Kinh tế >> COVID-19 (nCoV)

Hàng chục nghìn công nhân phải nghỉ việc vì dịch Covid-19: Nỗi lo cơm áo gạo tiền không của riêng ai

Trước khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự.Tình cảnh “ăn bữa nay, lo bữa mai” khiến gánh nặng mưu sinh thêm nhọc nhằn đối với hàng chục nghìn người lao động.

Khắp nơi chật vật, bế tắc

Trong những ngày nắng nóng tháng Tư này, nhiều công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn các tỉnh, thành phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương,…đang tìm cách xoay xở trong mùa dịch Covid-19. Chia sẻ với ánh mắt đầy lo âu, anh Nguyễn Minh Tân (đang làm việc tại khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, con cái phải nghỉ học vì dịch bệnh. Tuần đầu tiên hai vợ chồng thay nhau nghỉ để trông con, sang đến tuần nghỉ thứ hai thì phải gửi con về miền Tây cho ông bà nội. Công việc cũng bất ổn khi công ty thông báo không có đơn hàng hoặc bán không được nên buộc phải cắt giảm lương nhân viên, cho nghỉ luân viên. Tôi đã quyết định xin nghỉ không lương từ đầu tháng Ba, chuyển sang làm shipper với hy vọng kiếm thêm thu nhập khi dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn được nhiều người lựa chọn”.

Buổi trưa trời nóng bức, hai cô giáo mầm non tại một ngôi trường nằm ngay quốc lộ 1 (quận 12, TP.HCM) che một cái dù nhỏ ngồi bán nước sâm ngay trước cổng trường. Cô giáo trẻ tên Phương mới vào nghề, kể: “Tôi mới xin vào làm được 7 tháng nên chưa đủ thời gian để hưởng các chế độ theo quy định. Sau Tết đứng lớp được chừng 2 ngày thì học sinh được cho nghỉ tới giờ, trường tạm đóng cửa nên tôi cùng với các cô giáo bàn nhau bán nước sâm, bán nước rửa tay và bán cả giày dép vào buổi chiều để có thu nhập

Ngôi trường cô Phương giảng dạy có khoảng 14 giáo viên thì phần lớn các cô đã về nhà, chỉ có 5 cô nhà xa ở lại. Các cô giáo ở đây được nhà trường sắp xếp ở ngay trong trường, không phải tốn tiền thuê nhà nên cũng bớt được phần nào khó khăn.

Hàng chục nghìn công nhân phải nghỉ việc vì dịch Covid-19: Nỗi lo cơm áo gạo tiền không của riêng ai

Không chỉ có người lao động lo lắng, các chủ doanh nghiệp cũng đang cố gắng cầm cự giữa khó khăn. Một giám đốc công ty xuất khẩu đồ gỗ nội thất tại tỉnh Bình Dương cho biết, trước đây trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu 100 container. Nhưng từ đầu mùa dịch đến nay lượng xuất khẩu giảm dần, đến tháng 3 này chỉ còn 30 container. Chưa kể, nhiều đơn hàng đã ký nhưng hoãn lại, hiện nay công ty chỉ đang sản xuất một số đơn hàng cũ trước mùa dịch. “Hiện, công ty cho công nhân làm cách ngày, thay nhau nghỉ, nhưng vẫn đảm bảo lương cơ bản cho người lao động, mặc dù doanh thu sụt giảm hơn 50%”, người này trăn trở.

Bài toán khó cho cả đôi bên

Cũng vì dịch Covid-19, ngành dệt may vốn là thế mạnh cũng đang lâm vào bế tắc khi các đối tác tại thị trường Mỹ và EU tạm ngưng nhận hàng. Thông tin này khiến các doanh nghiệp may mặc vừa phải xoay sở ổn định sản xuất vừa tìm giải pháp giữ chân người lao động. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch hội Dệt may Thêu đan TP.HCM trình bày, trong tình thế này, một số doang nghiệp có điều kiện nguyên liệu phù hợp sẽ chuyển sang sản xuất khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế nhằm hỗ trợ chống dịch Covid-19. Một số khác thực hiện phương án giãn giờ, giãn ca hoặc giảm số ngày làm trong tuần để kéo dài thời gian duy trì hoạt động sản xuất nhất có thể, ổn định tâm lý cho công nhân. Tuy nhiên, phương án này cũng khó thực hiện nếu thời gian các đối tác Mỹ và EU ngừng nhận hàng kéo dài hơn một tháng như thông báo ban đầu.

