Kinh tế

Khách hàng mất 38 triệu đồng trong tài khoản đã được ngân hàng tạm ứng

Chủ tài khoản bị trừ sạch tiền sau khi làm theo hướng dẫn từ hệ thống tin nhắn của ngân hàng đã được tạm ứng 38 triệu đồng.

Chiều tối 28-1, chị N.Q (ngụ quận 7, TP HCM) cho hay đã được Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi tạm ứng hơn 38 triệu đồng. 

Chị N.Q là người đã bị trừ sạch hơn 38 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng sau khi làm theo "hướng dẫn từ hệ thống tin nhắn của Sacombank".

Được biết, tại biên bản làm việc giữa ngân hàng và khách hàng, Sacombank khẳng định không gửi các tin nhắn có nội dung như SMS Banking chị Q. nhận được. Các đối tác thực hiện việc gửi tin nhắn của Sacombank cũng có văn bản xác nhận không thực hiện việc gửi tin nhắn như phản ánh.

Khách hàng mất 38 triệu đồng trong tài khoản đã được ngân hàng tạm ứng
Tài khoản của khách hàng bị trừ sạch hơn 38 triệu đồng

Liên quan vụ việc, Sacombank đã trình báo đến Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an để kiến nghị điều tra, làm rõ.

Trong thời gian chờ cơ quan chức năng xác định nguyên nhân và hướng xử lý, Sacombank đã chi tạm ứng cho khách hàng số tiền tổn thất theo đơn khiếu nại là hơn 38 triệu đồng.

Về phía khách hàng, chị Q., cũng cam kết sẽ hoàn trả lại số tiền trên cho Sacombank sau khi thu hồi được số tiền tổn thất từ sự việc này.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, chị Q., nhận được tin nhắn từ hệ thống SMS Banking của Sacombank với nội dung "phát hiện tài khoản của bạn đăng nhập khác vùng bất thường, vui lòng đăng nhập http://i-sacombank.com để xác nhận thông tin và thay đổi mật khẩu".

Do tin nhắn SMS được gửi từ hệ thống tin nhắn của Sacombank nên chị không nghi ngờ, truy cập vào đường link trong tin nhắn để đăng nhập tài khoản và mật khẩu của mình. Sau khi nhập tài khoản và mật khẩu, giao diện website tiếp tục hiển thị ô cần nhập mã OTP xác thực giao dịch… Lập tức, tài khoản của chị Q. bị trừ sạch hơn 38 triệu đồng. Chị đã làm đơn khiếu nại gửi ngân hàng về vụ việc.

Sacombank khuyến cáo để tránh mất tiền oan, khách hàng tuyệt đối không bấm vào bất cứ đường link lạ; không cung cấp các thông tin bảo mật như mật khẩu, OTP, mã PIN thẻ... cho bất cứ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Thủ đoạn của kẻ gian nhằm đánh cắp thông tin tài khoản, đánh cắp tiền của khách hàng ngày càng tinh vi. Trong đó, các đường link website của ngân hàng có thể bị làm giả gần giống địa chỉ thực tế…

Theo Thái Phương (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/kinh-te/khach-hang-mat-38-trieu-dong-trong-tai-khoan-da-duoc-ngan-hang-tam-ung-20210128213542206.htm