Kinh tế

Khó tin: Uống hơn 300 triệu lít rượu quê, hơn 1 tỷ USD tan trên bàn nhậu

Bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp Trung ương tới địa phương, việc quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu thủ công vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi, dẫn tới nhiều thiệt hại.

Hơn 1 tỷ USD tiền mua cồn

Một chương trình khảo sát về sản xuất rượu thủ công tại tỉnh Ninh Bình, từ 11/2020 tới 5/2021, cho thấy, tại tỉnh này có khoảng 4.500 hộ sản xuất rượu thủ công, nhưng chỉ có 14 hộ được cấp phép. Trong đó, hơn 450 hộ sản xuất từ 1.000 lít /năm trở lên, còn gần 4.000 hộ sản xuất dưới 1.000 lít/năm. Điều đáng nói, các hộ sản xuất rượu thủ công (453 hộ) có sản lượng hàng năm từ 1.000 lít trở lên, lại kê khai “không nhằm mục đích kinh doanh”.

Trên thực tế đây là con số rất lớn, vượt quá khả năng tiêu dùng trong gia đình. Có 74,8% số hộ sản xuất rượu thủ công chưa kê khai. Có 85,2% số hộ không nắm được quy định cần phải kê khai với chính quyền.

Nhận thức rất hạn chế của chính những người sản xuất rượu thủ công, trong khi các quy định của pháp luật về quản lý rượu chưa đi vào thực tế và việc quản lý của các cơ quan chức năng còn khá lỏng lẻo.

Khó tin: Uống hơn 300 triệu lít rượu quê, hơn 1 tỷ USD tan trên bàn nhậu
Thất thu thuế 17.000 tỷ đồng mỗi năm từ rượu thủ công

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) năm 2020, tại Việt Nam, lượng cồn nguyên chất tiêu thụ trong năm 2016 của khu vực phi chính thức ước đạt trên 385,4 triệu lít, chiếm 63% tổng lượng tiêu thụ toàn thị trường.

Trong đó, sản lượng rượu thủ công chiếm 70-90%, ước tính 308 triệu lít cồn nguyên chất, với giá trị tiêu thụ là 1.156 triệu USD. Tổn thất về thuế đối với khu vực này khoảng 751 triệu USD (tương đương 17 ngàn tỷ đồng). Bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, việc quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu thủ công vẫn là nhiệm vụ bất khả thi, dẫn tới nhiều thiệt hại.

Theo ông Ngô Minh Kim, PGĐ Sở Công Thương Ninh Bình, quản lý rượu thủ công rất khó khăn. Tại các tỉnh, rượu là lĩnh vực thuộc quản lý của Sở Công Thương, với cấp huyện lại thuộc về Phòng Kinh tế và Hạ tầng. Phòng này phải phục vụ cho 5 Sở của tỉnh, quản lý rượu chỉ là lĩnh vực rất nhỏ. Với cấp xã, mỗi xã có một cán bộ phụ trách về kinh tế - văn hóa kiêm nhiều nhiệm vụ, trong đó có sản xuất kinh doanh rượu.

Các thống kê theo trình tự từ xã gửi lên huyện, huyện tổng hợp gửi lên các Sở. Con số nhiều khi không chính xác. Chẳng hạn, theo số liệu của các Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện ở Ninh Bình gửi về, Sở Công Thương thống kê chỉ có 2.800 cơ sở sản xuất rượu thủ công trên toàn tỉnh, nhưng thực tế có tới 4.500 cơ sở.

Với số hộ sản xuất rượu như hiện tại, tỉnh Ninh Bình muốn kiểm tra hết một năm/lần thì bình quân mỗi ngày phải kiểm tra trên 10 cơ sở. Nguồn nhân lực lấy đâu ra, chưa kể thiếu những quy định cụ thể. Chẳng hạn, với rượu nấu thủ công dùng trong gia đình, không để bán, vẫn không có quy định nào để quản lý, nên rất bất cập.

Nhiệm vụ bất khả thi?

Cục Công nghiệp cũng chỉ ra nguyên nhân khiến việc quản lý rượu thủ công trên cả nước lâu nay vẫn bất khả thi: Lực lượng cán bộ xã mỏng, không có chuyên môn và chuyên trách; Lực lượng Quản lý thị trường tại nhiều địa phương còn thiếu, địa bàn rộng, đối tượng quản lý quy mô nhỏ và phân tán; Chưa có sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội; Ý thức người dân chưa cao, hiểu biết hạn chế.

Việc cấp phép sản xuất rượu thủ công để kinh doanh và quản lý hoạt động sản xuất rượu thủ công bán cho các cơ sở có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp lại không phù hợp với thực tế tại địa phương, do vậy rất khó triển khai thực hiện.

Các hộ kinh doanh vẫn còn tâm lý e ngại trong việc báo cáo, kê khai kết quả kinh doanh.

Khó tin: Uống hơn 300 triệu lít rượu quê, hơn 1 tỷ USD tan trên bàn nhậu - 1
Rất ít người hiểu đúng về những rủi ro cao cho sức khỏe khi sử dụng đồ uống có cồn.

Trong khi đó, Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam cho biết, hệ thống chính sách còn nhiều bất cập, việc thực thi chưa thực sự hiệu quả. Chính sách về quản lý, cấp phép sản xuất rượu thủ công còn phức tạp, phí và lệ phí cấp phép còn cao, chưa thuận lợi, chưa phù hợp để khuyến khích người dân, đặc biệt là các hộ sản xuất nhỏ, tự nguyện đăng ký hợp pháp.

Ngoài ra, việc phân công quản lý rượu thủ công cũng thiếu chặt chẽ, đồng bộ, chẳng hạn như rượu trắng do ngành Công Thương quản lý, còn rượu ngâm do ngành Y tế quản lý, nhưng ngành Y tế lại chỉ quản lý khía cạnh an toàn thực phẩm; trong khi đó, có những sản phẩm chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý, như rượu ngâm bán tại nhà hàng.

Hiện thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu trên 20 độ là 65%, chiếm tới 2/3 giá trị 1 lít rượu bán ra. Như vậy, không đăng ký sẽ có giá bán thấp hơn do không phải chịu thuế.

Để tăng cường quản lý rượu thủ công, theo Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát, các địa phương cần đẩy mạnh kiểm tra, hậu kiểm việc sản xuất rượu thủ công, xử lý những cơ sở lớn nhưng lại đăng ký không nhằm mục đích kinh doanh, hoặc không có giấy phép sản xuất.

Với Bộ Công Thương, cần sớm xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về rượu nói chung và rượu thủ công nói riêng. Đơn giản hóa thủ tục hành chính để việc cấp giấy phép sản xuất và kinh doanh rượu thuận lợi. Rà soát lại các quy định pháp luật về quản lý rượu thủ công để hạn chế những lỗ hổng pháp lý. 

Với Bộ Tài chính, không tiếp tục tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên cao với rượu nhằm giảm gánh nặng cho các đơn vị sản xuất. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công có vi phạm pháp luật về thuế hay trốn thuế.

Theo Trần Thủy (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/kho-tin-uong-hon-300-trieu-lit-ruou-que-hon-1-ty-usd-tan-tren-ban-nhau-809002.html