Kinh tế

Hậu 'nội chiến', Tập đoàn xây dựng Hòa Bình xin khất nộp báo cáo tài chính

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa có văn bản xin Ủy ban chứng khoán xem xét gia hạn công bố thông tin Báo cáo tài chính năm 2022 chậm nhất đến ngày 12/5/2023.

Zing đưa tin, theo quy định, thời hạn công bố báo cáo tài chính này là ngày 30/3. Tuy nhiên, tập đoàn cho biết do đặc thù trong thời gian gần đây, loạt công trình trên cả nước của Hòa Bình bị ngưng trệ vì thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Đồng thời, nhiều khách hàng lớn của tập đoàn cũng gặp khó khăn về dòng tiền dẫn tới không thể triển khai thi công và thanh toán đúng hạn cho công ty. Từ đó, tình hình thu tiền tại các dự án của Xây dựng Hòa Bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng so với các tháng trước và so với kế hoạch.

"Trong bối cảnh đó, đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian để tiến hành các thủ tục và thu thập thêm các chứng từ mới có thể hoàn thành được báo cáo tài chính kiểm toán 2022 của Hòa Bình", văn bản của Xây dựng Hòa Bình nêu rõ.

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, tập đoàn ghi nhận nhiều biến động về nhân sự cấp cao, cũng như xung đột trong HĐQT. Vì vậy, Hòa Bình gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp hoàn thành báo cáo tài chính và công bố thông tin đúng thời hạn.

Hậu 'nội chiến', Tập đoàn xây dựng Hòa Bình xin khất nộp báo cáo tài chính
Tập đoàn xây dựng Hòa Bình xin khất nộp báo cáo tài chính.

Do đó, Xây dựng Hòa Bình trình Ủy ban chứng khoán xem xét gia hạn công bố thông tin BCTC kiểm toán năm 2022 chậm nhất đến ngày 12/5.

Trước đó, ngày 28/3, Xây dựng Hòa Bình đã bị HoSE nhắc nhở vì vi phạm công bố thông tin và giao dịch với các bên liên quan chưa đúng quy định.

HOSE cho biết, qua rà soát hồ sơ báo cáo/công bố thông tin của Xây dựng Hòa Bình trong thời gian vừa qua, HOSE nhận thấy Xây dựng Hòa Bình không thực hiện công bố thông tin quyết định về việc trở thành/không còn là công ty mẹ của một số công ty: CTCP Kỹ thuật Hòa Bình Oseven, Công ty TNHH Tiến Phát Đông Bắc, Công ty TNHH Bất động sản Pax Land, Công ty TNHH MTV Pax Sky, CTCP Tiến Phát Tân Thuận.

Ngoài ra, Xây dựng Hòa Bình thực hiện giao dịch với các bên liên quan chưa đảm bảo tuân thủ quy định tại Điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020; Điều 292, 293 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Chứng khoán và Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC.

HOSE đề nghị Xây dựng Hòa Bình nghiêm túc tuân thủ các quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, báo cáo kết quả khắc phục các vi phạm về HOSE trong thời gian sớm nhất.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tự lập, trong quý 4/2022, bão giá nguyên vật liệu cùng nhiều chi phí khác đã được phản ánh vào giá vốn khiến cho Hòa Bình lỗ gộp 426 tỷ đồng. Công ty gánh khoản lỗ 117 tỷ đồng từ bán các khoản đầu tư, đồng thời trích lập gần 360 tỷ đồng dự phòng nợ phải thu khó đòi. Do đó, Hòa Bình lỗ 1.202 tỷ đồng trong quý này. Cả năm lỗ 1.140 tỷ đồng, thông tin trên Nhịp sống Thị trường.

Về "cuộc chiến" vương quyền ở Tập đoàn Hoà Bình, ghi nhận trên Dân Trí, hồi tháng 12/2022, ông Lê Viết Hải muốn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của Hòa Bình nhằm tạo điều kiện pháp lý bổ nhiệm con trai là ông Lê Viết Hiếu chính thức làm Tổng giám đốc. Giữa tháng 12/2022, ông Nguyễn Công Phú được 8/8 thành viên HĐQT thống nhất bầu làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1/2023 thay ông Lê Viết Hải.

Hậu 'nội chiến', Tập đoàn xây dựng Hòa Bình xin khất nộp báo cáo tài chính - 1
Cuộc chiến thượng tầng tại HBC kết thúc với sự rút lui của ông Nguyễn Công Phú (bên phải). Ảnh: HBC

Đến ngày 31/12/2022, HĐQT Hòa Bình ban hành nghị quyết hoãn thi hành việc bầu ông Phú làm Chủ tịch HĐQT. Ông Phú cùng 3 thành viên HĐQT khác sau đó công khai trên truyền thông phản đối Nghị quyết trên. Ông cho biết không tham gia cuộc họp ngày 31/12/2022 đồng thời nêu quan điểm nghị quyết tiếp tục để ông Hải làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình vi phạm điều lệ doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, Tập đoàn Hòa Bình khẳng định cuộc họp và nghị quyết hoãn thi hành bầu ông Phú, để ông Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT là hợp lệ.

Vụ việc sau đó tiếp tục "nóng" lên khi ông Phú cùng một số thành viên HĐQT xuất hiện chính thức trước truyền thông, tiết lộ nhiều nội dung liên quan đến các cuộc họp và một số vấn đề nội bộ liên quan hoạt động điều hành, quản trị doanh nghiệp. Ngược lại, phía Hòa Bình tuyên bố các hành vi của ông Phú và thành viên có liên quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi không chỉ cung cấp thông tin và phát tán tài liệu có tính nội bộ, bảo mật mà còn cố tình diễn giải sai với bản chất.

Tới ngày 27/2, HĐQT Hòa Bình thông báo nghị quyết chính thức hủy các Nghị quyết 50, 51, 53 ban hành vào các ngày 14/12, 31/12/2022. HĐQT Tập đoàn Hòa Bình cũng thông qua việc rút đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và tư cách thành viên của ông Lê Viết Hải. Về phía ông Nguyễn Công Phú cũng thông báo từ nhiệm hồi giữa tháng 2.

Ngày 23/3 mới đây, 2 phó tổng giám đốc của doanh nghiệp này từ nhiệm với nguyện vọng cá nhân.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/hau-noi-chien-tap-doan-xay-dung-hoa-binh-xin-khat-nop-bao-cao-tai-chinh-d158878.html