Kinh tế

Mạnh tay 'bài trừ' hàng giả, hàng nhái

Hàng giả, hàng nhái luôn là vấn nạn và bài toán khó trong bối cảnh thị trường ngày càng đa dạng và khó kiểm soát như hiện nay. Trước thực trạng này, ngày 27/11, nhân kỷ niệm 12 năm ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam 29/11, Văn phòng Đại điện tại TP.HCM Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức diễn đàn chống hàng giả với chủ đề: “Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng”.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến nạn làm giả, làm nhái hàng hoá, sản phẩm, đặc biệt là lập lờ nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo họ, đối với những hàng hoá giả mạo nhãn hiệu như gas, khí đốt, mỹ phẩm.. không chỉ ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp, nhà sản xuất mà còn gây hại đến an toàn, sức khoẻ của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn thảo luận về sự thay đổi của các hành vi vi phạm của các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái. Ông Nguyễn Thành Danh - Phó Trưởng Ban 389 Bình Dương cho biết, sự phát triển của nhiều loại hình kinh doanh trên internet khiến cho không ít các doanh nghiệp “trở tay không kịp” với những phương thức làm giả, nhái thương hiệu sản phẩm của các đối tượng vi phạm. Những phương thức mới dựa vào nền tảng công nghiệp 4.0 cũng khiến cho công tác quản lý kiểm soát và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thêm khó khăn.

“Để có thể hỗ trợ cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng, rất cần đến sự hợp tác từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính người tiêu dùng là một trong những kênh quan trọng có khả năng kiểm soát chặt chẽ, sâu rộng nhất để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ” - ông Danh nói.

Tại diễn đàn, đại diện Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết dù hiện nay Tổng cục đã xây dựng và sử dụng cổng thông tin điện tử về hàng giả nhưng việc xác định nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm trên thị trường rất khó khăn bởi hàng giả, hàng nhái xuất hiện hầu hết trong các lĩnh vực và đa quốc gia.

Thời gian qua, các Đội quản lý thị trường trên cả nước đã tăng cường phối hợp cùng với các doanh nghiệp tổ chức các cuộc điều tra, kiểm soát bất thường cũng như thường xuyên tại những kênh mua bán để tìm ra hàng giả và có biện pháp xử lý kịp thời.

Về phía doanh nghiệp, hiện nay đang đẩy mạnh đầu tư các giải pháp phân biệt, phát hiện hàng giả hàng nhái. Đại diện thương hiệu CASIO - ông Lý Thành Công cho biết, hiện nay máy tính, đồng hồ của thương hiệu này bị nhái, làm giả rất nhiều nên việc đầu tư tem chống hàng giả, hàng nhái là rất cần thiết.

Mạnh tay 'bài trừ' hàng giả, hàng nhái
Đại diện CASIO hướng dẫn cách kiểm tra hàng giả, hàng thật bằng tem nhận diện và đèn laser. Ảnh: Kim Ngọc

Khá bức xúc khi bị làm giả, nhái thương hiệu, sản phẩm của mình, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Anh Đào, bà Phạm Thị Đào, cho biết doanh nghiệp này đã chọn giải pháp chống nạn sao chép, làm giả nhãn hiệu là dán tem chống hàng giả cho từng sản phẩm. Bà Đào cho biết, Mỹ phẩm Anh Đào đã phối hợp với nhà cung cấp tem chống hàng giả là Vina CHG để dán các con tem áp dụng nhiều công nghệ chống giả lên sản phẩm.

Chia sẻ về các giải pháp chống hàng giả hiện nay, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Vina CHG cho rằng. doanh nghiệp cần phải áp dụng công nghệ nhanh chóng, kịp thời để có thể chống lại sự sao chép ngày càng tinh vi của các đối tượng vi phạm, nhất là trong thời đại bùng nổ internet với nhiều hình thức kinh doanh mới. Bên cạnh đó, việc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng cùng thực hiện tốt công tác truyền thông đến cộng đồng, người tiêu dùng là điều mà các chủ doanh nghiệp nên quan tâm.

Theo Nguyễn Ngọc (Nguoitieudung.com.vn)




http://www.nguoitieudung.com.vn/manh-tay-bai-tru-hang-gia-hang-nhai-d79307.html