Kinh tế

Lợi nhuận FE Credit giảm 17% năm 2020, nợ xấu tăng lên 6,6%

Năm 2020, FE Credit lãi 3.713 tỷ đồng trong khi hai năm trước đều lãi trên 4.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 6% lên 6,6% trong khi doanh số giải ngân cả năm giảm so với 2019.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố kết quả kinh doanh và các số liệu tài chính của FE Credit trong năm 2020.

Theo đó, tổng dư nợ tín dụng FE Credit đến cuối năm 2020 khoảng 66.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm trước. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên 6,6%, cao hơn so với mức 6% của năm 2018 và 2019.

Trong năm qua, doanh số giải ngân của FE Credit là 63.000 tỷ đồng, giảm khoảng 14% so với năm 2019.

Lợi nhuận FE Credit giảm 17% năm 2020, nợ xấu tăng lên 6,6%

Lợi nhuận năm 2020 là 3.713 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2019. Tính riêng quý cuối năm, lợi nhuận là 514 tỷ đồng, thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay.

Lợi nhuận FE Credit chiếm 29% trong tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank. Các năm trước, FE Credit đóng góp khoảng 40-50% lợi nhuận cho FE Credit.

 

Lợi nhuận FE Credit giảm 17% năm 2020, nợ xấu tăng lên 6,6% - 1

Trong một báo cáo hồi tháng 12/2020 của SSI Research, công ty chứng khoán này cho biết VPBank đã đàm phán lại với một đối tác quan trọng và hy vọng có thể đàm phán thành công trong 5-6 tháng tới, nhờ đó thương vụ này có thể hoàn thành trong quý 3/2021. Ban lãnh đạo VPBank kỳ vọng định giá FeCredit ở mức trên 3 lần giá trị sổ sách.

Trước đó, tại đại hội cổ đông diễn ra hồi giữa năm 2020, ban lãnh đạo VPBank từng cho biết, VPBank đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư về việc bán một phần vốn FE Credit và cũng đã có một số kết quả tích cực. Mặc dù việc đàm phán bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng ban lãnh đạo tin rằng việc bán vốn tại FE Credit sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Lãnh đạo VPBank tự tin cho rằng FE Credit là doanh nghiệp hấp dẫn nhất trong ngành tài chính tiêu dùng.

Khác với ngân hàng, FE Credit là công ty tài chính nên VPBank có thể bán vốn tới 49%. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho biết, nếu ngân hàng bán 49% FE Credit thì quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm đi, nhưng khi có đối tác chiếm đến 49% thì sẽ đem lại công nghệ mới cùng nguồn vốn hùng hậu cho công ty. Phần vốn bán được sẽ có nhiều phương án sử dụng, chẳng hạn giúp ngân hàng mẹ tăng vốn, tăng quy mô, đẩy mạnh cho vay retail, SME...

Theo Hà My (Doanh nghiệp và Tiếp thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/loi-nhuan-fe-credit-giam-17-nam-2020-no-xau-tang-len-66-161210502150148656.htm