Kinh tế

Hai ngày lập 3 kỷ lục, hồi hộp chờ giá vàng lên 56 triệu/lượng

Thị trường vàng biến động hiếm có trong những phiên giao dịch vừa qua, liên tục lập kỷ lục cao lịch sử và vượt các ngưỡng quan trọng: 51-52-53 triệu đồng/lượng. Đây là thời điểm khó đoán định xu hướng giá vàng.

2 ngày lập 3 kỷ lục

Phiên giao dịch 22/7 tiếp tục chứng kiến thị trường vàng biến động dữ dội. Ngay đầu giờ sáng, giá vàng SJC tại thị trường trong nước tăng nhanh chóng theo giá thế giới và lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 52 triệu đồng/lượng.

Không dừng ở đó, giá vàng SJC tiếp tục leo thang và vào cuối giờ sáng đã vượt ngưỡng 53 triệu đồng/lượng. Mức giá này được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn giữ cho tới cuối giờ chiều phiên giao dịch 22/7. Cụ thể, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chốt ngày ở mức 52,1 triệu đồng (mua vào) và 53,07 triệu đồng/lượng (bán ra).

Như vậy, chỉ trong vài phiên giao dịch đầu tuần mới, giá vàng đã liên tiếp lập các đỉnh cao lịch sử mới và chinh phục các ngưỡng quan trọng 51-52-53 triệu đồng/lượng.

Tính từ đầu tháng 7 đến nay, vàng SJC đã tăng hơn 3,5 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng trong nước tăng nhanh theo giá thế giới. Đầu giờ sáng 22/7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á bất ngờ tăng mạnh, từ mức 1.820 USD/ounce tăng vọt lên ngưỡng 1.860 USD/ounce, có lúc vàng lên tới 1.865 USD/ounce.

Vàng thế giới tăng mạnh sau khi Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận về gói giải cứu nền kinh tế khu vực trị giá tổng cộng 750 tỷ euro (860 tỷ USD) và nước Mỹ vẫn chìm trong khó khăn do đại dịch Covid-19 với hơn 4 triệu người nhiễm, số ca tử vong lên tới gần 145 nghìn người.

Hai ngày lập 3 kỷ lục, hồi hộp chờ giá vàng lên 56 triệu/lượng
Giá vàng trong nước tăng vọt trong thời gian gần đây.

Những áp lực ngắn hạn cùng với triển vọng dài hạn không mấy sáng sủa của nền kinh tế Mỹ khiến đồng USD giảm nhanh và qua đó kéo giá vàng đi lên.

Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) xuống mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi qua với mức 94,86 điểm. Hồi cuối tháng 3/2020, chỉ số này còn đứng trên ngưỡng 100 điểm.

Giới đầu tư lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ mất thêm nhiều thời gian để có thể hồi phục.

Trong bối cảnh lãi suất các nước ở mức rất thấp và triển vọng lạm phát dài hạn ở mức cao, sức cầu đối với vàng rất lớn. Các tổ chức tài chính hàng đầu trên thế giới vẫn đang đẩy mạnh mua vào. Quỹ đầu tư vàng SPDR lớn nhất thế giới vừa mua thêm 7,89 tấn vàng, lượng vàng nắm giữ tăng lên gần 1.220 tấn.

Hai ngày lập 3 kỷ lục, hồi hộp chờ giá vàng lên 56 triệu/lượng - 1
Biến động giá vàng thế giới trong vòng 1 năm qua.

Nhiều người ngồi trên đống lửa

Giá vàng tăng nhanh và mạnh trong những phiên gần đây mà không quay đầu tụt giảm nhanh như những đợt sốt nóng hồi năm 2011-2015 khiến nhiều người lo lắng không biết thị trường vàng sẽ như thế nào.

