Kinh tế

Lãi suất tiết kiệm rục rịch giảm tiếp

Sau đợt hạ lãi suất vào giữa tháng 8, một số ngân hàng nay lại giảm thêm, có nơi trả lãi dưới 3% cho kỳ hạn 1 tháng.

Chỉ trong nửa tháng, Techcombank hai lần hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Tới đầu tháng 9, lãi suất tiết kiệm tại đây giảm từ 0,3 đến 0,6 điểm phần trăm so với nửa tháng trước.

Riêng với kỳ hạn một tháng và gửi tại quầy, Techcombank trả lãi 2,85-3,2% một năm, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với cách đây nửa tháng. Mức này cũng thấp hơn nhiều so với lãi suất trần 4,25% được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Còn nếu lĩnh lãi trước, khách hàng chỉ được nhận lãi suất 2,7%.

Tại nhà băng này, khách lớn tuổi gửi tại quầy hoặc khách gửi online sẽ có lợi hơn (được cộng thêm tới 0,9% so với gửi tại quầy).

Ngoài Techcombank, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, lãi suất tiết kiệm tại hai nhà băng khác là HDBank và MSB cũng vừa giảm thêm từ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm.

Lãi suất gửi tại quầy cho kỳ hạn một tháng tại HDBank và MSB giảm 0,1 điểm phần trăm xuống lần lượt là 3,8% và 4,15%. Với kỳ hạn một năm, lãi suất gửi tại quầy cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ tại hai nhà băng này xoay quanh 6,4-6,6%.

Lãi suất tiết kiệm rục rịch giảm tiếp
Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Giang Huy.

Còn tại các nhà băng có vốn nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần khác, biểu lãi suất vẫn đang được giữ nguyên so với giữa tháng 8. Với kỳ hạn một tháng, có khoảng chục nhà băng sẵn sàng trả lãi ngang với mức trần 4,25%. Còn với kỳ hạn một năm, lãi suất cao nhất hiện nay là 7,75% với điều kiện gửi online.

Trong bối cảnh doanh nghiệp thu hẹp hoạt động hoặc ngủ đông chờ qua dịch bệnh, ngân hàng đang rơi vào trạng thái có tiền nhưng không cho vay được. Riêng tại TP HCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng tính đến hết tháng 8 tăng 4,55% so với cuối năm 2019 trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ 3,68%.

Theo đánh giá của một lãnh đạo ngân hàng có vốn nhà nước, tuy lãi suất ngày càng thấp nhưng tiền gửi tiết kiệm chảy vào ngân hàng vẫn tăng hàng ngày. Vàng lên giá nhưng nhà đầu tư cũng không phân bổ nhiều tiền vào kênh này, trong khi đó thị trường chứng khoán biến động mạnh còn kênh bất động sản trầm lắng nên cá nhân và doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn đa phần vẫn để trong ngân hàng.

Theo Quỳnh Trang (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/lai-suat-tiet-kiem-ruc-rich-giam-tiep-4156337.html