Kinh tế

'Kinh doanh' tâm linh: Khu chùa nghìn ha 'dậy sóng' dư luận

Khác với các khu đền chùa, di tích truyền thống, những quần thể khu du lịch tâm linh có quy mô lớn, gây ấn tượng mạnh với du khách được thiết kế công phu, bề thế. Thế nhưng, điều khiến dư luận xôn xao là doanh nghiệp được giao diện tích lớn, trong khi đó diện tích xây dựng chùa chỉ chiếm phần nhỏ…

Những năm gần đây, một khái niệm mới trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng ra đời, đó là "du lịch tâm linh". Đây là loại hình vừa đáp ứng nhu cầu thờ tự, tín ngưỡng lại vừa giúp mọi người có cơ hội đi thưởng ngoạn, ngắm cảnh.

Đáng chú ý, cái tên Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (có trụ sở ở Ninh Bình) của tỷ phú Xuân Trường đang là tâm điểm du luận sau hàng loạt dự án tâm linh có số vốn đầu tư "khủng" dao động từ 10.000 - 15.000 tỷ đồng, với diện tích đất mỗi dự án hàng nghìn ha. Dư luận xã hội đặc biệt quan tâm ở cả khía cạnh kinh tế và văn hóa, tâm linh khi phát triển dự án tâm linh này.

Đầu tiên phải kể đến dự án quần thể tâm linh chùa Bái Đính tại Ninh Bình. Quần thể chùa này có diện tích 1.700ha bao gồm khu chùa Bái Đính cổ, khu chùa Bái Đính mới và các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh...

'Kinh doanh' tâm linh: Khu chùa nghìn ha 'dậy sóng' dư luận
Tổng quan chùa Bái Đính sau khi được đầu tư. (Ảnh: I.T)

Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía tây cố đô Hoa Lư. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, kiến trúc chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông, Tượng phật Di Lặc và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp, Tam quan ngoại, Tam quan nội... được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau.

'Kinh doanh' tâm linh: Khu chùa nghìn ha 'dậy sóng' dư luận - 1
Chùa Bái Đính đang là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam. 
'Kinh doanh' tâm linh: Khu chùa nghìn ha 'dậy sóng' dư luận - 2
Hàng năm có tới hàng triệu lượt khách tới tham quan chùa Bái Đính. (Ảnh: P.V) 

Hiện tại, chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á...

Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam và được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014.

Sau khi tạo được tiếng vang lớn từ dự án chùa Bái Đính, doanh nghiệp Xuân Trường "bắt tay" xin đầu tư, kinh doanh những dự án tâm linh khác với quy mô càng ngày càng "khủng". Trong đó, xôn xao dư luận gần đây là dự án chùa Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam). Theo giới thiệu của doanh nghiệp Xuân Trường, khu dự án tâm linh này có tổng diện tích lên tới 5.100ha (bằng kích thước gần 300 sân vận động quốc gia Mỹ Đình cộng lại).

Dự án có mức đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng. Mục tiêu là xây dựng ngôi chùa lớn nhất thế giới bên trong một khu du lịch rộng 5.100 ha. Ngôi chùa này còn được tạc 1.200 bức tượng bằng dung nham núi lửa và sở hữu nhiều báu vật trên thế giới. 

'Kinh doanh' tâm linh: Khu chùa nghìn ha 'dậy sóng' dư luận - 3
Dự án chùa Tam Chúc – Ba Sao  tại Hà Nam. (Ảnh: Nguyễn Chương)
'Kinh doanh' tâm linh: Khu chùa nghìn ha 'dậy sóng' dư luận - 4
Sau khi hoàn thiện, chùa Tam Chúc sẽ trở thành chùa lớn nhất thế giới. (Ảnh: Nguyễn Chương)

Theo quy hoạch, khu du lịch quốc gia Tam Chúc sẽ có diện tích vùng lõi là 4.000 ha. Khu du lịch sẽ phát triển 6 khu chức năng gồm khu trung tâm đón tiếp, khu văn hóa tâm linh Tam Chúc, khu bảo tồn tự nhiên Quèn Vồng và hồ Tam Chúc, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang và trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch tại Thị trấn Ba Sao.

Trong đó, khu văn hóa tâm linh Tam Chúc (chân núi Thất Tinh và Thung Vạc): Tham quan, hành hương, thực hành tín ngưỡng và chiêm bái các công trình tôn giáo; tham quan Bảo tàng văn hóa truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc; tìm hiểu về đạo Phật; tổ chức sự kiện văn hóa văn nghệ, tổ chức các khóa học về Phật học ngắn hạn. 

