Kinh tế >> Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội

Kinh tế Triều Tiên có thể bùng nổ nếu được nới lỏng cấm vận

Hội nghị Mỹ - Triều: 'Việt Nam là người chiến thắng lớn nhất'

Triều Tiên sẽ có cơ hội tăng xuất nhập khẩu, thu hút thêm hàng tỷ USD đầu tư mỗi năm, tăng tiêu dùng nội địa và cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng.

Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), năm 2017, GDP Triều Tiên giảm 3,5% so với năm trước đó. Đây là mức giảm mạnh nhất trong hai thập kỷ qua của quốc gia này. Thu nhập bình quân tại đây vào khoảng 1.300 USD một năm.

Ngành sản xuất và các ngành sử dụng nhiều than đá của Triều Tiên chịu ảnh hưởng đáng kể sau khi Liên hợp Quốc tăng tốc các lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng. 2017 cũng là năm Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, thực thi nghiêm khắc các lệnh trừng phạt lên nước này, khiến ngành sản xuất bị thiệt hại nặng.

Kinh tế Triều Tiên có thể bùng nổ nếu được nới lỏng cấm vận
Các tòa nhà chung cư tại đường Ryomyong (Bình Nhưỡng). Ảnh: AP

Sản lượng công nghiệp, vốn đóng góp khoảng một phần ba GDP Triều Tiên, giảm 8,5% năm ngoái. Nguyên nhân là sản xuất tại các nhà máy giảm mạnh vì lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ và các nhiên liệu khác sang nước này. Sản lượng ngành nông nghiệp và xây dựng cũng giảm lần lượt 1,3% và 4,4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên giảm 37,2% năm ngoái - mạnh nhất từ năm 1998, theo số liệu của Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (Kotra).          

"Các lệnh trừng phạt năm 2017 mạnh hơn so với 2016", Shin Seung-cheol - một lãnh đạo tại BOK lý giải, "Kim ngạch thương mại giảm đáng kể do Triều Tiên bị cấm xuất khẩu than đá, thép, thủy sản và hàng dệt may".

Dù vậy, tình hình có thể đảo ngược rất nhanh nếu Triều Tiên được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Vì chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, Triều Tiên hiện chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ các quốc gia và tổ chức quốc tế, như Liên hợp Quốc (UN), Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay Liên minh châu Âu (EU). Việc này khiến họ bị hạn chế xuất nhập khẩu hàng hóa, không nhận được đầu tư, cũng như bị cô lập khỏi các thị trường tài chính thế giới.

Tước thềm cuộc gặp thượng đỉnh tại Việt Nam, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã nhiều lần đề cập đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên. Gần đây nhất, ông viết trên Twitter hôm qua rằng: "Việt Nam nằm trong số ít các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh trên thế giới. Triều Tiên cũng sẽ như vậy, rất nhanh chóng, nếu phi hạt nhân hóa. Tiềm năng của họ là rất lớn. Đây là cơ hội tuyệt vời".

Nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng, trước mắt, quan hệ kinh tế liên Triều sẽ được tăng tốc đáng kể. Các dự án kết nối đường sắt và đường bộ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ được thực hiện. Lee Hae-jung - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hyundai cho biết: "Đường sắt và đường bộ rất quan trọng trong phát triển kinh tế. Vì thế, giúp Triều Tiên hiện đại hóa hệ thống giao thông cũng có thể giúp thúc đẩy kinh tế nước này".

Đường sắt của Triều Tiên chưa có nhiều cải tiến sau khi được xây lại sau Chiến tranh Triều Tiên thập niên 50. Họ có 5 tuyến đường sắt nối sang Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Hai tuyến sôi động nhất và hiện đại nhất là với Trung Quốc. Bên cạnh đó, nếu có thỏa thuận đường sắt, các hãng xây dựng và sản xuất toa tàu Hàn Quốc cũng sẽ được hưởng lợi.

Kinh tế Triều Tiên có thể bùng nổ nếu được nới lỏng cấm vận - 1
Lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un đến thăm một trang trại

Cơ sở hạ tầng được cải thiện cũng sẽ giúp Triều Tiên tháo bỏ các rào cản để kiếm tiền từ tài nguyên khoáng sản. Theo ước tính của Viện Tài nguyên Hàn Quốc, quy mô ngành công nghiệp này của Triều Tiên có thể lên tới 6.000 tỷ USD. Triều Tiên được cho là có dự trữ đất hiếm hàng đầu thế giới. Đây là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất động cơ xe điện và nhiều thiết bị hiện đại.

Ngoài tài nguyên khoáng sản, Triều Tiên cũng có thể xuất khẩu trở lại thủy hải sản và hàng dệt may. Số dầu thô họ được UN cho phép nhập khẩu cũng sẽ không bị giới hạn tại 4 triệu thùng mỗi năm. Từ nhiều năm nay, chính phủ Mỹ vẫn cấm các nhà băng nước này giao dịch trực tiếp hoặc gián tiếp với Triều Tiên. Tình hình này có thể được cải thiện.

Bên cạnh đó, khu công nghiệp chung liên Triều - Kaesong và khu nghỉ dưỡng trên núi Geumgang cũng có khả năng được mở lại. Kaesong từng có hơn 120 công ty Hàn Quốc hoạt động trước khi bị đóng của năm 2016 vì căng thẳng leo thang. Các cơ sở này sẽ cung cấp lượng ngoại tệ cần thiết cho Triều Tiên.

Nhiều công ty Hàn Quốc đã hoàn tất việc nghiên cứu và sẵn sàng nhảy vào một khi lệnh trừng phạt được nới lỏng, Kim Young Hui - nhà kinh tế học tại Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc cho biết. "Hy vọng đang được nhen nhóm rồi. Giờ họ chỉ yên lặng chờ đợi và quan sát thôi", ông nói.

Morgan Stanley thì ước tính nếu Triều Tiên mở cửa nền kinh tế, họ có thể thu hút 9 tỷ USD đầu tư mỗi năm. Tiêu dùng cũng sẽ tăng thêm 2 tỷ USD hàng năm. "Lực lượng lao động 18 triệu người của Triều Tiên sẽ gia nhập chuỗi cung ứng của châu Á, với lương theo giờ thấp hơn Việt Nam", nhà băng này cho biết trong báo cáo, "Triều Tiên mở cửa nền kinh tế cũng sẽ giúp bán đảo Triều Tiên cải thiện kết nối về thương mại tới châu Âu, nếu đường sắt liên Triều chạy tới Nga và Trung Quốc".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un cũng luôn ý thức được tầm quan trọng của kinh tế. Trong bài phát biểu lần đầu năm 2012, ông khẳng định sẽ không để người dân nước này phải "thắt lưng buộc bụng" một lần nữa. Lãnh đạo Triều Tiên đã thực hiện hàng loạt chính sách kích thích sản xuất trong nước và nới lỏng kiểm soát việc kinh doanh.

Năm 2013, ông tuyên bố theo đuổi chính sách byungjin - phát triển đồng thời cả kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, đến năm 2018, Kim Jong-un cho biết mục tiêu này đã hoàn thành và chiến lược mới của họ là tập trung toàn bộ nỗ lực xây dựng kinh tế.

Kể từ khi tuyên bố ngừng thử tên lửa và hạt nhân năm ngoái, ông cũng rất nỗ lực thuyết phục quốc tế gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang kìm hãm kinh tế Triều Tiên. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng việc này sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào quá trình phi hạt nhân hóa tại đây.

Theo Hà Thu (VnExpress.net)