Kinh tế

Kinh doanh hoa quả Trung Quốc "èo uột" dịp Tết

Tình trạng hoa quả Trung Quốc ế ẩm đã diễn ra khá lâu, chứ không riêng dịp Tết nguyên đán năm nay nên các lái buôn ở chợ Long Biên cũng đang giảm đáng kể lượng hoa quả Trung Quốc nhập về.

Tình trạng hoa quả Trung Quốc ế ẩm đã diễn ra khá lâu, chứ không riêng dịp Tết nguyên đán năm nay nên các lái buôn ở chợ Long Biên cũng đang giảm đáng kể lượng hoa quả Trung Quốc nhập về.

Hoa quả Trung Quốc về chợ giảm mạnh

Tại thời điểm này ở chợ Đền Lừ, mọi hoạt động mua bán đều rất sôi nổi, nhưng nhu cầu của người dân chủ yếu là cam, quýt, bưởi, dưa hấu, táo Mỹ, New ZeaLand. Chỉ có vài sạp bán hàng táo, lê hay nho Trung Quốc nhưng sức mua của người dân khá èo uột. Giá táo Trung Quốc đã nhích lên được 30.000 đồng/kg nhưng tình cảnh thì cũng tương tự chợ Long Biên vào thời điểm rằm tháng Chạp.

Dù vị trí ở ngay cổng chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ) nhưng hoa quả Trung Quốc vẫn khá ế ẩm
Dù vị trí ở ngay cổng chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ) nhưng hoa quả Trung Quốc vẫn khá ế ẩm

Chị Loan làm việc tại Ban quản lý (BQL) chợ Long Biên cho biết, “hiện nay mặt hàng Trung Quốc về chợ giảm đi rất nhiều vì nhu cầu của dân mình với hàng Trung Quốc đã không còn lớn. Hàng này về các tỉnh lẻ còn tiêu thụ được chứ ở Hà Nội thì rất ít người quan tâm.”

Hoa quả Trung Quốc nhập về đã ít, bán lại càng khó hơn. Vào thời điểm rằm tháng Chạp, bà Minh có một sạp bán táo, lê cho biết, hàng Trung Quốc bán quá chậm, dù táo nhập vào 20 đến 22 ngàn đồng/kg, bán ra chỉ có 25 ngàn đồng/kg nhưng cả ngày hôm nay cũng chỉ bán được 3 kg táo. Còn lê bán giá 15.000 đồng/kg chỉ lãi có 2.000 đồng/kg cũng chẳng bán được quả nào.

Táo, lê Trung Quốc ế ẩm
Táo, lê Trung Quốc ế ẩm

Theo bà Minh, nguồn hàng nhập về chủ yếu ở Lạng Sơn và Lào Cai, trên Lạng Sơn có một đầu mối nhập khẩu hoa quả lớn, các loại hoa quả từ Trung Quốc sẽ tập trung về kho ở đây. Các chủ hàng ở dưới xuôi chỉ cần đánh xe lên chở về mà không cần phải sang Trung Quốc. Ngoài ra, cũng có chủ hàng lớn họ mua tại vườn bên Trung Quốc trở về và sẽ phải có giấy tờ kèm theo.

Theo thống kê của Ban quản lý chợ Long Biên, trong 2 tháng cuối năm tuy lượng hoa quả từ Trung Quốc nhập về có nhích hơn một chút nhưng cũng là mức thấp nhất trong mấy năm gần đây. Cụ thể, trung bình táo đỏ và táo xanh về chợ 7 tấn/ngày với giá nhập từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, sau đó đến lê, lựu và quýt xốp đều có giá 25.000 đồng/kg, về chợ khoảng 2 - 3 tấn/ngày. Lượng hàng về ít nhất, chỉ 1 tấn/ngày là nho đỏ và hồng với giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg với nho và 30.000 đồng/kg với hồng.

Hồng Trung Quốc to và đẹp mã nhưng khó bán
Hồng Trung Quốc to và đẹp mã nhưng khó bán

Hiện nay, do chợ Long Biên không còn là chợ đầu mối mà chỉ là chợ dân sinh nên các xe tải 5 tấn cũng không vào được chợ mà phải sang chợ Đền Lừ hoặc ra bãi Tuấn Dậu ở gầm cầu Long Biên. Điều này cũng làm cho lượng hàng về chợ mỗi ngày giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 49 – 50 tấn hoa quả/ngày. Trong đó, hoa quả Trung Quốc là khoảng 16,5 – 17 tấn chiếm 33,7% tổng lượng hoa quả về chợ trong ngày, giảm gần 10%.

Hoa quả từ Úc, New Zealand tăng mạnh

Lý giải cho việc hoa quả Trung Quốc càng ngày càng khó tiêu thụ ở Việt Nam, yếu tố đầu tiên vẫn là lòng tin với các sản phẩm Trung Quốc. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT Việt Nam) từng gửi công văn cho Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu - Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc, cảnh báo về 17 lô hàng thực phẩm có nguồn gốc từ nước này xuất sang Việt Nam bị phát hiện có dư lượng hóa chất bảo vệ thực phẩm vượt ngưỡng.

Danh sách các loại quả trong 17 lô hàng trên gồm: táo, cam tươi, chanh tươi, nho, quýt, hồng,... với các hóa chất vượt ngưỡng gồm Carbendazim (dùng để diệt nấm), Difenoconazol, Thiophanate, Propargite (dùng để diệt nhện) và Methomyl, chất độc gây suy gan, suy thận,...

Thứ 2 là do năm nay thời tiết ít mưa, trời không rét nên khá thuận cho việc trồng trọt. Hoa quả Việt lên ngôi, hầu hết các loại hoa quả đều được mùa nên người dân có thể tha hồ lựa chọn hoa quả Việt với giá rất rẻ và bổ dưỡng.

Bên cạnh đó. các kiến thức để nhận biết hoa quả Việt và hoa quả Trung Quốc cũng khá phổ biến trên mạng nên những người bán hàng cũng khó có thể lừa dối người mua về nguồn gốc, xuất xứ.

Cuối cùng cũng phải kể đến yếu tố người Hà Nội đang chuộng hàng “xịn” hơn. Hoa quả Trung Quốc chủ yếu được chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh, vùng sâu, vùng xa. Chị Loan cho biết, “loại táo đỏ, táo xanh, lê Trung Quốc ở chợ rất khó bán mà chủ yếu phải chuyển đi các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên,...nơi có nhiều khu công nghiệp thì mới tiêu thụ được. Do giá rẻ nên các nhà máy thường mua về cho công nhân ăn tráng miệng hoặc để làm kim chi.”

Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam đạt 351 triệu USD, tăng tới 40% so với cùng kỳ 2 năm trước đó. So với cùng kỳ 2013, con số này cũng tăng trưởng gấp đôi.

Đặc biệt, con số nhập khẩu rau quả từ một số thị trường tăng mạnh như Australia tăng 4 lần đạt gần 20 triệu USD, New Zealand tăng xấp xỉ 2 lần đạt 11,3 triệu USD. Tính riêng tháng 6, giá trị nhập khẩu rau quả từ 2 thị trường này tăng gấp 3 lần.

Theo Thế Hưng (Dân Trí)