Kinh tế

Hàng loạt ngân hàng cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo tinh vi mới trong mùa dịch

Không ít ngân hàng đã phải đưa ra những cảnh báo đến với khách hàng bởi những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi xuất hiện với nhiều hình thức khác nhau.

Trong thời gian gần đây, các kênh giao dịch online được nhiều người lựa chọn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều tội phạm công nghệ đã lợi dụng điều này, sử dụng nhiều thủ đoạn mới với các hình thức mới rất tinh vi lợi dụng sự mất cảnh giác của khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trước tình hình đó, nhiều ngân hàng đã gửi thông báo đến khách hàng nhằm tăng khả năng bảo mật tài khoản và tránh rủi ro trong giao dịch.

Giả mạo VP Bank yêu cầu khách cung cấp thông tin để được hoàn tiền trên nền tảng mua sắm trực tuyến

Một người dùng VP Bank tại Hà Nội chia sẻ:

"Có 1 bạn bảo là người bên VPBank gọi cho mình giới thiệu cái thẻ Shoppee gì đó nghe bảo là có chính sách hoàn tiền khi mua hàng trên Shopee. Nghe tới đó mình thấy cũng hợp nên bảo bạn cung cấp 1 số thông tin về loại thẻ đó cho mình qua email hoặc Zalo để mình tham khảo, cân nhắc rồi mới ra quyết định.

Nhưng bạn cứ nhất định không gửi, bảo là thẻ đã "tự động duyệt" trên App VPBank NEO của mình, và chị phải nghe em gọi điện rồi điền các thông tin của chị vào kèm theo đoạn ghi âm hướng dẫn trực tiếp từ em thì chị mới lấy được thẻ.

Nghe xong cảm thấy không ổn, mình bảo vậy thôi mình cảm thấy ko hợp, vì chưa biết thẻ này có chính sách cụ thể là gì, có mức phụ phí hay gì ko để đưa ra quyết định mà ko cho khách hàng tham khảo trước, cứ ép mình phải đọc thông tin thẻ cho ẻm nghe, còn bảo "chị yên tâm cuộc gọi này có ghi âm mà" và lập tức cúp máy."

Tuy nhiên, trên website của VP Bank cũng như Shoppee không có bất cứ thông báo nào về việc liên kết làm thẻ và hưởng ưu đãi này.

Đồng thời, phía VP Bank cũng đã gửi thông báo với khách hàng nhằm tăng khả năng bảo mật thông tin và tránh trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Hàng loạt ngân hàng cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo tinh vi mới trong mùa dịch

Hàng loạt ngân hàng cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo tinh vi mới trong mùa dịch - 1

Hàng loạt ngân hàng cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo tinh vi mới trong mùa dịch - 2
Cảnh báo từ VP Bank gửi đến khách hàng

Đặc biệt, phía VP Bank nhấn mạnh: "Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ Tòa án, Bộ Y tế,...; đồng thời không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội."

Cùng với đó, theo Người lao động, một thủ đoạn lừa đảo mới trong giai đoạn dịch Covid-19 cũng đã được BIDV cảnh báo. Theo đó, lợi dụng nhu cầu mua sắm online tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, một số đối tượng đã tạo các trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, có liên kết thanh toán trực tuyến với các ngân hàng, như ebanking-shopee.vn, ibanking-shopee.vn, ibank-shopee.vn, ebankingshopee.vn, ibankingshopee.vn, mobilebanking-shopee.vn, shopeemobilebanking.vn…

Đối tượng gửi đường link truy cập các trang web lừa đảo này qua tin nhắn SMS, email… hoặc gọi điện thoại để hướng dẫn khách hàng giao dịch trên trang giả mạo, với mục đích lấy cắp thông tin tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mã số OTP nhằm thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Do đó, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần tuyệt đối cẩn trọng, đặc biệt không cung cấp thông tin tài khoản cho bất kỳ ai, qua bất kỳ hình thức nào.

Giả mạo Sacombank lừa đảo khách đăng nhập thông tin tài khoản trên đường link khác

Chia sẻ với báo Thanh Niên, Anh Đ.Hải (Q.Tân Bình, TP.HCM) sáng 11.10 nhận được một tin nhắn với nội dung: "(Sacombank)Chung toi phat hien tai khoan cua ban dang tieu dung o nuoc ngoai, neu khong phai ban dang giao dich, vui long dang nhap https://sacombank.vn-epay.vip de huy giao dich".

Xác định ngay đây là tin nhắn lừa đảo vì không có tài khoản mở ở Sacombank thì làm gì có chuyện bị phát hiện đang tiêu dùng ở nước ngoài nên anh Hải không làm theo.

Hàng loạt ngân hàng cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo tinh vi mới trong mùa dịch - 3
Tin nhắn lừa đảo nhiều khách hàng Sacombank nhận được

Trường hợp như anh Đ.Hải không phải ngoại lệ, thời gian gần đây, bọn lừa đảo "rải" tin nhắn lừa đảo đến điện thoại của nhiều người. Ai hoang mang thực hiện theo hướng dẫn thì bị mất tiền ngay lập tức.