'Kinh doanh' tâm linh: Khu chùa nghìn ha 'dậy sóng' dư luận - 5
Hiện dự án chùa Tam Chúc đang trong quá trình xây dựng. (Ảnh: N.Chương)
'Kinh doanh' tâm linh: Khu chùa nghìn ha 'dậy sóng' dư luận - 6
Thế nhưng, doanh nghiệp đã mở cửa đón hàng nghìn du khách đến đây tham quan. (Ảnh: Nguyễn Chương)

Khu bảo tồn tự nhiên Quền Vồng và hồ Tam Chúc (phía Tây giáp Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh lộ 74 đi chùa Hương và phía Nam là dãy núi Thất Tinh): Tham quan nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên và động thực vật đặc hữu; tham quan hồ Tam Chúc, các công trình tôn giáo; tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, tham dự các lễ hội, các hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe.

Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc (phía Tây Nam của hồ Tam Chúc): Nghỉ dưỡng cuối tuần, điều dưỡng dài ngày phục hồi thể lực, tham gia các liệu trình chăm sóc sức khỏe đặc biệt, tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán của cư dân địa phương, nghỉ dưỡng và sinh hoạt cộng đồng (homestay). 

'Kinh doanh' tâm linh: Khu chùa nghìn ha 'dậy sóng' dư luận - 7
Diện tích đất thực hiện dự án khu du lịch tâm linh này đa phần được sử dụng cho việc xây dựng các khu dịch vụ. (ảnh N. Chương) 

Khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang: Tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia và khu vực; tổ chức hội nghị hội thảo; nghỉ dưỡng, chơi golf, tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời.

Trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch (tại Thị trấn Ba Sao): Cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng quy mô nhỏ xen kẽ trong khu dân cư và các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp.

Chuỗi dự án tâm linh của Xuân Trường còn nối dài tới các tỉnh khác. Trong đó, tại Hải Phòng doanh nghiệp này đang đầu tư 9.800 tỷ đồng làm khu du lịch tâm linh tại đảo Cái Tráp với diện tích 450 ha, trong đó khu tâm linh rộng 88,7 ha. Xuân Trường dự kiến tượng Phật cao 150 m.

Số đất dành cho khu dịch vụ là 108 ha, trong đó dự kiến xây dựng cả khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ, casino…

'Kinh doanh' tâm linh: Khu chùa nghìn ha 'dậy sóng' dư luận - 8
Phối cảnh khu du lịch tâm linh tại Đảo Tráp. 

Còn tại Thái Nguyên, xây dựng bảo tháp lớn nhất thế giới cũng được doanh nghiệp này tuyên bố khi đầu tư vào dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc rộng 18.940 ha (gồm diện tích hồ là 2.500ha) với số tiền 15.000 tỉ đồng.

Xuân Trường dự định xây dựng xây tháp Phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, có thể chứa được từ 5.000-10.000 người cùng lúc.

'Kinh doanh' tâm linh: Khu chùa nghìn ha 'dậy sóng' dư luận - 9
Khu vực xây dựng dự án tâm linh 15.000 tỉ của Doanh nghiệp Xuân Trường đang bị dừng thực hiện. 

Phần thô sẽ được làm xong trong 5 năm để đón khách vãng cảnh, bái phật và sẽ hoàn thành chùa Tháp trong vòng 10 năm (2016-2026)… Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, dự án bị dừng lại. Khi đó, gần 2.000 tỷ đồng đã được chi cho công tác giải phóng mặt bằng.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tại nhiều công trình mang kiến trúc Phật giáo của Doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng và đề xuất luôn xuất hiện những hạng mục to lớn gắn với tầm quốc gia, quốc tế. Nhưng các khu du lịch Doanh nghiệp Xuân Trường triển khai đều là những nơi có di sản quốc gia, vì vậy việc quản lý hết sức cẩn thận.

Các thủ tục đầu tư phải đảm bảo đầy đủ quy định, công khai, minh bạch, có sự tham vấn ý kiến ý kiến từ trung ương đến địa phương tránh tình trạng để một địa phương tự quyết định. Đặc biệt phải có sự kiểm soát chặt chẽ không để tình trạng doanh nghiệp dựa vào di sản để "móc túi" người dân.

Theo Thành Thái  - Hồng Nhân (Dân Việt)