Ông Nguyễn Văn Cường tại Hà Đông cho biết, ông khá lo lắng với món nợ vàng hiện tại. Vàng đã tăng nhanh trong khoảng 1 tháng qua nhưng chỉ theo chiều đi lên, gần như không có giảm. Ông đã nhiều lần định mua vàng để trả nợ nhưng lại chờ giá vàng điều chỉnh giảm như các lần trước đó.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vàng vẫn tăng đều kể cả sau khi vượt ngưỡng quan trọng 50 triệu đồng/lượng hồi đầu tháng 7. Ông Cường kỳ vọng sau khi lên trên ngưỡng này vàng sẽ tụt giảm vài ba triệu, nhưng thực tế diễn biến hoàn toàn ngược lại. Vàng giờ đã 53 triệu đồng/lượng và không biết có quay đầu giảm hay lại tăng tiếp.

Gần đây, nhiều nhà đầu tư đã có kinh nghiệm hơn sau những cú thua lỗ nặng do lướt sóng khi giá vàng lên các đỉnh cao trước đây. Với các mức chênh giá mua và bán lên tới cả triệu đồng/lượng thì phần thua thiệt nghiêng về người dân, chứ không phải doanh nghiệp.

Trong đợt tăng lần này, mức chênh giá vàng mua bán không lớn như trong các lần trước đó. Nó cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh vàng có dấu hiệu muốn mua vàng trong dân.

Hai ngày lập 3 kỷ lục, hồi hộp chờ giá vàng lên 56 triệu/lượng - 2
Vàng được dự báo còn tăng giá.

Đại diện một số cửa hàng vàng tại Hà Nội cho hay sẵn sàng mua vàng của các khách hàng với số lượng lớn và chi trả tiền mặt ngay. Tuy nhiên, số lượng người đi bán vàng chốt lời không nhiều, chỉ ngang số lượng người đi mua vàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi mua bán vàng, cần tính toán kỹ tỷ lệ lợi nhuận khi mua bán. Theo ông Hiếu, cung cầu trên thị trường tương đối ổn định, nguồn cung vàng dồi dào. Giá trong nước lên là do theo giá thế giới.

Hiện tại, những yếu tố hỗ trợ đối với vàng vẫn là: một đồng USD suy yếu, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và một số nước, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi trên thế giới,...

Các chuyên gia phần lớn không đưa ra dự báo về xu hướng giá vàng trong ngắn hạn sau khi giá dồn dập tăng mạnh. Nhưng các khuyến nghị chủ yếu là người dân không nên đầu cơ, lướt sóng mà nên đầu tư, tích lũy trong thời gian dài.

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) - phân tích, giá vàng thế giới và trong nước có khả năng chững lại sau đợt tăng mạnh vài ngày qua. Tuy nhiên, về dài hạn vàng vẫn trong xu hướng đi lên.

Nhiều tổ chức tài chính trên thế giới dự báo, mặt hàng này sẽ còn tăng trong dài hạn do các yếu tố hỗ trợ đối với vàng vẫn còn tiềm ẩn, chưa lộ diện. Lạm phát hiện chưa cao do sức cầu yếu. Một khi lạm phát tăng lên, giá vàng sẽ còn tăng tiếp.

Theo Refinitiv, hiện tại, vàng còn đang bị giằng co bởi một bên là bất ổn và một bên là đà tăng mạnh của các thị trường cổ phiếu. Nếu thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm trở lại, vàng lại thêm cơ hội bứt phá.

Về dài hạn, giá vàng thế giới được dự báo sẽ lên mức 2.000 USD/ounce tương đương 56,7 triệu đồng/lương (chưa tính thuế và phí). Thậm chí, đỉnh của đợt tăng giá kéo dài này có thể là 3.000 USD/ounce tương đương 84,99 triệu đồng/lượng chưa tính thuế phí.

Theo V. Minh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/don-dap-vuot-cac-moc-quan-trong-thi-truong-vang-vao-giai-doan-kho-doan-dinh-660007.html