Kinh tế

Kế hoạch giải cứu ngân hàng SVB của Goldman Sachs đã sụp đổ như thế nào

Kế hoạch này có một lỗ hổng chết người: Nó đã đánh giá thấp mối nguy hiểm rằng hàng loạt tin xấu có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng niềm tin.

 
Kế hoạch giải cứu ngân hàng SVB của Goldman Sachs đã sụp đổ như thế nào
Goldman Sachs - công ty quản lý đầu tư, chứng khoán, ngân hàng hàng đầu thế giới, đã tìm cách cứu SVB nhưng bất thành. Ảnh: Getty Images

Các giám đốc điều hành của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã tìm đến Goldman Sachs vào cuối tháng 2 để kiếm lời khuyên: Họ cần huy động tiền nhưng không chắc chắn chính xác cách thực hiện.

Lãi suất tăng vọt đã gây thiệt hại nặng nề cho SVB. Tiền gửi và giá trị danh mục đầu tư trái phiếu của ngân hàng giảm mạnh.

Hãng đánh giá tín nhiệm Moody's khi đó đang chuẩn bị đưa ra một đánh giá hạ cấp. SVB buộc phải tìm cách thiết lập lại tài chính của mình để tránh bị siết chặt vốn, một động thái có thể làm giảm lợi nhuận.

Các cuộc trao đổi giữa SVB và Goldman Sachs - diễn ra trong khoảng 10 ngày - đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 8/3 khi SVB thông báo về khoản lỗ gần 2 tỷ USD (khi bán trái phiếu) và một kế hoạch bán cổ phiếu khiến các nhà đầu tư vô cùng hoảng sợ. Giá cổ phiếu của SVB giảm mạnh ngay sáng hôm sau.

Các khách hàng của SVB là các công ty khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm có số dư lớn (không được bảo hiểm tiền gửi) đã hoảng sợ, đua nhau rút tới 42 tỉ USD khỏi ngân hàng ngày chỉ trong một ngày!

Mặc dù ít người có thể dự đoán được phản ứng dữ dội của thị trường đối với những tiết lộ của SVB, nhưng bản thân kế hoạch của Goldman Sachs đối với ngân hàng này cũng có một lỗ hổng chết người. Nó đã đánh giá thấp mối nguy hiểm rằng một loạt tin xấu có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng niềm tin - một diễn biến có thể nhanh chóng làm sụp đổ một ngân hàng.

Goldman Sachs vốn là cố vấn cho những người giàu có và quyền lực. Họ sắp xếp các vụ sáp nhập, giúp các công ty huy động vốn và đưa ra các giải pháp sáng tạo cho các tình huống khó khăn của nhiều loại tài chính - một tài năng đã giúp công ty này kiếm được hàng tỷ đô la.

Tuy nhiên, đối với SVB, lời khuyên “mạ vàng” của Goldman đã đi kèm với một cái giá quá đắt. SVB sụp đổ với tốc độ chóng mặt trong vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ, gây ra cuộc khủng hoảng ngân hàng xuyên Đại Tây Dương mà các cơ quan quản lý đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn.

Câu chuyện về những ngày cuối cùng của SVB này dựa trên các cuộc phỏng vấn của tờ Wall Street Journal với các chủ ngân hàng, luật sư và nhà đầu tư liên quan.

Vấn đề của SVB là khá máy móc: Các ngân hàng thu lợi nhuận bằng cách kiếm được nhiều tiền hơn từ việc đưa tiền gửi của khách vào đầu tư để sinh lời so với chi phí lãi suất mà họ trả cho người gửi tiền. Nhưng SVB gặp khó khăn trong việc kiếm tiền từ các trái phiếu (vốn có rủi ro thấp) được mua trong thời kỳ lãi suất thấp gần như bằng không và nay thì lãi suất đã tăng cao.

Việc bán một lượng lớn trái phiếu đó sẽ giảm bớt áp lực: SVB sẽ có thêm tiền mặt. Tuy nhiên, giao dịch đi kèm với một "dấu hoa thị" lớn: SVB sẽ phải chấp nhận một khoản lỗ lớn.

Trong tình huống khó khăn đó, các giám đốc điều hành của SVB đến gặp Goldman Sachs với những phác thảo sơ bộ về kế hoạch huy động vốn. Hai công ty cổ phần tư nhân, General Atlantic và Warburg Pincus LLC, nằm trong danh sách các nhà đầu tư tiềm năng của ngân hàng.

Chú thích ảnh
Người gửi xếp hàng chờ rút tiền trước cửa một phòng giao dịch của SVB. Ảnh: AP

Các giám đốc điều hành SVB muốn thực hiện một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ - một thỏa thuận trong đó họ sẽ lặng lẽ dành cho các nhà đầu tư mua một số lượng cổ phiếu nhất định với một mức giá đã định - và họ muốn thực hiện điều đó thật nhanh. Moody's đang chuẩn bị hạ cấp tín nhiệm của ngân hàng, một động thái mà SVB lo ngại sẽ khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Các chủ ngân hàng trong mảng kinh doanh thị trường vốn cổ phần của Goldman, đứng đầu là David Ludwig, và nhóm định chế tài chính của nó, do Pete Lyon điều hành, bắt đầu cùng nhau bán cổ phần trong tuần đầu tiên của tháng 3 và tiếp cận hai công ty cổ phần tư nhân trên.