Mặc dù vậy, vấn đề cấp bách nhất của doanh nghiệp dệt may hiện nay không phải là giao nhận đơn hàng nữa mà là làm thế nào để đảm bảo đời sống cho người lao động. Dù việc xuất khẩu bị đình trệ, doanh nghiệp giảm giờ làm nhưng vẫn phải trả lương cơ bản cho công nhân. Ví như một số doanh nghiệp có quy mô lớn với 5.000 - 10.000 lao động thì số tiền trả lương hàng tháng lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền lại bị đọng lại trong nguyên phụ liệu và hàng lưu kho.

“Dệt may là một trong những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động nhất, phần lớn là lao động phổ thông, không có khả năng chuyển đổi công việc trong tình hình hiện nay. Nếu bây giờ doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc, hàng trăm nghìn con người làm gì vượt qua được khủng hoảng, và làm cách nào để chúng tôi tuyển được lao động khôi phục sản xuất”, ông Hồng băn khoăn.

Hàng chục nghìn công nhân phải nghỉ việc vì dịch Covid-19: Nỗi lo cơm áo gạo tiền không của riêng ai - 1

Còn theo số liệu của Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến ngày 1/4, đã có hơn 27.000 lao động bị cắt giảm giờ làm, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động vì 29 doanh nghiệp của địa phương phải giải thể. Trong đó, 10 doanh nghiệp với hơn 12.000 công nhân phải giảm giờ làm, 15 doanh nghiệp cho hơn 13.500 lao động nghỉ việc không hưởng lương, 4 doanh nghiệp giải thể khiến gần 1.600 lao động mất việc làm.

Thời gian công nhân nghỉ việc tại các doanh nghiệp khác nhau, có công ty cho công nhân nghỉ vài ba ngày, một số công ty cho người lao động nghỉ đến cuối tháng 6/2020. Với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, dự báo thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai phải cho công nhân nghỉ việc. Một số doanh nghiệp đang đề ra kế hoạch giảm giờ làm, tạm ngừng sản xuất tại một số phân xưởng.

Tôn trọng lợi ích của người lao động

Trong cảnh khó khăn bao trùm lên hoạt động kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp, nhiều ý kiến đang thắc mắc rằng, người sử dụng lao động (công ty) có được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong trường hợp bất khả kháng là dịch bệnh Covid-19 hay không? Luật sư Lê Trọng Thêm, công ty Luật LTT & Lawyers (đoàn Luật sư TP.HCM) tư vấn, việc doanh nghiệp đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động chỉ được thực hiện khi đám ứng điều kiền cần và đủ.

Điều kiện cần là tình huống bất khả kháng, dịch bệnh. Điều kiện này được xem là phù hợp khi Bộ Y tế và Thủ tướng chính phủ đã công bố dịch bệnh, chính quyền các tỉnh, thành phố công bố có dịch bệnh Covid-19. Điều kiện đủ là doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, giảm chỗ làm việc và phải chứng minh được yếu tố này. Ví dụ như các công ty thiếu nguyên liệu đầu vào vì đối tác Trung Quốc ngưng cung cấp do dịch bệnh Covid-19 dẫn đến phải thu hẹp sản xuất. Hay các công ty doanh nghiệp mất khách hàng, bị huỷ tour lữ hành. Hoặc những doanh nghiệp hàng không buộc phải dừng khai thác các chuyến bay với một số quốc gia có dịch bệnh.

Hàng chục nghìn công nhân phải nghỉ việc vì dịch Covid-19: Nỗi lo cơm áo gạo tiền không của riêng ai - 2

Vị luật sư cũng “không bao giờ khuyến khích các doanh nghiệp đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động, dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Chúng ta không nên chỉ nghĩ đến phương án cắt giảm nhân sự mà cần cố gắng tìm ra giải pháp khác. Bởi, cách làm này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng lực và uy tín của các công ty, nhà tuyển dụng trên thị trường lao động. Thứ hai, điều này khiến doanh nghiệp mất cơ hội sử dụng đội ngũ lao động vốn đang phù hợp, đang vận hành nhịp nhàng trong bộ máy công việc”.

