Kinh tế

'Lợi ích nhóm còn gây nhũng nhiễu doanh nghiệp'

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cùng với điểm sáng, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn tồn tại, trong đó có lợi ích nhóm gây nhũng nhiều cho doanh nghiệp.

Chiều nay (28/12), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Hội nghị Chính phủ và địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nhắc đến các chỉ số xếp hạng của Việt Nam được cải thiện trong năm vừa qua. Trong năm 2017, Việt Nam đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Các cải cách hành chính về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, cơ chế một cửa quốc gia được mở rộng và cải thiện. 5.000 thủ tục hành chính đã được cắt giảm và đơn giản hóa tại nhiều bộ ngành khác nhau.

'Lợi ích nhóm còn gây nhũng nhiễu doanh nghiệp'
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Thắng Quang.

Theo Bộ trưởng, môi trường đầu tư kinh doanh phát triển đáng kể. Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp diễn ra sôi động từ Trung ương đến địa phương. Quyền kinh doanh, tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh phát triển được mở rộng. Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa được thông qua tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Việc giảm chi phí cho doanh nghiệp được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh phát triển tích cực, lòng tin người dân được củng cố.

"Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 35,6 tỷ USD. Trong đó vốn giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%. Tình hình đăng ký doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng chưa từng có. Thị trường chứng khoán đạt 950 điểm", ông chia sẻ. 

Bộ trưởng cũng cho hay Việt Nam đã cải thiện vị trí trên nhiều bảng xếp hạng về đầu tư kinh doanh. Ví dụ môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc. Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam tăng 3 bậc. Chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 81 bậc.

Năm tới, mục tiêu của Việt Nam sẽ phấn đầu tăng bậc bằng với số bậc đạt được trong năm 2017. Tuy nhiên, theo tư lệnh ngành, điều đó có thách thức không nhỏ khi các nước không đứng yên chờ đợi để Việt Nam vượt trên bảng xếp hạng. Ngoài ra, càng lên các vị trí cao, việc cải thiện vị trí ngày càng khó khăn hơn.

Bộ trưởng Dũng cũng nhấn mạnh thứ hạng môi trường kinh doanh còn cải thiện nhưng thiếu tính bền vững. Ngoài ra, nhiều bộ chỉ số đã cải thiện nhưng trong đó lại có những chỉ số không cải thiện, thậm chí là nhiều năm vẫn giữa nguyên, đứng cuối bảng xếp hạng như hiệu quả trị trường hàng hóa, chất lượng cơ sở hạ tầng…

'Lợi ích nhóm còn gây nhũng nhiễu doanh nghiệp' - 1

Do đó, để tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần mạnh mẽ thực hiện Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ. “Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ công bố danh sách các bộ ngành, địa phương các bộ ngành chậm triển khai Nghị quyết 19 và 35”, ông nói.

Không chỉ nêu ra những tồn tại về chỉ số xếp hạng, Bộ trưởng KH&ĐT cũng chỉ ra những vấn đề còn vướng cho doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư kinh doanh chồng chéo giữa các luật về đầu tư, môi trường, đất đai. Nhiều bộ ngành cùng quản lý một vấn đề. Tiếp cận tín dụng, đất đai còn khó khăn. Chi phí kinh doanh còn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

“Thanh tra còn chồng chéo, trùng lắp. Mới có một số ít bộ ngành thực hiện rà soát các điều kiện kinh doanh. Công tác quản lý kiểm tra chuyên ngành chậm cải thiện. Quản lý chuyên ngành còn thiếu tính đồng bộ. Lợi ích nhóm còn gây nhũng nhiễu doanh nghiệp…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)