Kinh tế

Hơn cả show Paris, đại gia Việt 'chào sân' toàn cầu trong sự kiện lịch sử

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ con số 0 tròn trĩnh đại gia số 1 đã có tên trong tâm thức người Việt và sắp tới có thể ở trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân trên thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được tổ chức trong hai ngày 27-28/2 là một sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng, thu hút sự chú ý của toàn thế giới, hơn cả những sự kiện lớn có mặt của hàng chục nguyên thủ quốc gia khác.

Đây không phải là một sự kiện mang tính thường kỳ mà có thể là một bước ngoặt lịch sử, không chỉ đối với bán đảo Triều Tiên, mà còn cả đối với sự hòa bình và ổn định của thế giới.

Sự hiện diện của 3.000 phóng viên báo chí quốc tế và khoảng 500 đồng nghiệp Việt Nam tại sự kiện này đã nói lên tầm quan trọng và sức hút của sự kiện có một không hai từng tổ chức tại Việt Nam.

Đây là cơ hội vàng để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng khẳng định vị thế cũng như quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt.

Theo kế hoạch, phái đoàn cao cấp Triều Tiên sẽ dành thời gian đi thăm một số cơ sở phát triển kinh tế của Việt Nam tại một số tỉnh, thành. Rất có thể, Vinfast, Vin Eco tại Hải Phòng và Tuần Châu, Quảng Ninh được lựa chọn là các điểm đến.

Vinfast được xem là biểu tượng phát triển công nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất của của Việt Nam. Sự kiện ra mắt 3 mẫu ô tô Vinfast của tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng tại Paris Motor Show được đánh giá là có 1-0-2. Trước đó, Việt Nam gần như không có tên trên bản đồ ngành công nghiệp sản xuất ô tô thế giới. Chỉ hơn 1 năm sau khi khởi công nhà máy VinFast, những mẫu xe đầu tiên đã ra mắt công chúng thế giới. Nếu không có gì thay đổi, 2 mẫu SUV và Sedan đầu tiên sẽ được bán vào quý 3/2019.

Sự kiện livestream ra mắt xe VinFast tại Pháp thu hút cả triệu lượt xem cùng 1 lúc và gần chục triệu lượt view trên toàn kênh. VinFast trở thành đề tài chính trên khoảng 5.000 bài báo khác nhau, chưa tính số lượng share, tút… trên các mạng xã hội.

Nhưng câu chuyện thành công về marketing tại Paris Motor Show của ông Phạm Nhật Vượng có thể sẽ được tiếp tục đi xa hơn nếu phái đoàn cao cấp Triều Tiên tới nhà máy ô tô Vinfast tại Hải Phòng thành hiện thực. Đây sẽ là một dấu mốc mới đối với tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam này. Đó cũng có thể là một cú marketing có ảnh hưởng lớn chưa từng có trong lịch sử truyền thông tiếp thị Việt Nam.

Hơn cả show Paris, đại gia Việt 'chào sân' toàn cầu trong sự kiện lịch sử
Thương hiệu ô tô Vinfast của ông Phạm Nhật Vượng nổi tiếng nhanh chóng.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được sắp xếp thăm một số cơ sở phát triển kinh tế chủ lực của Việt Nam. Theo Foxnews, ông Kim Jong-un có thể sẽ thấy được bóng hình tương lai của nền kinh tế Triều Tiên trong chuyến thăm Việt Nam nếu đất nước này cùng với thế giới xây đắp hòa bình.

Trong những tuần đầu năm mới Kỷ Hợi, tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng tiếp tục ghi dấu ấn lịch sử, vượt xa đối thủ, trong bối cảnh nền kinh tế đón nhận nhiều tín hiệu tốt và khu vực kinh tế tư nhân bứt phá dữ dội.

Cổ phiếu Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng hiện ở vùng cao lịch sử giúp giá trị vốn hóa của Tập đoàn Vingroup ở mức cao kỷ lục: gần 380 ngàn tỷ đồng (khoảng 16,3 tỷ USD).

Tính đến nay, bộ 3 cổ phiếu của ông Vượng có quy mô khoảng 33,7 tỷ USD, tương đương khoảng 24,6% tổng quy mô sàn chứng khoán TP.HCM (khoảng 380 mã cổ phiếu).

Với gần 1,9 tỷ cổ phiếu VIC, ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu khối tiền lên tới gần 225 ngàn tỷ đồng (tương đương 9,7 tỷ USD), gấp gần 10 lần người giàu thứ 2 trên TTCK là ông Hồ Hùng Anh (23 ngàn tỷ).

Theo tính toán của Forbes, khối tài sản của ông Vượng là 7,7 tỷ USD, xếp thứ 196 trong số những người giàu nhất hành tinh. Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng đã vượt qua rất nhiều tên tuổi lững lẫy trên thế giới như tổng thống Mỹ-tỷ phú Donald Trump (người đang có 3,1 tỷ USD), ông chủ Hyundai Chung Mong-koo (4,3 tỷ USD); Thái tử Samsung Jay Y.Lee (7,1 tỷ USD)...

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu chịu áp lực chốt lời sau 7 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, phần lớn các cổ phiếu chỉ giảm đôi chút và được xem là một tín hiệu tốt lành khi mà nền kinh tế Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng ổn định và có triển vọng tươi sáng, nhất là sau khi trở thành tâm điểm của thế giới với hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Một số cổ phiếu có chiều hướng tăng điểm như Vietinbank, Vincom Retail, Xây dựng Hòa Bình…

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn tích cực trong các dự báo.

Theo CTCK Bảo Việt, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực điều chỉnh khi các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn còn dư địa giảm điểm. Tuy nhiên, VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng hỗ trợ 970-980 điểm. Diễn biến của thị trường dự kiến sẽ đan xen các nhịp hồi phục ngắn trong phiên, kèm theo đó vẫn là sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.

Còn theo Rồng Việt, thị trường hạ nhiệt sau VN-Index chạm ngưỡng 1.000 điểm. Các cổ phiếu lớn đã tăng nóng trước đó đa phần giảm điểm. Dòng tiền rất nhanh chóng chuyển sang các cổ phiếu vừa và nhỏ. Lực mua cuối phiên cho thấy dòng tiền vẫn đang hiện hữu trên thị trường và chờ đợi cơ hội để giải ngân ở vùng giá điều chỉnh. Khối ngoại vẫn mua ròng một cách khá tích cực. Khả năng cao thị trường vẫn còn có thể tiếp tục tăng điểm trong ngắn hạn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/2, VN-Index giảm 7,37 điểm xuống 987,06 điểm; HNX-Index tăng 0,05 điểm lên 107,66 điểm. Upcom-Index giảm 0,01 điểm xuống 55,58 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 290 triệu đơn vị, trị giá 5,9 ngàn tỷ đồng.

Theo H. Tú (VietNamNet)