Kinh tế >> Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Kết quả xấu từ cuộc gặp Trump - Tập sẽ đẩy thế giới vào suy thoái

Nếu cuộc gặp cuối tuần này thất bại, chiến tranh thương mại sẽ leo thang, tăng trưởng toàn cầu có thể giảm 6 quý sau đó.

Phố Wall đang chờ đợi kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ bảy này. Cuộc gặp này quan trọng đến mức nhiều nhà phân tích cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường suốt nửa cuối năm, tác động đến quỹ đạo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và góp phần vào quyết định chính sách của ngân hàng trung ương các nước.

Dù vậy, giới quan sát không kỳ vọng nhiều vào việc đạt một thỏa thuận có ý nghĩa trong tương lai gần. Một khảo sát của Bank of America Merrill Lynch với các nhà đầu tư cho thấy, hai phần ba tin rằng hai nước sẽ không đạt thỏa thuận cuối tuần này, nhưng cũng sẽ không áp thêm thuế mới với nhau.

Dù rất ít người dự báo cuộc gặp sẽ thất bại hoàn toàn, các nhà kinh tế học tại UBS cho biết nếu kịch bản này xảy ra, và chiến tranh thương mại leo thang khi hai nước áp thêm thuế mới với nhau, toàn cầu sẽ bị đẩy đến bờ vực suy thoái. Nếu chiến tranh thương mại leo thang, "chúng tôi dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 0,75% trong 6 quý sau đó. Tình hình sẽ gần như suy thoái nhẹ, tương tự mức độ trong khủng hoảng eurozone, giá dầu lao dốc giữa thập niên 80 và khủng hoảng Mexico thập niên 90", Arend Kapteyn - trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại UBS nhận xét.

Kết quả xấu từ cuộc gặp Trump - Tập sẽ đẩy thế giới vào suy thoái
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2017. Ảnh: Reuters

Peter Boockvar - chiến lược gia đầu tư tại Bleakley Advisory Group cũng đồng tình với quan điểm trên. "Nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt thỏa thuận nào cả, khả năng suy thoái toàn cầu sẽ càng lớn. Còn về G20, tôi không cho rằng sẽ có kết quả tiêu cực nào", ông nói.

Các đại diện thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau trước cuộc nói chuyện của lãnh đạo hai nước. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng đã có cuộc điện đàm hôm thứ Hai.

Trên Reuters, một quan chức Mỹ hôm qua cho biết mục tiêu của họ trong cuộc gặp lần này là tái khởi động đàm phán, và có thể là thỏa thuận không áp thêm thuế mới. Mỹ muốn quay lại điểm đàm phán hồi tháng 5.

Boockvar cho rằng thị trường sẽ phản ứng tích cực với kịch bản "đình chiến". Chứng khoán sẽ tăng, trái phiếu sẽ bị bán tháo và đồng đôla nhảy vọt. "Dù vậy, việc không gỡ bỏ thuế nhập khẩu sẽ hạn chế đà tăng này. Và nếu người ta đột nhiên cho rằng Fed sẽ không cần hành động mạnh tay nữa, vì thỏa thuận thương mại có hy vọng rồi, bạn sẽ thấy thị trường trái phiếu có điều chỉnh", ông dự báo.

Sau nhiều tháng giữ nguyên, Fed tuần trước ra tín hiệu có thể hạ lãi suất năm nay. Đợt giảm đầu tiên có thể vào tháng sau. Fed cho biết họ cân nhắc cả vấn đề thương mại và kinh tế toàn cầu đi xuống.

Cesar Rojas - nhà kinh tế học tại Citigroup thì dự báo "hai nước sẽ đình chiến" và hướng tới một thỏa thuận chính thức trong năm nay. Ông Trump sẽ không áp thêm 25% thuế với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa.

Bank of America Merrill Lynch cho rằng có rất ít khả năng hai bên đạt được kết quả đột phá tại Osaka. Trên thực tế, chính quyền Mỹ đã hạ thấp kỳ vọng về việc này. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross còn cho biết "khả năng lớn nhất tại G20 có thể là thỏa thuận khôi phục đàm phán".

Dù cả hai nước đều muốn đạt thỏa thuận, Trung Quốc có thể sẵn sàng tham gia một cuộc chơi dài hạn, còn ông Trump vẫn chưa chịu sức ép từ cuộc bầu cử 2020. Việc Fed sẵn sàng giảm lãi suất đã xoa dịu thị trường, kéo chứng khoán lên cao, khiến ông Trump dễ thở hơn.

"Một lý do khác khiến cuộc gặp khó đạt đột phá là chính quyền Mỹ hiện không chịu nhiều sức ép để nhượng bộ. Quan điểm của chúng tôi về chiến tranh thương mại là 'Không đau thương thì không có thỏa thuận'. Thị trường chứng khoán Mỹ đang ở đỉnh, Fed được dự báo giảm lãi suất và tăng trưởng GDP đang hơn 3% mỗi năm. Mỹ có khả năng vẫn giữ lập trường cứng rắn", BofA đánh giá.

Họ cũng cho rằng hai bên còn đang cách nhau rất xa. Các cuộc đàm phán hồi tháng 5 đổ bể vì Trung Quốc được cho là không muốn thay đổi các điều luật để giải quyết lo ngại của Mỹ về bản quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và thao túng tiền tệ.

Kể cả nếu Mỹ - Trung đạt thỏa thuận nào đó vào thứ bảy, căng thẳng vẫn có thể leo thang sau đó, như sau cuộc gặp năm ngoái của hai lãnh đạo tại Argentina. "Hiện tại không đánh thuế không có nghĩa sau này cũng thế. Dù vậy, Trump cũng có lý do để thận trọng hơn. Tôi cho rằng các số liệu đang ngày càng chỉ ra kinh tế Mỹ chậm lại. Và ông ấy còn cả cuộc bầu cử phía trước", Boockvar kết luận.

Theo Hà Thu (VnExpress.net)