Goldman Sachs chào bán cổ phần công - tư kết hợp: Công ty sẽ tìm đủ nhà đầu tư để đổ tiền đầy đủ cho thương vụ trị giá 2,25 tỷ USD, nhưng cũng sẽ mang đến cho công chúng cơ hội mua cổ phiếu với mức giá tương tự.

Đến ngày 5/3, Warburg đã bỏ cuộc. SVB cần nhiều thời gian hơn để đánh giá thỏa thuận và họ không muốn tham gia vào một đợt chào bán có thành phần công chúng.

Trên bàn giao dịch của Goldman Sachs, một giao dịch khác cũng đang được ra. SVB đang tìm kiếm người mua cho danh mục chứng khoán nợ sẵn sàng bán (available-for-sale debt securities) trị giá 21 tỷ USD của mình. Người mua sẽ là Goldman Sachs.

Trong khi đó, General Atlantic đã đồng ý trả 500 triệu USD mua cổ phiếu. Nhưng thời gian không còn nhiều để thu hút thêm các nhà đầu tư cung cấp 1,75 tỷ USD còn lại, trong tổng số tiền 2,25 tỉ USD mà SVB đang tìm cách huy động. Các giám đốc điều hành của SVB chưa sẵn sàng cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin họ cần để thu hút mọi người tham gia.

Goldman Sachs đã quyết định rằng lựa chọn duy nhất là chào bán cổ phần ra công chúng, do General Atlantic phụ trách. Giám đốc điều hành SVB đã ký vào kế hoạch.

Ông Ludwig và những người khác tại Goldman Sachs cho rằng SVB phải hành động nhanh chóng. Sắp tới kỳ đánh giá hạng của Moody’s, và sau đó ngân hàng sẽ đóng cửa vào cuối tuần đó. Tốt hơn hết là nên loại bỏ tất cả những tin xấu để tránh một cuộc khủng hoảng vào ngày thứ Hai, 13/3.

Vào ngày 8/3, Goldman Sachs đã hoàn tất việc mua danh mục đầu tư chứng khoán SVB với một mức chiết khấu so với giá trị thị trường của nó. Sau khi thị trường đóng cửa, SVB thông báo rằng họ đã lỗ 1,8 tỷ USD khi bán trái phiếu mà không tiết lộ người mua và cho biết họ sẽ bán cổ phiếu để huy động vốn.

Vào thời điểm đó, đội ngũ quản lý của SVB đã sẵn sàng đón nhận tin xấu. Ngay trước khi ngân hàng tung ra đợt bán cổ phiếu định mệnh, họ đã thuê công ty tư vấn giao dịch Centerview Partners để tìm hiểu kế hoạch B.

Chú thích ảnh
Ngân hàng SVB bị cơ quan quản lý đóng cửa ngay trưa ngày 10/3. Ảnh: Getty Images

Các lãnh đạo ngân hàng Goldman Sachs vẫn tự tin rằng việc bán cổ phần sẽ diễn ra cùng nhau. Cổ phiếu của SVB lúc đầu chỉ giảm khoảng 8% trong những giờ giao dịch sau thị trường, không phải là mức giảm mạnh như người ta lo ngại và các nhân viên ngân hàng của Goldman Sachs đã nhận được nhiều đơn đặt hàng mua cổ phiếu.

Nhưng tâm trạng đó đã thay đổi chưa đầy một giờ sau đó khi một ngân hàng khác, Silvergate Capital Corp., tuyên bố đóng cửa sau một đợt rút tiền làm cạn kiệt tiền gửi của họ. Việc hạ cấp một bậc của Moody's, ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại của các giám đốc điều hành SVB, đã diễn ra vào khoảng 8 giờ tối 8/3.

Cổ phiếu SVB giảm mạnh khi thị trường mở cửa vào ngày 9/3, khiến khách hàng bắt đầu rút tiền gửi. Đó là khởi đầu của một vòng xoáy đi xuống: Khi tin tức về việc rút tiền gửi được lan truyền, cổ phiếu giảm sâu hơn, khiến nhiều khách hàng rút tiền hơn. Cổ phiếu SVB đóng cửa giảm hơn 60%.

Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn chưa chết. Goldman Sachs đã sắp xếp một danh sách các nhà đầu tư ở mức 95 USD/một cổ phiếu, thấp hơn khoảng 11 USD so với giá đóng cửa trong ngày.

Vào khoảng 5 giờ chiều 9/3, các chủ ngân hàng Goldman Sachs nhận được báo cáo về dòng tiền gửi của SVB bị rút ra. Các luật sư của SVB cho biết thỏa thuận giữa họ với Goldman Sachs không thể tiếp tục nếu ngân hàng không tiết lộ về khoản tiền gửi “tháo chạy”. Nhưng trước con số "tháo chạy" quá khủng khiếp, Goldman Sachs từ bỏ thỏa thuận. Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang đã tiếp quản SVB trước khi nó có thể mở cửa vào sáng hôm sau.

Theo Thu Hằng (Báo Tin Tức)




https://baotintuc.vn/ho-so/ke-hoach-giai-cuu-ngan-hang-svb-cua-goldman-sachs-da-sup-do-nhu-the-nao-20230316153310735.htm