Kinh tế

Khả năng biến động lãi suất ngân hàng trong 2 tháng cuối năm

Do nhu cầu vốn tăng cao, lãi suất trái phiếu Chính phủ và lãi suất ngân hàng được dự báo chịu áp lực tăng nhất định, đặc biệt vào thời điểm cuối năm.

Do nhu cầu vốn tăng cao, lãi suất trái phiếu Chính phủ và lãi suất ngân hàng được dự báo chịu áp lực tăng nhất định, đặc biệt vào thời điểm cuối năm.

Khả năng biến động lãi suất ngân hàng trong 2 tháng cuối năm
Do nhu cầu vốn tăng lên, lãi suất ngân hàng được dự báo sẽ có các đợt tăng trong 2 tháng cuối năm. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), chỉ riêng trong 3 tháng 7-9.2021, có hơn 107 nghìn tỉ đồng trái phiếu Chính phủ được huy động, trong đó Kho bạc Nhà nước huy động hơn 96 nghìn tỉ đồng trái phiếu.

Nối tiếp xu hướng của nửa đầu năm, lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ trong quý vừa qua chủ yếu giảm nhưng bắt đầu xuất hiện xu hướng tăng nhẹ trong những phiên đấu thầu cuối quý.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS) nhìn nhận, đối với xu hướng biến động lợi suất trong phần còn lại của năm 2021, VCBS đánh giá xu hướng giảm sẽ chững lại và các nhịp tăng nhẹ có thể sẽ xuất hiện vào cuối năm.

Theo VCBS, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách nhất quán và một cách thận trọng, trạng thái ổn định trên thị trường cũng như mặt bằng lãi suất trái phiếu có thể sẽ không biến động nhiều vào nửa đầu quý 4.

“Tuy nhiên về cuối quý, đặc biệt là vào cuối tháng 11 và tháng 12, các hiệu ứng mùa vụ có thể tạo ra những áp lực tăng lên lợi suất trái phiếu trong ngắn hạn. Đồng thời, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng sẽ là yếu tố quyết định ảnh hưởng lên lợi suất trái phiếu, đặc biệt là lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn” – VCBS dự báo.

Trong khi đó với mặt bằng lãi suất vay mượn vốn trên thị trường liên ngân hàng, tình hình thanh khoản dồi dào hơn đang hỗ trợ xu hướng giảm của lãi suất liên ngân hàng. Theo đó lãi suất các kỳ hạn trên thị trường này đang được giao dịch lần lượt từ 0,629% đến 1,461%.

Song VCBS cho rằng không loại trừ khả năng lãi suất liên ngân hàng có thể chịu áp lực tăng nhất định, đặc biệt vào thời điểm cuối năm do hàng loạt yếu tố mùa vụ.

Cụ thể các tháng cuối năm thường là thời điểm ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn kéo theo việc chuẩn bị thanh khoản đáp ứng các nhu cầu cuối năm của khách hàng đòi hỏi sự chuẩn bị nguồn lực nhất định.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang tiếp tục cho thấy sự quyết liệt trong giải ngân đầu tư công tạo nên kỳ vọng lượng tiền gửi được Kho bạc gửi tại hệ thống ngân hàng sẽ không còn dồi dào.

“Như vậy, trong quý 4 chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn duy trì xung quanh mặt bằng như hiện tại và chỉ ghi nhận một số áp lực tăng ngắn hạn vào cuối năm” – VCBS nhận định.

Đối với mặt bằng lãi suất huy động và tiết kiệm trên thị trường dân cư, một số ngân hàng vẫn đưa ra các dự báo về khả năng lãi suất sẽ có chiều hướng tăng lên trong các tháng cuối năm.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các ngân hàng trong quý 4/2021 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, dù thấp hơn tỉ lệ các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động - cho vay “giảm” trong quý và cả năm 2021, các ngân hàng vẫn dự báo mặt bằng lãi suất sẽ “tăng”, chỉ số cân bằng về thay đổi mặt bằng lãi suất đã điều chỉnh giảm mạnh.

Theo Lam Duy (Lao Động)




https://laodong.vn/kinh-te/kha-nang-bien-dong-lai-suat-ngan-hang-trong-2-thang-cuoi-nam-966895.ldo