Sacombank cũng ngay lập tức phát đi cảnh báo: "Quý khách tuyệt đối không bấm vào đường link yêu cầu cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, OTP, kể cả trường hợp tin nhắn có tên gửi là Sacombank"

Hàng loạt ngân hàng cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo tinh vi mới trong mùa dịch - 4
Thông báo của Sacombank

Giả mạo Vietcombank lừa đảo cứu trợ mùa dịch

Theo nguồn tin từ Zing, nhiều khách hàng đã nhận được email lừa đảo từ ngân hàng Vietcombank cung cấp thông tin hỗ trợ mùa dịch. Cụ thể, nhiều khách hàng của Vietcombank nhận được email từ địa chỉ [email protected] với nội dung "VCB xin gửi đến khách hàng gói hỗ trợ Covid là 800.000 đồng. Quý khách truy cập vào link bên dưới để nhận gói hỗ trợ".

Hàng loạt ngân hàng cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo tinh vi mới trong mùa dịch - 5
Trang giả mạo Vietcombank lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của người dùng

Từ đường dẫn Google Form mà kẻ gian cung cấp, người dùng được yêu cầu vào trang web uudai.sbs/vcb để nhận ưu đãi. Trang web giả mạo có giao diện tương tự trang đăng nhập của ứng dụng Vietcombank trên di động. Sau khi điền số điện thoại và mật khẩu, trang web này yêu cầu người dùng nhắn tin lên tổng đài có đầu số 6167 để nhận mã OTP đăng nhập.

Ngay lúc này, đối tượng sẽ nhập thông tin tài khoản của khách hàng vừa cung cấp để Vietcombank gửi mã OTP về số điện thoại của người dùng. Nếu khách hàng không cảnh giác, cung cấp mã OTP cho đối tượng, tài khoản ngân hàng sẽ bị chiếm đoạt.

Vietcombank cho biết những email gửi tới người dùng là giả, không phải của ngân hàng. Ngân hàng này cũng lưu ý với người dùng cách để nhận biết lừa đảo thông qua thư điện tử bằng cách kiểm tra tên miền của hòm thư.

"Có một số cách để nhận biết thư điện tử giả mạo ngân hàng như địa chỉ hòm thư là tên miền miễn phí (ví dụ như @gmail.com), không phải @vietcombank.com.vn. Đồng thời, thông tin đi kèm trong thư là đường dẫn đưa tới các website giả mạo, yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin định danh dịch vụ ngân hàng điện tử", đại diện Vietcombank trả lời Zing.

Để đảm bảo an toàn thông tin tài khoản, Vietcombank khuyến cáo người dùng không truy cập vào đường dẫn các diễn đàn, website mạo danh ngân hàng. Đồng thời, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thẻ hoặc bất kỳ thông tin nào khác cho các trang web này.

Dùng fanpage và số điện thoại giả mạo yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin

Ngoài ra, còn có trường hợp khách hàng Vietcombank do vào nhầm fanpage giả mạo của ngân hàng khiến thông tin cá nhân rơi vào tay kẻ xấu.

Theo phản ánh của bà N.M.T.L. (TP.HCM) với báo Chính phủ, ngày 2/9/2021 bà có chuyển nhầm 450.000 đồng từ Ngân hàng Vietcombank (VCB) vào một số tài khoản bên Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Do không liên hệ được với VCB nên bà có đề nghị tra soát yêu cầu trên App và nhắn tin trên trang page của Vietcombank. Sau đó, có một số điện thoại liên hệ lại với bà và cho biết là nhân viên hỗ trợ của ngân hàng, yêu cầu bà cung cấp số thẻ ngân hàng, ngày cấp.

Bà L. cung cấp theo yêu cầu và nhận được tin nhắn của Vietcombank, nhân viên ngân hàng đề nghị bà đọc mã OTP trên tin nhắn.

Sau khi cung cấp đủ như yêu cầu, bà đăng nhập lại tài khoản thì thấy số tiền 41.000.000 đồng trong sổ tiết kiệm của bà đã bị rút hết. Trong khi tình hình dịch COVID-19 căng thẳng, bà bị mất việc làm đã 3 tháng nay, số tiền này rất lớn đối với bà.

Hàng loạt ngân hàng cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo tinh vi mới trong mùa dịch - 6

Hàng loạt ngân hàng cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo tinh vi mới trong mùa dịch - 7
Những nguyên tắc bảo mật thông tin do Vietcombank cung cấp

Đối với vấn đề của bà L.,Vietcombank đã để lại phản hồi:

Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng trong việc giả mạo thông tin là nhân viên ngân hàng để liên hệ, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản đã được nhiều phương tiện truyền thông cũng như Vietcombank nhiều lần cảnh báo tới các khách hàng trong thời gian qua, từ đó Vietcombank luôn đề nghị khách hàng bảo mật thông tin mật khẩu, mã OTP để tránh bị các đối tượng lừa đảo đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Để truy tìm đối tượng và lấy lại số tiền đã bị chiếm đoạt, đề nghị khách hàng khẩn trương thực hiện trình báo cơ quan công an có thẩm quyền để được thụ lý, điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Vietcombank sẵn sàng hỗ trợ phối hợp với cơ quan điều tra, tố tụng theo yêu cầu phù hợp với quy định pháp luật.

Đề nghị khách hàng tiếp tục lưu ý nâng cao cảnh giác, bảo mật tuyệt đối thông tin mật khẩu và mã OTP giao dịch, không cung cấp cho bên thứ ba trong mọi trường hợp để bảo đảm an toàn giao dịch, phòng ngừa tội phạm lợi dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Theo PV (Pháp Luật và Bạn Đọc)




https://phapluat.suckhoedoisong.vn/hang-loat-ngan-hang-canh-bao-nhung-thu-doan-lua-dao-tinh-vi-moi-trong-mua-dich-162211610070558377.htm