“Thêm nữa, tôi luôn tin rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, khi công việc phát triển trở lại thì hậu quả của cách làm cắt giảm nhân sự trong thời điểm này là chúng ta sẽ mất rất nhiều chi phí, thời gian để tuyển dụng, đào tạo và xây dựng văn hoá doanh nghiệp như trước. Ngoài ra, khi một bộ phận người lao động bị cắt giảm sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của những người còn lại và đội ngũ sau này. Các phương án khác thay thế khác đều phải dựa trên sự thoả thuận giữa hai bên, tạo sự đồng thuận với đội ngũ lao động”, luật sư Thêm phân tích.

Cách ứng xử cần có tình có nghĩa

Góp ý kiến, ông Nguyễn Thạc Thắng, Giám đốc điều hành chi nhánh Hà Nội của công ty tư vấn nhân sự First Alliances nhìn nhận, trước bài toán nhân sự mùa dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang có những cách ứng xử khác nhau, tuỳ đặc thù từng công ty, mà không có tiếng nói chung của những người trong ngành. Có những doanh nghiệp cắt giảm khoảng một nửa số lượng nhân viên, mỗi người còn lại đảm nhận nhiều việc hơn. Bên cạnh đó, có những đơn vị chọn phương án giảm giờ làm; phương án này thường sẽ áp dụng với đối tượng nhân viên làm việc toàn thời gian trong khi công việc bán thời gian không còn. Chẳng hạn, khi một nhà hàng phải giảm khoảng 30% chi phí lương thì có hai phương án lựa chọn. Một là cắt 30% nhân sự, hai là cắt tổng 30% giờ làm của nhân viên. Khách không có, không đủ tiền để trang trải chi phí mà vẫn muốn giữ người thì giảm giờ làm là một lựa chọn khá tối ưu đối với nhiều doanh nghiệp.

“Đối với các trường hợp phải cắt giảm nhân sự, vì thị trường chung đang khó khăn nên nhìn chung, người lao động có thể phần nào hiểu được. Tuy nhiên, câu chuyện cần lưu ý là ban lãnh đạo nên xem xét cách trao đổi, truyền đạt với nhân viên để họ thực sự thấu hiểu. Có những doanh nghiệp thực sự tử tế và quan tâm đến người lao động thì còn gặp mặt để chia sẻ, cho nghỉ việc có trợ cấp và thậm chí là tìm việc mới cho nhân sự thay vì cắt giảm “thẳng tay” khiến tình hình có thể căng thẳng thêm”, ông Thắng đánh giá.

Hàng chục nghìn công nhân phải nghỉ việc vì dịch Covid-19: Nỗi lo cơm áo gạo tiền không của riêng ai - 3

Nói về việc đảm bảo lợi ích hài hoà cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động, đại diện văn phòng bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tại TP.HCM cho rằng, quan hệ giao dịch dân sự nói chung và quan hệ lao động nói riêng đều tôn trọng nguyên tắc tự thỏa thuận của các bên trên tinh thần tự nguyện. Trường hợp người lao động có thiện chí chia sẻ, tự nguyện giảm lương để san sẻ gánh nặng với người sử dụng lao động trong lúc khó khăn là việc làm thể hiện tính nhân văn, đồng thời là cơ hội để duy trì việc làm khi dịch bệnh được ngăn chặn, đẩy lùi.

“Tuy vậy, để đảm bảo tính hợp pháp trong giao kết hợp đồng và đảm bảo nguyên tắc trong quan hệ lao động, giữa người sử dụng lao động và người lao động vẫn phải ký với nhau phụ lục hợp đồng, trong đó nêu rõ mức tiền lương mà người lao động được hưởng và mức này không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”, vị này khuyến cáo.

Theo H.N (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/hang-chuc-nghin-cong-nhan-phai-nghi-viec-vi-dich-covid-19-noi-lo-com-ao-gao-tien-khong-cua-rieng-ai-a471053.html