu chặt chẽ trong quá trình công bố thông tin, thẩm định. Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu “ba không” không có tài sản đảm bảo, không được bảo lãnh thanh toán, không kiểm soát được dòng tiền đầu tư trái phiếu đúng mục đích.

Theo FiinGroup, các quý sắp tới được dự kiến sẽ là giai đoạn khó khăn để các doanh nghiệp xoay sở dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, thị trường sẽ sôi động trở lại. Theo FiinGroup, với Nghị định mới, nhu cầu phát hành trái phiếu được giải tỏa, khối lượng phát hành dự kiến sẽ gia tăng trở lại sau khi có đủ thời gian để làm quen. Quy mô phát hành có thể sẽ tăng mạnh trở lại kể từ năm sau, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.

Nghị định 65 tạo hành lang pháp lý và chế tài rõ ràng sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận kênh trái phiếu, từ đó giảm tải gánh nặng đối với nguồn tín dụng hiện nay. 

Về lâu dài, các doanh nghiệp có thể sẽ tăng cường chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng thay vì tập trung vào hình thức phát hành riêng lẻ.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/masan-phat-hanh-them-4-000-ty-dong-trai-phieu-lai-suat-cao-de-dao-no-2074053.html