Kinh tế

Làm gì để vay được gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ?

Thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ cho vay doanh nghiệp, người mua nhà ở xã hội được đánh giá là một trong những tín hiệu tích cực nhất sau hội nghị về thị trường bất động sản do Thủ tướng chủ trì ngày 17/2.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho hay, việc tháo gỡ cho thị trường bất động sản được Chính phủ quan tâm khiến doanh nghiệp rất mừng. Sau hội nghị, thị trường đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan dù cho giải pháp được đưa ra trong hội nghị còn cần thời gian để triển khai.

Liên quan đến một số gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, ông Quyết đánh giá, thực sự đang rất cần cho thị trường, cho doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.

Tuy nhiên, ông Quyết nhìn nhận, hiện dòng sản phẩm cho người thu nhập trung bình khá, mức 30-50 triệu đồng/m2 đang khá hiếm ở Hà Nội và TP.HCM. Còn dòng sản phẩm giá 20-30 triệu đồng/m2 ở các thành phố lớn hầu như đã 'tuyệt chủng', phải về tỉnh xa mới có… Do đó, việc cơ cấu lại các sản phẩm cực kỳ quan trọng.

Bên cạnh đó, quỹ đất sạch để phát triển nhà giá rẻ lại rất hạn chế. Nên cùng với việc doanh nghiệp phải nhìn nhận lại, cũng mong Nhà nước có chính sách để phát triển phân khúc nhà giá trung bình.

Làm gì để vay được gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ?
Doanh nghiệp cho rằng, sau hội nghị bất động sản sẽ tác động đến tâm lý thị trường, thêm sự tin tưởng và có chuyển biến nhất định... (Ảnh: Hoàng Hà)

Còn ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận xét, câu chuyện thị trường chững lại, không có thanh khoản phần lớn nằm ở nguồn vốn.

"Khó khăn căn bản trong ngắn hạn là nguồn vốn. Vì thế, để thị trường có giao dịch trở lại thì người mua phải tiếp cận được với tiền. Do đó, việc đưa gói tín dụng tại thời điểm ngắn hạn là giải pháp quan trọng nhất", ông Đính bày tỏ.

Cùng với đó, theo ông, các giải pháp giải quyết vấn đề trái phiếu cũng sẽ giúp tạo niềm tin cho thị trường, cho doanh nghiệp và sẽ kéo lại một phần niềm tin của người mua nhà.

Ông Đính ví von, thị trường bất động sản cũng giống như cơ thể nên cần đưa thực phẩm phù hợp với sự tiếp nhận của cơ thể. Do đó doanh nghiệp cần cơ cấu lại sản phẩm, tìm được điểm cân bằng cung – cầu như Thủ tướng nói; cần hạ giá sản phẩm lập tức thị trường sẽ hấp thụ ngay.

Là một trong số doanh nghiệp bất động sản tham dự hội nghị, chia sẻ với PV. VietNamNet sau đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) đánh giá: Điều đầu tiên thị trường và các doanh nghiệp bất động sản thấy được là Chính phủ quan tâm xem xét tháo gỡ và cùng chung tay với các doanh nghiệp.

“Thị trường hay có tâm lý đám đông, vì thế tôi nghĩ tác động đầu tiên đến tâm lý, có sự tin tưởng nhất định, chuyển biến nhất định, không nghĩ bi đát, u ám quá", ông Hiệp nói.

Chia sẻ quan điểm về các giải pháp tháo gỡ được đưa ra tại hội nghị, ông Hiệp cho rằng, giải pháp về trái phiếu, xử lý công nợ, tín dụng là những điểm sẽ được xử lý sớm nhất. Còn về thủ tục pháp lý còn phải chờ thêm.

“Với rào cản pháp lý, những thứ vướng về luật mà luật không cho phép thì chưa thể gỡ ngay được. Phải xác định có giới hạn nhất định, cái gì gỡ được, còn những gì phải chờ luật, các doanh nghiệp cũng phải thấy rõ được điều này", ông Hiệp nhìn nhận.

Theo Nguyễn Lê (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-khap-khoi-truoc-tin-2-goi-tin-dung-khung-2111629.html