Kinh tế

Khối ngoại rót 2,8 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp năm 2018 vào Việt Nam

Mức rót ròng vốn đầu tư gián tiếp của khối ngoại vào thị trường Việt Nam năm nay tương đương kỷ lục 2,9 tỷ USD năm 2017, trong khi nhiều nước Đông Nam Á đã có biểu hiện rút vốn.

Giá trị giao dịch mua ròng kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam của khối ngoại năm qua được ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Cụ thể, ông Sơn cho biết nhà đầu tư nước ngoài đã rót ròng tới 2,8 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua. Trong khi nhiều thị trường khác tại Đông Nam Á chứng kiến sự rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài này. Tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 32,8 tỷ USD

Đây là giá trị mua ròng lớn nhất của khối ngoại trong lịch sử hơn 20 năm vận hành của thị trường chứng khoán Việt. Nếu so với mức mua ròng năm 2017 (28.000 tỷ đồng), giá trị giao dịch mua ròng năm này tăng tới hơn 2 lần.

Theo vị lãnh đạo UBCKNN, năm qua kinh tế thế giới tăng trưởng ở mức cao trong diễn biến rất phức tạp. Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) 4 lần tăng lãi suất và những tranh chấp thương mại của các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán toàn cầu.

Khối ngoại rót 2,8 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp năm 2018 vào Việt Nam
Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính năm 2018. Ảnh: H.Thọ

Theo đó, xu hướng giảm sâu diễn ra tại hầu hết thị trường chứng khoán năm qua. Trong bối cảnh đó, thị trường Việt Nam cũng nằm trong xu hướng giảm, với những biến động tương đối mạnh, có sự trồi sụt.

“Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, cả quy mô và thanh khoản của thị trường đã tăng trưởng mạnh”, ông Sơn cho hay.

Theo đó, quy mô vốn hóa của thị trường đến cuối năm 2018 đã đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với 2017 và tương đương 71,6% GDP năm 2018. Con số này thậm chí đã vượt chỉ tiêu 70% GDP dự kiến đến năm 2020.

Ông Sơn cho biết thêm bình quân giá trị giao dịch mỗi phiên năm vừa qua ước đạt 6.500 tỷ đồng, tăng tới 29% so với năm trước đó. Và trên thị trường trái phiếu, giá trị niêm yết cũng đạt 1,122 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% cùng kỳ và tương đương 20,3% GDP năm 2018. Giao dịch trái phiếu về cơ bản vẫn giữ được mức sôi động với giá trị giao dịch đạt 8.834 tỷ đồng/phiên.

Thị trường chứng khoán phái sinh tuy mới vận hành trong 1 năm nhưng thanh khoản đã vượt 7 lần so với năm 2017. Lượng hợp đồng giao dịch tính đến cuối năm cũng đạt 21.653 hợp đồng, tăng 2,7 lần so với năm trước.

Khối ngoại rót 2,8 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp năm 2018 vào Việt Nam - 1

Không chỉ quy mô thị trường được mở rộng, số liệu được ông Sơn công bố cũng cho thấy sự tăng trưởng rất mạnh về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán năm qua.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết đã tăng 20,5%, và lợi nhuận tăng 24,9% so với cùng kỳ. Đặc biệt, các công ty, tổ chức kinh doanh chứng khoán có lợi nhuận sau thuế tăng bình quân tới 40%.

“Điều này cho thấy chứng khoán tiếp tục khẳng định là một kênh huy động vốn hữu hiệu của nền kinh tế”, ông Sơn nhấn mạnh.

Về trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, vị này cho biết giá trị giao dịch đã đạt 192.000 tỷ đồng với kỳ hạn phát hành đạt bình quân tới trên 12,55 năm, dài nhất từ trước đến nay, đáp ứng nhu cầu đầu tư công và cơ cấu nợ công của Chính phủ. Ngoài ra, kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu năm qua cũng mang về cho các doanh nghiệp cổ phần hóa trên 86.800 tỷ, tăng 71%.

Tất cả yếu tố này giúp thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn năm 2018.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)